Khi phái đẹp săn bắt cướp

Thứ Bảy, 02/09/2006, 08:45

"Cảnh sát là nghề chỉ dành riêng cho đàn ông". Khẩu hiệu này đã trở nên mất tác dụng khi ngày càng có nhiều nữ giới tham gia các khóa đào tạo cảnh sát và trở nên nổi tiếng khắp năm châu với những chiến tích lừng danh của mình. Xin giới thiệu một số gương mặt nữ cảnh sát tiêu biểu nhất thế giới.

"Những bông hồng Anh quốc"

Lần đầu tiên trong lịch sử ngành cảnh sát xứ sở sương mù, một phụ nữ gốc Châu Á đã được trao tặng giải thưởng cao quý nhất (Public Sector Award) cho những đóng góp của mình trong công tác giữ gìn trật tự an ninh công cộng. Đó là Ch Insp Sandhu. Vượt qua 200 ứng viên khác, Ch Insp Sandhu đã thật sự tạo ấn tượng mạnh đối với lực lượng cảnh sát Anh khi cùng tham gia điều tra vụ tấn công khủng bố hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô London. Với giải thưởng thứ 7 trong cuộc đời của mình, Ch Insp Sandhu đã được công nhận là Nữ cảnh sát danh dự của London.

Bên cạnh hình tượng nữ cảnh sát Ch Insp Sandhu còn có 6 bông hồng khác được nhắc đến. Tất cả những người này đều là thành viên của Đội đặc nhiệm chuyên đóng giả làm mồi nhử tội phạm ở đồn cảnh sát Wood Green. Nổi bật nhất trong số họ là nữ cảnh sát Janet Rodgers - người mới 18 tuổi đã dám xung phong thâm nhập hang cọp và làm mồi nhử. Năm nay 44 tuổi, nhà cựu vô địch judo này vẫn tiếp tục đóng vai "con mồi" dù bà đã bị chấn thương ít nhất 20 lần. Tuy nhiên, do hạn chế về tuổi tác nên ngoài công việc làm mồi nhử, Janet Rodgers được mời làm giáo viên giảng dạy trong lớp huấn luyện, đào tạo về kiến thức pháp luật, cách dùng radio, ứng cứu, phản công, tự vệ... cho 200 nữ cảnh sát Anh. Nhiều học trò của Janet Rodgers sau này đều là những nữ cảnh sát trẻ năng động. Mới đây, với sự giúp đỡ của Sở cảnh sát London, Janet Rodgers đã thành lập một biệt đội "con mồi" mang tên SO10. Thành viên trong biệt đội SO10 đều là những cô gái trẻ, gan dạ, dũng cảm và sẵn sàng chấp nhận mọi hiểm nguy, đối đầu với những tên tội phạm khét tiếng nhất.

Nữ thám tử tài ba

Say nghề và chấp nhận mọi hiểm nguy - đó là những đức tính hàng đầu đối với một thám tử tư. Miriam Tomponzi cho rằng nếu một thám tử chùn bước trước khó khăn thì tốt nhất người đó nên chuyển sang một nghề khác. Người đàn bà 52 tuổi này từng nhiều lần bị bọn khủng bố lập kế hoạch ám sát, bị bọn buôn lậu bắt cóc, bị các tổ chức buôn ma tuý truy đuổi, bị băng nhóm tội phạm chặn đường đe doạ... Lần gần đây nhất là khi đi điều tra tại ở thành phố Marseille của Pháp, bà đã bị một kẻ lưu manh cứa dao vào cổ đến chảy máu nhưng may không hề hấn gì. Nỗ lực không ngừng, chịu khó học hỏi là những bí quyết giúp Miriam thành công. Nếu có dịp ghé thăm phòng làm việc của bà, chắc hẳn bạn sẽ ngạc nhiên bởi trên bàn là những chiếc kính lúp đủ kích cỡ, những loại máy ảnh với những ống kính các loại, một dãy điện thoại di động với những tính năng ưu việt, rồi đến máy bộ đàm... Tất cả những công nghệ tiên tiến này đều được Miriam nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và đưa vào sử dụng trong quá trình tác nghiệp.

"Những thiên thần của FBI"

Sở dĩ người ta gọi họ là "Những thiên thần của FBI" hay là "Những nàng Lolita của FBI" vì các cô bé này mới chỉ ở độ tuổi ô mai nhưng lại khá thành thục, lão luyện trong công tác phòng chống tội phạm. Hai năm qua, FBI đã đào tạo được 120 nữ nhân viên. Sức trẻ, lôi cuốn, lại có phong cách ăn chơi khá sành điệu... là một trong số những lợi thế cơ bản giúp họ chiêu dụ bọn tội phạm tình dục. Ngày ngày, họ phải lên mạng, tìm kiếm các trang web sex, thâm nhập vào những CLB của bọn tội phạm tình dục, khôn khéo để chúng cho gia nhập cùng nhóm và từ đó nắm lịch hoạt động rồi thông báo về trung tâm. Cho đến nay, phần lớn những chiến công triệt phá các đường dây tội phạm tình dục qua mạng internet của Mỹ đều thuộc về những nàng Lolita dễ thương này.--PageBreak--

