Hollywood trong cơn khủng hoảng

Thứ Năm, 20/08/2009, 17:45
Sau nhiều lần chối bỏ lẫn che giấu thực tế, Hollywood nay đã chính thức thừa nhận khủng hoảng đang tác động mạnh hơn bao giờ hết tới vương quốc điện ảnh. Từng hãng phim, từng dự án lần lượt rơi vào cối nghiền của cơn bão tài chính đen tối của toàn cầu.

Giai đoạn từ năm 2000 đến 2008, số lượng phim tăng 32% (từ 478 bộ/năm lên 631 bộ/năm)... Nếu chỉ nhìn bề nổi thì ai cũng có cảm giác rằng Hollywood vẫn đang tiếp tục ngự trị trên đỉnh sung mãn của mình nhưng thực sự thì không phải vậy. 10 hãng phim có tốc độ tăng trưởng cao nhất (chiếm 91% thị trường phim ảnh Mỹ) cũng phải cắt giảm bớt các đơn vị "chân rết" hoặc tìm cách sáp nhập với nhau để chống chọi lại với suy thoái.

Như Warner Brothers Entertainment buộc phải đóng cửa hai hãng phim thành viên là Picturehouse và Warner Independent Pictures đồng thời hợp nhất với New Line Cinema. Tất cả các biện pháp này là để cắt giảm chi phí.

Không những thế, năm nay số lượng phim xuất xưởng cũng chỉ còn 20 phim (giảm 25% so với năm ngoái). Lần lượt, Paramount và 20th Century Fox cũng phải đi những bước tương tự. Có thể, khán giả vẫn tới rạp để xem phim nhưng số lượng đã sụt giảm so với trước. Tất nhiên, đây cũng là một lý do khiến cho doanh số giảm đi.

Dù vậy, điều làm giới điện ảnh lo lắng hơn cả là vốn đầu tư rót vào nền nghệ thuật thứ bảy đang teo dần lại. Thời mà Hollywood được rót 4-5 tỉ USD/năm liên tục trong vòng 4 năm qua đã chấm dứt. "Bộ phận cảm biến của các nhà đầu tư luôn hoạt động tốt. Chỉ một xao động cho thấy thị trường đang trong giai đoạn nguy hiểm, nó sẽ rung chuông báo động", David Thomson, nhà phê bình phim nổi tiếng ví von như vậy.

Ông còn cho rằng các hãng phim nên nhanh chóng thay đổi cách kinh doanh vì "bao cấp không còn nữa".  Trong thời gian tới, nền công nghiệp này sẽ phải chứng kiến sự suy giảm 5-10% số lượng của các tác phẩm điện ảnh.

Chưa bao giờ khán giả lại có nhiều sự lựa chọn để giải trí như hiện nay. Người xem có thể thuê băng đĩa với giá rẻ, xem rồi tải xuống từ trên mạng hoặc xem qua truyền hình cáp... những tiện ích đó đã khiến khán giả lười tới rạp hơn. Chẳng có nhiều người chấp nhận lặn lội ra khỏi nhà và vừa phải trả số tiền đắt đỏ cho xuất chiếu một bộ phim.

Tên tuổi của các tài tử, minh tinh là một trong những đảm bảo thành công cho bộ phim. Hollywood dựa vào các ngôi sao điện ảnh để đưa ra các tác phẩm “bom tấn”. Họ lại có sẵn thế mạnh là đội ngũ người hâm mộ đông đảo nhưng đổi lại, họ cũng có giá riêng của mình.

Vài chục triệu USD là cátsê "có thể đàm phán" đối với một ngôi sao điện ảnh; chưa kể những tỉ lệ phần trăm lợi nhuận tính trên đầu vé bán ra, những ưu đãi về nơi ăn, chốn ở, dịch vụ kèm theo... là những điều kiện bắt buộc phải có nếu như hãng phim muốn nhận được cái gật đầu ưng thuận. Vì tương lai doanh thu, các ông chủ "bấm bụng" xuống nước. Điều này đồng nghĩa là chi phí sản xuất bị đội lên tỉ lệ thuận với số lượng sao góp mặt.

Không có sẵn các nhà đầu tư, hệ lụy là các dự án, các siêu phẩm cũng không được cho ra đời. Thế nên người ta càng nhớ về quá khứ, thời mà Hollywood kiêu hãnh với muôn vàn dự án “bom tấn”, tiền thu về như nước chảy và cả những giải thưởng nóng hổi các giá trị đa chiều

Đan Kô (tổng hợp)
.
.