Hội ngộ kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 18

Thứ Tư, 14/04/2010, 15:30
Với vào gần 300 đề xuất kỷ lục gửi về năm 2009, sau thời gian đánh giá, thẩm định, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) đã chính thức xác lập thêm 32 kỷ lục Việt Nam. Các kỷ lục sẽ được trao trong Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 18 diễn vào sáng 27/3/2010 tại TP HCM.

Nhân dịp này, Vietking phối hợp cùng Công ty An Hảo chính thức giới thiệu về bộ lịch blốc độc bản về lịch sử Việt Nam lớn nhất thế giới. Được sự hỗ trợ thông tin từ Vietkings, Chuyên đề ANTG xin giới thiệu đến bạn đọc một số kỷ lục độc đáo được xác lập vào lần hội ngộ kỷ lục lần thứ 18 này...

1. Người có khả năng xoay vòng nhiều nhất

Kỷ lục kỳ lạ này thuộc về ông Trần Minh Thiêm, 74 tuổi, đang sinh hoạt tại Câu lạc bộ hưu trí phường 13, quận Tân Bình, TP HCM. Vào năm 20 tuổi, trong một lần xem đoàn nghệ thuật từ châu Âu sang lưu diễn trượt băng trên một sân khấu ở khu Đa Kao, Sài Gòn, ông Thiêm nhìn thấy các vận động viên trượt băng nghệ thuật lướt trên băng rồi xoay người thật điệu nghệ làm bật lên ý tưởng và khả năng xoay vòng trong ông. Từ đó ngày nào  ông cũng luyện tập. Lúc đầu chỉ 50, 100 vòng, dần dần khả năng xoay của ông nâng lên 200, 300 vòng và nhiều thêm nữa.

Đạo cụ biểu diễn của ông có khi là 2 quả bóng màu cỡ lớn hoặc có khi 2 tay ông cầm 2 cây quạt chuyên dùng cho điệu múa "Thái cực quyền" để uyển chuyển xoay người quanh sân khấu. Đáng nhớ là vào tết Đinh Hợi, ông đã biểu diễn ngoài trời tại sân tập thể dục của Câu lạc bộ  hưu trí phường 13, quận Tân Bình trong 3 giờ liền với khoảng 7.000 vòng.

2. Người tính nhẩm tìm lịch nhanh nhất

Kỷ lục trên thuộc về ông Lương Châu Phú ở số 118 đường Lê Văn Lương, ấp 2, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM, nguyên là kỹ sư địa chất. Năm 2000, trong một chuyến công tác theo đoàn khảo sát để xây dựng trạm ứng dụng sử dụng năng lượng mặt trời tại vùng núi Sam thuộc Châu Đốc, tỉnh An Giang, không may bị trượt chân ngã từ đỉnh núi xuống. Tai nạn khiến ông bị chấn thương cột sống cổ rồi sau đó ông liệt dần toàn thân.

Do phải nằm một chỗ, ông Phú đã suy nghĩ cách sống có ích và vượt qua nghịch cảnh của mình. Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, ông đã tìm ra phương pháp tính nhẩm nhanh thứ - ngày - tháng - năm theo dương lịch để ông không phải sống "đời sống thực vật". Nếu bạn cho ông Phú biết ngày tháng của một năm bất kỳ trong vòng 100 năm trước đây hoặc 100 năm sắp tới, ông sẽ cho biết chính xác ngày tháng của năm đó là thứ mấy.

Trong thời gian chưa đầy 1 phút, ông đã cho biết ngày 10/1/1901 là thứ Năm hay ngày 30/4/2010, là thứ Sáu, đối chiếu với hệ lịch trên lịch vạn niên cho thấy kết quả chính xác...

3. Đôi song ca là chị em ruột có vóc dáng thấp nhất

Danh hiệu trên thuộc về hai chị em Nguyễn Thị Hằng (32 tuổi), Nguyễn Thị Hà (22 tuổi) quê ở xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Từ khi sinh ra cho đến năm 10 tuổi cả hai đều phát triển bình thường nhưng đến khi học cấp hai, cơ thể "dừng" lại, cả hai đều không phát triển thêm nữa cả về chiều cao và cân nặng. Hiện nay, Hằng chỉ cao 1,26m nặng 25kg, Hà cao hơn Hằng... 1cm và cũng nặng hơn chị 1kg.