Người đàn bà thép của cảnh sát Ấn Độ

Người ta đã dành biệt danh này để gọi bà Kiran Bedi, cựu Giám đốc Văn phòng phòng chống ma tuý của Ấn Độ, Tổng thanh tra các trại giam kiêm Giám đốc trại giam Tihar lớn nhất Châu Á với sức chứa lên đến 15.000 tù nhân bao gồm đủ loại tội phạm trong xã hội. Trở thành nữ cảnh sát đầu tiên của Ấn Độ năm 1972, dù ở bất kỳ một cương vị nào, Kiran Bedi đều là khắc tinh đối với bọn tội phạm và có công lớn trong việc giữ gìn an ninh, bảo đảm an toàn cho người dân đất Phật. Trong chặng đường sự nghiệp của mình, đã 2 lần bà đưa ra những sáng kiến làm thay đổi toàn bộ cục diện đấu tranh chống tội phạm. Đầu tiên là vào năm 1986, khi bà được điều động về nhận nhiệm vụ chỉ huy cảnh sát quận Naviyoti, phía Bắc thủ đô New Delhi - nơi đầy rẫy tội phạm, nhất là tội phạm buôn lậu ma tuý. Tiếp đó, năm 1993, trong vai trò Tổng thanh tra các trại giam kiêm Giám đốc trại giam Tihar, Kiran Bdei lại cho sàng lọc lực lượng quản giáo, giám thị trại giam bằng cách sa thải 50% quân số. Rồi bà cho xây dựng nhiều khu buồng giam mới để phân loại tù nhân phạm tội nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng mất vệ sinh, tệ nạn nghiện ma tuý, bè phái, đầu gấu hoạt động trong tù.

Hiện bà bà Kiran Bedi đang là cố vấn cảnh sát cho văn phòng lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ và đã được vinh dự nhận phần thưởng cao quý của tổ chức quyền lực nhất thế giới này cùng giải thưởng Ramon Magsaysay (năm 1997); giải thưởng quốc tế Joseph-Beuys (năm 2002) về sự đóng góp sáng tạo trong cải tạo quyền con người ở Ấn Độ.

Nữ cảnh sát ở các nước Hồi giáo

Khác với phương Tây, phụ nữ sinh sống ở các nước Hồi giáo đều phải chịu những quy định khắt khe và phần lớn là không được tham gia nhiều trong hoạt động chính trị và xã hội. Vì vậy, phụ nữ làm trong ngành cảnh sát ở những quốc gia này càng trở thành một hiện tượng hiếm thấy. Thế nhưng gần đây, trước tình trạng phụ nữ phạm trọng tội ngày càng gia tăng, nhiều chính phủ Hồi giáo đã quyết định phải thành lập đội nữ cảnh sát. Điển hình là hồi tháng 3 năm 2003, chính phủ Iran đã quyết định tuyển mộ thêm nhiều nữ cảnh sát. Sau 3 năm đào tạo, đến nay, Tehran đã có 2.000 nữ cảnh sát ở độ tuổi từ 17-23.

Mặc dù chỉ là đội quân tuyển thêm nhưng những nữ cảnh sát này vẫn phải chịu mọi bài kiểm tra giống như nam giới. Ngoài việc trải qua các kỳ thi toán, tiếng Anh, sức khoẻ, họ còn phải thi phỏng vấn, bắn súng, đặt mìn, tập võ... và yêu cầu chiều cao ít nhất 1,63m. Khi tốt nghiệp, được nhận vào làm việc, mức lương tối thiểu của các nữ cảnh sát này là 200 USD/tháng. Đồng phục của cảnh sát Iran là những bộ đồ truyền thống chador kín từ đầu đến chân nhưng được thiết kế rộng rãi hơn để dễ thực hiện nhiệm vụ.

Còn ở Afghanistan, những nữ cảnh sát luôn giấu một khẩu súng dưới lớp trang phục kín mít của mình. Trong số các quốc gia Hồi giáo thì có lẽ Pakistan là nơi thành lập đội nữ cảnh sát sớm nhất. Năm 1994, Thủ tướng Pakistan khi đó là Benazir Bhutto đã ký quyết định thành lập đội cảnh sát đầu tiên ở Islamabad với hy vọng qua đó dần dần nâng cao vai trò và uy tín của nữ giới trong xã hội. Nhưng vì mới là bước khởi đầu nên thành viên của đội nữ cảnh sát này chỉ được giao nhiệm vụ ghi chép thông tin, thu thập tài liệu mà chưa được trực tiếp tham gia điều tra các vụ án. Phải đến 2 hoặc 3 năm sau, người ta mới bắt đầu chú ý nhiều hơn tới đội nữ cảnh sát này và một số thành viên xuất sắc của đội đã được cất nhắc lên nhiều vị trí cao hơn trong ngành cảnh sát

Nhân Nguyên
.
.