Họa sĩ có thị giác siêu nhiên

Thứ Hai, 15/12/2014, 15:55
Khi nhìn một chiếc lá, Concetta Antico không chỉ thấy màu xanh mà còn nhiều màu sắc khác nữa. Antico cho biết: "Xung quanh mép lá, tôi nhìn thấy màu cam, đỏ hay tía. Nó giống như bức tranh ghép mảnh đầy màu sắc". Concetta Antico nhìn thấy được những màu này không bởi vì cô là họa sĩ theo trường phái ấn tượng, mà thật ra cô mắc phải hội chứng gọi là "thị giác 4 màu" (tetrachromacy) - nghĩa là một biến đổi gien tác động đến sự phát triển của võng mạc và từ đó khiến cô có nhiều cơ quan thụ cảm hơn trong mắt để hấp thu màu sắc.

Sự khác biệt nằm ở các tế bào hình nón của Antico, tức là các cấu trúc trong mắt hấp thu các bước sóng ánh sáng đặc biệt và truyền chúng đến não. Trung bình một người có 3 tế bào hình nón, mỗi tế bào giúp nhìn thấy khoảng 1 triệu màu sắc. Nhưng, Antico có đến 4 tế bào này, nghĩa là cô nhìn thấy được khoảng 100 triệu màu sắc.

Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu không chắc chắn hội chứng "thị giác 4 màu" tồn tại, mà nếu có thì chỉ có thể tìm thấy ở phụ nữ. Lý do là các gien đằng sau khả năng nhìn thấy màu sắc. Người bình thường có 3 tế bào hình nón điều chỉnh bước sóng ánh sáng của màu đỏ, xanh lục và xanh lam. Chúng kết nối với nhiễm sắc thể X - nam giới có 1 nhưng phụ nữ có 2. Những đột biến nơi nhiễm sắc thể X dẫn đến việc một người nhìn thấy màu sắc nhiều hơn hay ít hơn. Đó là lý do mà hiện tượng mù màu bẩm sinh xảy ra nơi nam giới phổ biến hơn nữ giới. Và, nếu một phụ nữ bị đột biến cả 2 nhiễm sắc thể, cô ta sẽ có đến 4 tế bào hình nón thay vì 3 nơi người bình thường. Đây là trường hợp của Concetta Antico.

Hình ảnh cho thấy các tế bào hình nón và thanh que, với tầng nhân bên ngoài.

Các nhà nghiên cứu phát hiện Antico là người có "thị giác 4 màu" vào năm 2012. Họ cho biết có khoảng 1% dân số thế giới được cho là mắc phải hội chứng này, song không dễ chứng minh theo kinh nghiệm. Bà Kimberly Jameson, chuyên gia Viện Khoa học Hành vi Toán học Đại học California ở Irvine, nhận định: "Sự khác biệt giữa người mắc phải hội chứng và người có thị giác bình thường không mạnh mẽ như sự khác biệt giữa người bị mù màu và người bình thường".

Jameson đã cùng với chuyên gia Alissa Winkler ở Đại học Nevada, đi sâu nghiên cứu trường hợp của Concetta Antico nhằm để hiểu tường tận hơn về hội chứng tetrachromacy. Những khác biệt trong nhận thức màu sắc khó dò thấy được bởi vì chúng quá nhỏ, nhưng các xét nghiệm được sử dụng hiện nay lại không được thiết kế cho 3 màu - đỏ, xanh lục và xanh lam. Căn cứ vào các gien của Antico, bà Jameson cho rằng tế bào hình nón thứ 4 của cô hấp thu những bước sóng hơi hơi "đỏ, cam và vàng" vì lúc đó chưa có loại test thiết kế cho tế bào hình nón thứ 4.

Jameson và Winkler hiện đang tìm hiểu thêm về những người mắc phải hội chứng "thị giác 4 màu" để làm rõ hoạt động của não bộ của số người này. Jameson rất thích thú trước vấn đề con người có khả năng hình thành và truyền đạt các khái niệm như thế nào, đặc biệt khi cách mà họ nhận thức thế giới có thể thay đổi quá nhiều. Họa sĩ Antico cho biết: "Tôi bắt đầu vẽ lúc 7 tuổi và tôi rất thích thú trước màu sắc".

Cách đây 5 năm, khi con gái của Antico được 7 tuổi, gia đình nhận ra cô bé bị mù màu. Antico nói rằng: "Con gái bị mù màu là do gien di truyền từ mẹ". Antico mong sao các nhà khoa học tìm ra cách chữa trị hội chứng tetrachromacy để giúp cho những người bị mù màu như con gái của cô.

Bức vẽ mô tả màu sắc chim công của Antico.
Bức "Rãnh cầu vồng" của Antico.

Concetta Antico là giáo viên dạy vẽ 20 năm nay, và học trò của cô có nhiều người bị mù màu. Ngoài thời gian giúp cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu về tetrachromacy, Antico hy vọng mở một trường nghệ thuật dành cho người mù màu và tạo một diễn đàn trực tuyến cho mọi người trên thế giới khám phá xem họ có mắc phải hội chứng "thị giác 4 màu" như cô hay không.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.