Với giọng hát dân ca trong trẻo, dễ cảm, đôi song ca Thanh Hằng - Thanh Hà (nghệ danh của hai chị em) đã thể hiện mình trong các chương trình ca nhạc như Lễ hội trăng rằm 2009 (2-3/10/2009), Tích hạt yêu thương, Tiếp sức đến trường, Thương về miền Trung (tối 27/10/2009 tại Nhà hát TP HCM)...

4. Người nhắn tin nhanh nhất

Với thời gian 58 giây 650 mili giây đã hoàn thành tin nhắn gồm 125 ký tự, Phạm Thị Thùy Linh (cựu sinh viên ngoại giao) đã vượt qua hàng ngàn người để chiếm giải vô địch cuộc thi Samsung - Ngón tay thần tốc do Công ty Samsung Electronics Việt Nam tổ chức, diễn ra vào tối ngày 13/3/2010 tại Nhà thi đấu Quân khu 7 (TP HCM).

Cuộc thi Samsung - Ngón tay thần tốc được tổ chức ở Hà Nội (6/3) và TP HCM (13/3/2010), với hơn 4.000 bạn trẻ tham dự.

5. Bộ lịch blốc độc bản về lịch sử Việt Nam lớn nhất

Dự kiến vào sáng nay, 27/3/2010, Vietkings và Công ty An Hảo sẽ cho ra mắt những tờ lịch đầu tiên của sản phẩm lịch blốc lịch sử Việt Nam. Đây là bộ lịch ra đời dành riêng cho Thăng Long - Hà Nội 1000 năm, sau một thời gian phác họa ý tưởng và tham khảo ý kiến của các nhà sử học, họa sĩ và nghệ nhân điêu khắc, với tinh thần con Rồng cháu Tiên luôn hướng về thủ đô mang đậm bản sắc văn hóa lịch sử lâu đời, trong gần 18 tháng, nhóm thiết kế cùng hơn 20 họa sĩ, nghệ nhân điêu khắc đã tiến hành chạm trổ, vẽ hơn 365 bức tranh đi kèm với những nội dung ngắn gọn, tái hiện xuyên suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, từ thời dựng nước cho đến ngày đất nước thống nhất.

Chất liệu bộ lịch in trên vải silk, kích thước 1,3x2m, thành phẩm 2,5x3,7m, cân nặng khoảng 800kg. Theo đánh giá, đây sẽ là bộ blốc lịch Việt Nam lớn nhất và duy nhất trên thế giới.

6. Người vẽ thư họa danh nhân thế giới nhiều nhất

Họa sĩ Lê Vũ tên thật là Lê Quang Vũ, nay đã ngoài 60 tuổi nhưng ông có thời gian cầm cọ gần 40 năm, các loại hình hội họa từ tả chân, trừu tượng cho đến lập thể, ấn tượng, siêu thực... đều được ông đưa vào tranh của mình. Lê Vũ luôn trăn trở tìm ra cái riêng thật sự, cái riêng thật rõ nét cho mình", đó là vẽ thư họa chân dung các danh nhân.

Đến tháng cuối năm 2009, họa sĩ Lê Vũ đã thực hiện 100 bức  thư họa chân dung danh nhân trên giấy dó, giấy Đông Hồ, giấy trắng dày vẽ bằng mực Tàu.

7. Bức tranh thủy mặc về hoa dài nhất

Dài 4,1m, cao 1,25m, bức tranh thủy mặc có tên “Phú quý trường xuân”, được họa sĩ Trương Hán Minh dành tâm huyết vẽ trong vòng nửa tháng. Với bút pháp điêu luyện, xuất thần, bố cục hài hòa, sự kết hợp tài tình giữa ánh sáng, màu sắc, kể cả tính triết lý, bức tranh thể hiện cảnh sắc thiên nhiên bốn mùa rực rỡ trong từng nét chấm phá, đậm nhạt, lúc mạnh mẽ, lúc uyển chuyển, tạo cho bức tranh tràn trề sức sống.

Trong đó, hoa mẫu đơn tượng trưng cho sự phú quý, sung túc, hoa mai, đào tượng trưng cho mùa xuân và sự may mắn, cội tùng nói lên sự trường xuân vô tận. Bức tranh hàm chứa ý nghĩa mang lại nhiều may mắn, tốt đẹp cho người sở hữu. Theo họa sĩ Trương Hán Minh, bức tranh sẽ được bán đấu giá để gây quỹ từ thiện dành cho các trẻ em bị hở hàm ếch.

