Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ: Mỹ muốn lấy lại “sân sau” – khó lắm!

Thứ Sáu, 20/04/2012, 19:10

Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 6 năm 2012 diễn ra trong 2 ngày 14 và 15/4/2012 tại thành phố du lịch Cartagena, Bắc Colombia, được xem là cơ hội để Mỹ lợi dụng nhằm khôi phục quan hệ với "sân sau" vốn đã bị nguội lạnh từ nhiều năm nay do những chính sách diều hâu của Mỹ, nhưng xem ra tham vọng này hiện nay vẫn còn nhiều trở ngại, vì Mỹ vẫn cố chấp trong một số chính sách đối với khu vực.

Báo chí quốc tế đưa tin: Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) lần thứ 6 đã khép lại mà không có tuyên bố chính thức nào được đưa ra. Cơ bản, người ta cho rằng còn khá nhiều bất đồng giữa Mỹ với các nước Mỹ Latinh, trong đó chống ma túy và việc mời hay không mời Cuba tham gia OAS trong hội nghị lần tới là 2 vấn đề nổi cộm nhất.

Về vấn đề chống ma túy, nói chung giữa Mỹ và Mỹ Latinh vẫn còn khoảng cách khá lớn. Nhiều lãnh đạo Mỹ Latinh đang muốn thúc đẩy việc tìm kiếm một chiến lược mới cho cuộc chiến chống ma túy, trong đó có cả đề xuất "hợp pháp hóa" và ban hành những chính sách, quy định chặt chẽ nhằm kiểm soát việc buôn bán ma túy một cách hiệu quả thay vì cứ chơi trò "mèo vờn chuột" như hiện nay.

Trong khi đó, Mỹ không chấp nhận đề xuất của các lãnh đạo Mỹ Latinh, và nhất định phải theo phương án cũ: dùng lực lượng vũ trang để trấn áp, truy lùng bọn buôn lậu ma túy. Người Mỹ có một điển hình để minh chứng quan điểm của mình: Colombia. Báo chí Mỹ trong mấy ngày trước và trong hội nghị đã tuyên truyền rất đậm nét những thành quả tích cực về kinh tế - xã hội mà Colombia đã đạt được kể từ khi triển khai cuộc chiến chống ma túy quy mô lớn do Mỹ tài trợ, còn gọi là Plan Colombia. Cuộc chiến đó đã tẩy sạch cây côca khỏi những đồn điền Colombia và tình hình đời sống kinh tế xã hội nước này hiện đã tiến triển khá hơn rõ rệt so với cách đây 15 năm. Một kết quả khác của cuộc chiến chống ma túy: lực lượng du kích FARC đã dần dần từ bỏ bạo lực để chuyển sang đấu tranh chính trị - một bước tiến quan trọng.

Tình hình Colombia "khá lên", nhưng các nước trong khu vực thì đang ngày càng bị nạn buôn lậu ma túy hoành hành dữ dội, trong đó Mexico, Honduras, El Salvador, Costa Rica,… đang từng ngày đối mặt với cuộc chiến ma túy đẫm máu, còn hơn cả các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan.

Không chỉ là vấn đề chống ma túy, việc Colombia duy trì quan hệ đồng minh thân thiết với Mỹ, cho phép quân đội Mỹ hiện diện trong khu vực cũng là vấn đề bất đồng với các nước thuộc khu vực Mỹ Latinh. Các nước Mỹ Latinh vốn đã phản đối việc Mỹ đưa quân đội tình báo tiến hành các hoạt động quân sự chống ma túy tại Colombia nhiều năm qua và luôn đặt vấn đề về các hoạt động khác của người Mỹ tại đây sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến tình hình an ninh, trật tự xã hội trong khu vực. Bởi thế, khi vụ bê bối "rượu và gái" đáng xấu hổ của toán điệp viên Cục Mật vụ Mỹ xảy ra tại khách sạn Caribe, thành phố Cartagena, ngay trước khi ông Obama đặt chân đến Colombia cho một kỳ hội nghị đầy tham vọng, thì người ta lại có chuyện để chất vấn Tổng thống Obama.

Thật không có gì bẽ mặt cho ông Obama khi vừa họp với các lãnh đạo châu Mỹ, vừa phải giải trình, chống chế trước hơn 30 lãnh đạo quốc gia trong khu vực về vụ việc được báo chí bêu riếu mấy ngày qua là "màn ăn chơi thả cửa với rượu và gái" của toán điệp viên mật vụ Mỹ khi họ đi tiền trạm tại thành phố Cartagena để chuẩn bị cho chuyến dự hội nghị của ông.

Vụ bê bối của các điệp viên mật vụ đã khiến cho Tổng thống Obama bị bẽ mặt tại hội nghị OAS.

Khi vụ việc đổ bể - do bị nhân viên khách sạn Caribe, nơi các điệp viên này trú ngụ, báo cảnh sát địa phương đến bắt - toán 11 điệp viên mật vụ đã bị triệu hồi về nước vào ngày 12/4 và bị tạm đình chỉ công tác để điều tra. Vụ việc bê bối của 11 điệp viên mật vụ có thể ví như một "gáo nước lạnh" dội vào khí thế hừng hực của ông Obama tại hội nghị OAS. Đáng nói ở chỗ, thông tin về vụ đổ bể lại bùng nổ và loan đi khắp thế giới vào ngày 13/4, ngay hôm trước khi hội nghị OAS khai mạc.

Hội nghị OAS đã khép lại, nhưng vấn đề nổi cộm nhất, mời hay không mời Cuba tham gia OAS, vẫn chưa có đáp án. Trong ngày họp thứ 2, 15/4, vấn đề mời Cuba tham gia đã khiến cho hội nghị trở nên "nóng" hơn hết. Vì việc Mỹ không chấp nhận mời Cuba tham gia hội nghị lần này nên Tổng thống Ecuador Rafael Correa, Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega đã tẩy chay, không tham gia hội nghị. Tổng thống Venezuela Hugo Chavez thì đang ở Cuba điều trị bệnh cũng cử đại diện tham dự và đưa ra lời phản đối Mỹ về vấn đề này.

Sự bảo thủ của người Mỹ trong vấn đề mời Cuba tham gia hội nghị OAS một lần nữa cho thấy Washington vẫn cố tình theo đuổi chính sách thù địch với Cuba, bất chấp việc "hòn đảo tự do" đã nhiều lần thể hiện thiện chí đối với Mỹ trong nhiều vấn đề, và cả việc gần đây Cuba đã khởi động chương trình cải cách kinh tế - xã hội sâu rộng nhưng Mỹ chưa có sự phản hồi tương xứng. Thái độ bảo thủ của Mỹ còn thể hiện một sự thật là, cho dù luôn hô hào, đưa ra những tuyên bố hùng hồn, những hứa hẹn về những thay đổi, những chính sách cởi mở và thân thiện hơn với khu vực một thời được xem là "sân sau" này, trên thực tế Mỹ vẫn giữ nguyên như cũ.

Do bất đồng về việc mời Cuba tham gia hội nghị OAS lần tới không được giải quyết nên hội nghị OAS lần thứ 6 tại Cartagena đã không thông qua được tuyên bố chung. Đồng thời người ta còn chưa biết liệu hội nghị lần thứ 7 có được diễn ra hay không nếu vấn đề này tiếp tục không được tháo gỡ

An Châu (tổng hợp)
.
.