Hành tinh có 2 mặt trời

Thứ Sáu, 30/09/2011, 13:25

Chuyên san "Science" ngày 15/9 đưa tin các nhà thiên văn Mỹ đã phát hiện ra một hành tinh có 2 mặt trời giống như trong phim "Chiến tranh giữa các vì sao". Đây là sự kiện đầu tiên trong lịch sử thiên văn.

Hành tinh nằm bên ngoài Thái dương hệ đó được đặt tên là Kepler-16b, quay quanh 2 mặt trời vì thế mỗi ngày nó có 2 buổi bình minh và 2 buổi hoàng hôn. Hành tinh này cách Trái đất 200 năm ánh sáng. Cho đến nay một hành tinh 2 mặt trời chỉ có trong các phim viễn tưởng của Hollywood. Trái với hành tinh Tatooine trong phim "Chiến tranh giữa các vì sao" chỉ toàn sa mạc khô cằn với vài loại sinh vật cát sinh sống, hành tinh Kepler-16b lại lạnh lẽo và có khí. Tuy nhiên, các nhà thiên văn loại trừ khả năng có sự sống trên đó.

"Kepler-16b là điển hình đầu tiên về một hành tinh quay quanh 2 mặt trời. Một lần nữa chúng tôi phát hiện ra rằng Thái dương hệ của chúng ta chỉ là một điển hình trong sự đa dạng các hệ hành tinh mà thiên nhiên có thể tạo ra" - nhà thiên văn Josh Carter ở Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian tuyên bố.

Kepler-16b có khối lượng bằng 1/3 và bán kính bằng 75% sao Mộc, tương đương với sao Thổ. Hành tinh này quay chung quanh 2 mặt trời trong 229 ngày ở khoảng cách trung bình là 104,6 triệu kilômét. Do 2 ngôi sao này nhỏ hơn và ít nóng hơn mặt trời của chúng ta nên Kepler-16b rất lạnh lẽo, nhiệt độ bề mặt biến thiên từ -730C  đến -1010C.

Khám phá này có được nhờ kính viễn vọng Kepler. Sự hiện diện của một hành tinh được nhận biết khi nó đi ngang qua ngôi sao và làm lu mờ thoáng chốc độ sáng của ngôi sao. Nhưng trong trường hợp của Kepler-16b, việc quan sát phức tạp hơn vì 2 ngôi sao che khuất lẫn nhau và làm mất hẳn độ sáng theo chu kỳ. Các nhà thiên văn cũng nhận thấy khi 2 ngôi sao không che nhau, độ sáng vẫn lu mờ theo chu kỳ, điều này khiến người ta suy luận rằng còn có một thiên thể thứ 3 quay quanh chúng. Hai ngôi sao này cách nhau 33,8 triệu kilômét

M.L. (tổng hợp)
.
.