Mã vạch tiêu chuẩn tròn 70 năm tuổi
- Vi phạm quy định về sử dụng mã số mã vạch có thể bị xử phạt đến 50 triệu đồng
- Áp dụng mã vạch trong giám sát hải quan
Cách đây đúng 7 thập niên, vào đầu tháng 2-1948 cặp sinh viên người Mỹ là Norman Joseph Woodland (1921-2012) và Bernald Silver (1924-1963) đang học tại Khoa Thông tin khoa học và Công nghệ (iSchool), thuộc Trường đại học Tổng hợp Drexel ở thành phố Philadelphia (tiểu bang Pennsylvania), đã phát minh ra ý tưởng thiết lập hệ thống mã vạch để xác định nguồn gốc và chất lượng chủng loại hàng hóa.
Đến ngày 7-10-1952 Cơ quan Quản lý sáng chế Hoa Kỳ, tiền thân của Cơ quan Thương hiệu và Bản quyền Sáng chế Hoa Kỳ (USPTO) hiện nay, đã cấp bằng phát minh mã vạch tiêu chuẩn mang số hiệu 2.612.994, có hiệu lực áp dụng trên toàn bộ lãnh thổ Mỹ. Theo đó mã vạch gồm một dãy chữ số gồm 12 số tự nhiên, với 3 số đầu là tên quốc gia xuất xứ, từ 4-5 số kế tiếp là tên công ty và thời hạn sản xuất, các chữ số còn lại mô tả hình thái chất lượng sản phẩm.
Tới năm 1974 song song với việc phát triển kỹ thuật laser, thiết bị đọc mã vạch bằng công nghệ laser (ảnh) được áp dụng trước tiên ở Mỹ, rồi lan ra các châu lục khác theo đà giao lưu thương mại đa phương. Được biết, trên thế giới hiện có hơn 6 tỉ mã vạch cá nhân đã được đăng ký; còn cơ quan quản lý mã vạch tại Âu lục là Hiệp hội Mã số châu Âu (GS1) được thành lập trong năm 1977.