Ngôi làng người lùn độc đáo ở Iran

Thứ Ba, 17/04/2018, 13:09
Trong khi người Lilliput chỉ là sự tưởng tượng, một ngôi làng có cư dân lùn thực sự tồn tại ở vùng cực đông Iran. 

Trong phần đầu tác phẩm "Những Cuộc Phiêu Lưu của Jonathan Swift", nhân vật Lemuel Gulliver trôi dạt vào bờ biển đảo Lilliput, và bắt gặp những người Lilliput có chiều cao chỉ hơn 15 cm một chút.

Trong khi người Lilliput chỉ là sự tưởng tượng, một ngôi làng có cư dân lùn tương tự thực sự tồn tại ở vùng cực đông Iran. Cho đến khoảng một thế kỷ trước, một số cư dân của Makhunik -  ngôi làng 1.500 năm tuổi nằm cách biên giới Afghanistan khoảng 75 km - chỉ cao 1 mét, tức thấp hơn chiều cao trung bình người thời đó khoảng 50 cm.

Trong số khoảng 200 ngôi nhà ở Makhunik thì 70 hoặc 80 ngôi chỉ cao 1,5m đến 2m.

Năm 2005, một xác ướp có chiều dài 25cm được tìm thấy trong khu vực này. Phát hiện lập tức củng cố cho niềm tin rằng ở một góc xa xôi nào đó của Iran - nơi bao gồm 13 ngôi làng, kể cả làng Makhunik - từng là vùng đất sinh sống của một "thành phố người lùn" cổ xưa. Mặc dù các chuyên gia xác định xác ướp thực sự là một đứa trẻ sơ sinh đã chết cách đây 400 năm, nhưng người ta vẫn cứ tin rằng các thế hệ trước đây của cư dân làng Makhunik thực sự lùn hơn bình thường.

Có lẽ, suy dinh dưỡng chính là nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu hụt chiều cao của người dân Makhunik. Trong vùng đất khô cằn và hoang vắng này, chăn nuôi động vật rất khó khăn đồng thời những thứ có thể trồng được chỉ gồm: củ cải, ngũ cốc, lúa mạch và jujube (loại trái cây giống trái chà là).

 Người dân Makhunik sống chủ yếu với các món ăn chay đơn giản như kashk-beneh (làm từ sữa và một loại hạt dẻ cười vùng núi) và pokhteek (món hỗn hợp sữa và củ cải khô). Có thể nói điểm đặc biệt khác thường và đáng ngạc nhiên nhất trong chế độ ăn uống là sự coi khinh trà - trong khi trà là một trong những điểm đặc trưng của ẩm thực và sự hiếu khách của Iran.

Ông cụ Ahmad Rahnama, 61 tuổi, cho biết có lẽ lý do là người nghiện thuốc phiện thường uống rất nhiều trà: "Khi còn là một đứa trẻ, không một ai uống trà. Nếu ai đó uống trà thì người ta bảo đó là người nghiện". Ông cụ hiện là người điều hành một viện bảo tàng về kiến trúc lịch sử và lối sống truyền thống của làng Makhunik. Vào giữa thế kỷ 20, việc xây dựng đường sá và sự phổ biến của xe cộ đã cho phép cư dân Makhunik tiếp cận với đủ loại thực phẩm ở các vùng khác nhau của Iran như là gạo và gia cầm.

Rahnama giải thích: "Khi có xe cộ, người dân có thể mang về thức ăn từ các thị trấn gần đó, do vậy có nhiều thức ăn hơn là chỉ có kashk-beneh và bánh mì". Mặc dù hầu hết 700 cư dân ở Makhunik hiện nay đều có chiều cao trung bình, nhưng ký ức về chiều cao "khiêm tốn" của tổ tiên họ vẫn lưu truyền.

Rahnama hy vọng kiến trúc độc đáo của ngôi làng sẽ thu hút du lịch cũng như sẽ tạo ra nhiều việc làm và cơ hội kinh doanh.

Trong số khoảng 200 ngôi nhà bằng đá và đất sét tạo nên ngôi làng cổ xưa, 70 hoặc 80 ngôi nhà là đặc biệt thấp - chỉ từ 1,5 đến 2 mét và phần trần của một số nhà chỉ cao 1,4m. Chúng ta hãy đi theo Rahnama vào một trong những ngôi nhà của người "Lilliput" ở Makhunik, cúi người lom khom qua ô cửa gỗ ngôi nhà được bố trí về hướng nam để hứng được nhiều ánh sáng hơn cũng như bảo vệ căn phòng duy nhất trong nhà khỏi những cơn gió mạnh từ phía bắc.

Trong nhà, nơi sinh hoạt chung chiếm diện tích khá nhỏ được gọi là "phòng ngồi" - gọi như thế bởi vì mọi người phải ngồi do trần nhà quá thấp. Diện tích rộng chừng 10 đến 14 mét vuông này gồm có kandik (nơi cất giữ các loại hạt và lúa mì), karshak (lò đất sét để nấu nướng) và một nơi để ngủ.

Tuy nhiên, việc xây dựng những ngôi nhà nhỏ bé như thế không hề dễ dàng và tầm vóc thấp lùn của cư dân không là lý do duy nhất buộc phải xây nhà nhỏ. Những động vật nuôi đủ lớn để có đủ sức kéo xe là khan hiếm, nghĩa là người dân địa phương phải vận chuyển vật tư xây dựng bằng tay mỗi lần hàng km. Những ngôi nhà nhỏ cần ít vật liệu hơn, và do đó ít công sức hơn.

 Ngoài ra, mặc dù nằm san sát với nhau, những ngôi nhà nhỏ như thế dễ dàng giữ ấm và mát dịu hơn các nhà lớn đồng thời chúng dễ hòa lẫn hơn vào cảnh quan xung quanh khiến cho kẻ xâm lược (nếu có) sẽ khó phát hiện hơn.

Ngày nay, cuộc sống trong làng vẫn không dễ dàng bởi vì hoạt động nông nghiệp sút giảm mạnh trong những năm gần đây do hạn hán, buộc các cư dân trẻ phải đi tìm việc nơi khác.

Rahnama giải thích: "Ngày nay, những người trẻ tuổi đi đến các thành phố lân cận làm việc, mang về tiền bạc và thực phẩm. Còn phụ nữ sản xuất một số mặt hàng dệt và ngoài việc đó ra thì chẳng có công việc gì để làm". Trong khi đó, người cao tuổi sống chủ yếu vào nguồn trợ cấp của chính phủ.

Mặc dù khó khăn, Rahnama vẫn hy vọng kiến trúc độc đáo của ngôi làng sẽ thu hút du khách và du lịch sẽ tạo ra nhiều việc làm và cơ hội kinh doanh. Tuy nhiên, Rahnama nhận định: "Lúc này thì chỉ có thế thôi. Nhưng, bây giờ mọi việc tốt hơn trước đây khi mà người dân còn thấp lùn và chắc nịch còn bây giờ họ trở nên cao hơn và cơ thể mảnh dẻ".

Di An (tổng hợp)
.
.