Nghề người mẫu ở Mông Cổ

Thứ Năm, 03/02/2005, 07:14
Những cô người mẫu ở xứ thảo nguyên giá lạnh có đôi mắt nâu hạnh nhân, gò má nâu, mái tóc đen huyền, vóc dáng xinh xắn, gọn gàng. Cô nào cũng thích cưỡi ngựa, xem phim tình cảm, thích trở thành siêu mẫu, dù lương trung bình của một người mẫu khoảng 100 USD, tương đương với mức lương công nhân viên chức toàn quốc.

Thủ đô Oulan Bator của Mông Cổ hiện đang ngày càng được hiện đại hóa với những đại lộ rộng thênh thang, những quán cà phê Internet sang trọng và những chiếc xe hơi láng bóng. Dân cư thủ đô gồm 1 triệu người, chiếm 1/3 tổng dân số cả nước. Thanh niên dưới 35 tuổi chiếm 75%, và tất cả đều nhất trí với nhau rằng, bia Thành Cát Tư Hãn là một thương hiệu nổi tiếng. Bạn có thể thấy nhiều cô gái xinh đẹp ở mọi góc phố.

Narantuya là nữ giám đốc Hãng người mẫu thời trang Chance đầu tiên ở Mông Cổ, được khai trương vào năm 2001. Nơi đây tập trung những hậu duệ xứng đáng của Thành Cát Tư Hãn. Khác với người Trung Quốc, họ có đôi chân thẳng hơn và dài hơn, dù đã biết nhảy phóc lên mình ngựa từ năm 3 tuổi. Họ cũng có hàm răng bóng sáng hơn và làn da trắng mịn hơn, nhờ ngày nào cũng uống sữa ngựa lên men. Trong thế giới mơ mộng của tuổi 17, các cô xem nước Mỹ là nơi dễ kiếm việc làm và thủ đô Paris của nước Pháp là thành phố sành điệu nhất thế giới.

Mẫu hình lý tưởng để họ vươn tới là siêu mẫu Bolorma – nổi tiếng trên toàn thế giới. Bolorma trở thành người mẫu từ năm 17 tuổi, sau khi mẹ cô đọc được một thông báo tuyển người. Lần đầu tiên đến Singapore để chụp một loạt ảnh quốc tế đầu tiên, các đồng nghiệp của Bolorma đã sững sờ khi biết cô chẳng có lấy một bộ đồ trang điểm nào, và cô vẫn để hàng ria mép đen đậm, như thói quen của các cô gái Mông Cổ. Thế nhưng, sau hàng loạt ảnh chụp cho nhiều tạp chí, cộng với những hợp đồng trình diễn thời trang cho các Hãng Armani, Dior, Kenzo, năm 1997, Bolorma đã nhận được giải thưởng Gương mặt châu Á, và nổi tiếng khắp lục địa. Đó là sự vươn lên đỉnh cao đáng mơ ước của một cô gái sống trên thảo nguyên, trong túp lều đơn sơ, giữa bầy gia súc.

Tuy nhiên, bà Narantuya không phải lúc nào cũng thành công trong việc thuyết phục một cô gái thảo nguyên đi làm người mẫu. Theo truyền thống, phụ nữ Mông Cổ được xem là đẹp nếu họ có hàng ria mép và thân hình béo tốt, đẫy đà. Cuộc sống ở thảo nguyên quá hoang sơ, nên các cô chưa biết đến tivi, tạp chí, điện. Nước quá quý giá, nên các cô đâm “lười” tắm và chẳng biết dầu gội đầu là gì, nói chi là ăn kiêng, tập thể dục, trang điểm... Nhìn chung, các cô gái thảo nguyên có nét đẹp hoang dã, làn da và bàn tay của họ thường thô ráp, chưa bao giờ được chăm sóc tốt  khi mùa đông khắc nghiệt kéo đến, có khi lạnh tới -45 độC!

Ước vọng của bà Narantuya là tạo điều kiện để thế giới khám phá "khuôn mặt của Mông Cổ". Họ có một tiềm lực mạnh mẽ, đủ sức sánh vai với các người mẫu của Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore

H.T (Theo Marie Claire)
.
.