8. Người tạo hình bằng vỏ trứng nhiều nhất

Kỷ lục này thuộc về nhà giáo Nguyễn Thành Tâm, hiện là giáo viên dạy Anh văn ngụ tại quận Gò Vấp, TP HCM. Với suy nghĩ làm những đồ dùng mang tính trực quan để minh họa cho việc học Anh văn để thêm sinh động, nhất là đối với các em thiếu nhi. Ông Tâm đã suy nghĩ dùng chất liệu đã qua sử dụng để tạo hình.

Năm 2002, ông Tâm sử dụng những vỏ trứng để tạo hình. Đầu tiên, ông Tâm làm ông già Noel, ông Địa, 12 con giáp, chim cánh cụt, bò, trâu... Đặc biệt, vào dịp Xuân Mậu Tý, ông Tâm đã làm trên 30 chú chuột bằng các loại vỏ trứng vịt, trứng cút, trứng gà... diễn tả rất sinh động cảnh "Vinh quy bái tổ" với  "Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau", lồng đèn trung thu...

Hiện nay, ông Tâm đã làm được hơn 200 mẫu vật bằng vỏ của các loại trứng. Lớn thì bằng trứng đà điểu, trứng ngỗng, vừa thì bằng trứng gà, trứng vịt, nhỏ thì bằng trứng cút.

9. Thạp đồng đúc mới lớn nhất

Chiếc thạp đồng cao 1,51m (thân 1,21m, nắp 30cm), đường kính chỗ rộng nhất 0,88m, nặng 288kg, được đúc từ 300kg nguyên liệu đồng đỏ nguyên chất bằng phương pháp thủ công, mô phỏng kiểu dáng, hoa văn thạp đồng Đào Thịnh nhưng kích thước, trọng lượng nặng gấp 1,5 lần thạp đồng cổ.

Chiếc thạp này được ông Hoàng Văn Thông, Giám đốc Bảo tàng cổ vật Hoàng Long và hơn 20 nghệ nhân tại làng đúc đồng Chè Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) thực hiện trong hơn 3 tháng (từ tháng 8 đến 11/2008).

10. Logo hình hoa mai xếp bằng vỏ chai nước suối lớn nhất

Ngày 18/10/2009, tại Khu Du lịch Văn Thánh, TP HCM, nhân ngày truyền thống Thanh niên công nhân (15/10), Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn đã tổ chức ngày hội dành cho các bạn đoàn viên, thanh niên. Trong ngày hội này, các bạn đã thực hiện một logo hình hoa mai - logo biểu trưng của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn. Để thực hiện, 245 đoàn viên thanh niên đã sử dụng 2.370 chai nước suối, sau đó kết nối, dán ghép lại trong 2 giờ 10 phút (từ 7h45 đến 9h55). Sau khi hoàn chỉnh, logo hình hoa mai năm cánh với hai màu xanh và vàng, có đường kính 4m.

11. Chiếc bánh dày lớn nhất

Sáng 3/3/2010, chiếc bánh dày nặng 2.010kg, đường kính 2,010m có hình bông sen, trên mặt có chạm hình rồng (đời Lý) chầu nguyệt đã được vận chuyển từ thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên, Hà Nội về chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình. Theo Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển TST - Hà Nội, đơn vị thực hiện, công việc chuẩn bị làm bánh được bắt đầu từ tháng 11/2009, quan trọng nhất là khuôn bánh bằng gỗ, chạm trổ cầu kỳ được hàng chục nghệ nhân và họa sĩ thực hiện trong gần 4 tháng. Chất liệu làm bánh là loại nếp cái hoa vàng.

Đêm 17 tháng Giêng (2/3/2010), 5 gia đình nghệ nhân nổi tiếng làng nghề cùng hơn 30 người phục vụ làm bánh liên tục trong 13 giờ đồng hồ. Sáng 18 tháng Giêng, đúng vào ngày diễn ra Lễ hội chùa Bái Đính (ngày 3/3/2010 dương lịch), chiếc bánh dày khổng lồ được vận chuyển trên một xe cẩu được "hóa trang" như một con chim hạc đưa bánh từ Hà Nội về chùa Bái Đính. Chiếc bánh dày khổng lồ sau khi tiến cúng đã được chia cho 20.000 người đi lễ tại chùa Bái Đính

T.T. (ghi)
.
.