Hiện tượng lạ về phim “Song sinh”

Thứ Hai, 29/09/2008, 15:30
Khán giả mộ điệu nền nghệ thuật thứ bảy sắp được thưởng thức không chỉ một mà là hai phim về nhà thiết kế thời trang huyền thoại - Coco Chanel, 2 phim về thám tử đại tài Sherlock Holmes, 2 phim về trùm buôn lậu ma túy Pablo Escobar… Làn sóng phim có cùng nội dung, ra đời cùng thời điểm đang là một hiện tượng lạ của điện ảnh thế giới.

Thu hút sự chú ý của dư luận nhất là tác phẩm điện ảnh kể về tiểu sử người sáng lập ra dòng nước hoa và thương hiệu thời trang cao cấp Chanel nổi tiếng toàn cầu. Hai minh tinh cùng lúc nhận được lời mời vào vai chính là Audrey Tautou (trong phim “Coco trước Chanel”) và Anna Mouglalis (trong phim “Chanel và Stravinsky”).

Chưa biết phim nào sẽ chiến thắng? Phim nào bán được nhiều vé hơn? Trong hai diễn viên Audrey Tautou và Anna Mouglalis, ai diễn hay hơn, chân thực hơn, giống Chanel hơn? Chỉ biết là mùa xuân tới, người xem sẽ có cơ hội gặp lại một nhà thiết kế thời trang đặc biệt nhất thế giới - người cống hiến cả cuộc đời mình cho ngành công nghiệp làm đẹp con người.

Coco trước Chanel”, đạo diễn Benoit Poelvoorde, kể về những ngày đầu tiên chinh phục thế giới của Gabrielle Chanel. Trái lại, “Chanel và Stravinsky”, đạo diễn Mads Mikkelsen lại nhấn mạnh vào chuyện tình mê đắm giữa Chanel và nhạc sĩ người Nga Stravinsky.

Cuộc chạy đua giữa Audrey Tautou và Anna Mouglalis càng thêm gay cấn vì nhà Chanel đã chính thức có hợp đồng quảng bá với cả hai minh tinh. Với thương hiệu này, bất cứ bộ phim nào làm về Chanel đều đáng trân trọng và cổ vũ.

Tuy vậy, giới chuyên môn lại đánh giá cao Audrey Tautou và “Coco trước Chanel” hơn. Dẫu gì thì Tautou đã tạo được dấu ấn diễn xuất của riêng mình. Hãng phim Warner nhận định “Coco trước Chanel” rất có khả năng gây tiếng vang trên thị trường ngay từ khi bộ phim được ra mắt công chúng.

Về phần mình, nhà sản xuất hoàn toàn đặt trọn niềm tin rằng Tautou sẽ lập kỳ tích giống như ngôi sao Marion Cotillard khi hóa thân vào nhân vật Édith Piaf trong phim “La vie en rose” từng đoạt 2 giải Oscar danh giá hồi đầu năm vừa qua.

Giới báo chí từng thống kê được rằng, đã từng có hàng chục bộ phim “song sinh” như vậy kể từ năm 1980. Đạo diễn Jacques Rivette và Luc Besson có chung ý tưởng khi cùng làm phim “Jeanne la pucelle” (cuối thập niên 90). Sau đó bộ phim “Le Passager de l’été” của Florence Moncorgé-Gabin cũng có nội dung trùng khớp với phim “L’Équipier” của Philippe Lioret.

Vài năm gần đây, Hollywood cũng chứng kiến nhiều hiện tượng phim “song sinh”. Lịch công chiếu năm 2009 đã có danh sách của  2 tác phẩm cùng làm về thám tử Sherlock Holmes lừng danh. Người xem phân biệt được một phim là do tài tử Sasha Baron Cohen đóng vai chính còn phim kia có sự tham gia diễn xuất của Robert Downey Jr.

Không chỉ có Sherlock Holmes mới đủ sức gây ra sự tranh giành khốc liệt tại phòng vé, trùm buôn ma túy Pablo Escobar cũng là niềm cảm hứng để hai hãng phim tung ra tác phẩm ưng ý của mình.

Phim “Escobar” do Oliver Stone đạo diễn, còn “Killing Pablo” do Joe Carnahan đạo diễn với sự tham gia của tài tử mới đoạt giải Oscar nam diễn viên chính xuất sắc nhất: Javier Bardem.

Pablo Escobar xứng đáng là “mỏ vàng” của Hollywood bởi cuộc đời của tên tội phạm này có đầy đủ những yếu tố hấp dẫn: đào mộ ăn cắp sọ người, trộm ôtô, rồi trở thành một trong những tên trùm buôn bán ma túy hàng đầu Colombia, năm 1989, có tên trong danh sách những người giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes... Vậy nên, chuyện trùng lặp ý tưởng ở những nhân vật tên tuổi là điều cũng không quá khó hiểu.

“Platoon” đối đầu với “Full Metal Jacket”, “Valmont” cạnh tranh với “Liaisons dangereuses”, “Le Prince des voleurs” chiến đấu cùng “Robin des bois”... Phim hoạt hình cũng là lĩnh vực chứng kiến nhiều cuộc tranh giành quyết liệt. “Madagascar” có đối thủ là “The Wild”, “Gang de requins” phải dè chừng “Nemo”, “Fourmiz” đối đầu cùng “1001 Pattes”, khán giả nhí cũng phải chọn lựa giữa “Les Chimpanzés dans l’espace” và “Fly me to the Moon”.

Tuy nhiên, những tư tưởng lớn này lại gặp nhau trong cùng một thời điểm thì lại là chuyện rất lạ và không phải ai cũng biết rõ lý do. Các nhà chuyên môn, nhà phê bình điện ảnh thì cho rằng nguyên nhân chính nằm ở khâu kịch bản.

Đôi khi, cùng một kịch bản được gửi đi cho nhiều hãng phim. Trong trường hợp nội dung hấp dẫn thì đương nhiên kịch bản đó là ngòi châm cho các cuộc chiến khốc liệt sau này. Cái mốc đầu tiên mà các bên nhắm tới đó là giành quyền công chiếu trước tiên.

Bên cạnh đó, yếu tố tình báo công nghiệp cũng rất đáng lưu tâm. Không chỉ diễn ra trong lĩnh vực chính trị, kinh tế... tình báo đã len lỏi vào ngành công nghiệp phim ảnh. Chuyện gài người, bán thông tin đã từng diễn ra và gây nhiều tranh cãi trong cùng một giới.

Và còn chuyện các hãng lôi kéo người tài từ tay đối thủ cũng là một khả năng lớn. Hollywood là một thế giới thu nhỏ, không thiếu tính khốc liệt và đa dạng. Nhân lực luôn là một vấn đề sống còn.

Một khi “quyến rũ” được một vài nhân viên “xịn” về làm việc cùng phe thì cũng có nghĩa là được sở hữu những tin tức vô cùng giá trị. Chính vì vậy mới có chuyện các hãng phim tự giẫm chân lên nhau.

Có lẽ trong hiện tượng phim “song sinh” này, người hưởng lợi nhiều nhất là khán giả

Đan Kô(tổng hợp)
.
.