Người có biệt tài bắt chước tiếng loài vật

Thứ Tư, 22/03/2006, 07:17
Vừa “meo” mấy tiếng, hàng xóm đã rậm rịch bảo nhau: “Có nồi cá kho, cẩn thận không mèo ăn vụng”. Hôm nào “ngứa nghề” buổi đêm ông còn giả tiếng mèo đực khiến mèo cái không hiểu ở đâu kéo đến cả bầy và lao nhao đáp lại tiếng gọi của “tình yêu”.

Ông Trần Anh Tuấn, 49 tuổi, ở số nhà 22 ngõ 162/29 đường Lê Trọng Tấn, TP Hà Nội.có khả năng bắt chước bất kể âm thanh nào trong cuộc sống. Khi ông vừa cất tiếng "meo meo" không hiểu một bầy mèo ở đâu chạy đến, cất tiếng hót của họa mi, đồng loại muốn sổ tung lồng để bay theo tiếng gọi của bầy. "Gâu gâu" theo tiếng chó sủa, hàng loạt tiếng đáp lại như đồng thanh từ những chú cẩu ở quanh xóm...

Cái khả năng kỳ lạ ấy theo ông Tuấn kể lại dường như sẵn có trong người ông như một tố chất bẩm sinh. Từ bé người ta đã đặt cho ông biệt hiệu Tuấn “mèo” vì ông bắt chước giống tiếng mèo quá. Vừa “meo” mấy tiếng, hàng xóm đã rậm rịch bảo nhau: “Có nồi cá kho, cẩn thận không mèo ăn vụng”. Hôm nào “ngứa nghề” buổi đêm ông còn giả tiếng mèo đực khiến mèo cái không hiểu ở đâu kéo đến cả bầy và lao nhao đáp lại tiếng gọi của “tình yêu”. Và có lần ông đã bị đánh đòn vì cả nhà không ai ngủ được do chuyện này.

Ở vùng quê Bắc Giang nhà ông, ấn tượng cho đến bây giờ trong tâm khảm ông là một ông già mù có khả năng độc diễn tuồng hàng giờ đồng hồ với nhiều nhân vật nam, nữ... khác nhau. Nếu không xem ông già diễn trên sân khấu, khán giả không ai nhận ra rằng tất cả các nhân vật chỉ do một người diễn. Năng khiếu cộng với ấn tượng từ tuổi thơ về ông già mù ấy, khả năng bắt chước mọi âm thanh trong cuộc sống của ông Tuấn ngày càng lớn lên, đặc biệt là trong thời gian là lính rađa, đóng quân ở Hát Lót, Lai Châu, nơi rừng xanh núi đỏ chỉ có “vượn hót chim kêu” là âm thanh chính.

Do đặc thù của nghề nghiệp, đơn vị ông chỉ có nam mà không có nữ. Những ngày buồn, ngồi nhớ nhà, anh em trong đơn vị lấy đàn ra hát hoặc đơn vị tổ chức một chương trình văn nghệ nào đó, có bài hát cần cả giọng nam - nữ nhưng do không có nữ nên anh em trong đơn vị thường chỉ định ông Tuấn luyện giọng để ca giọng nữ. Vì ai cũng biết ông có khả năng bắt chước giỏi nhất trong số anh em. Mà nghe ông Tuấn hát giọng nữ, nhiều người phải tấm tắc: “Đúng là ông này sinh ra vừa để làm cả nam lẫn nữ ca sĩ”. Nhất là trong câu hát “chân em chọn lối này...”, ông luyến, láy trong trẻo lại hay nữa như 100% nữ ca sĩ đang hát chứ không phải ông.

Nhưng để được như vậy, ông Tuấn khẳng định cần phải có sự luyện tập, thậm chí hăng say như nhiều môn nghệ thuật khác nữa mới thành công. Như tiếng động vật, dù có năng khiếu nhưng không phải tự nhiên ông Tuấn có thể kêu hệt chúng mà phải mất thời gian tập luyện. Chính thời gian trong quân ngũ, ngoài lúc biểu diễn văn nghệ, tìm cách mua vui để quên đi nỗi nhớ nhà và cảnh sống thiếu thốn về vật chất nghe âm thanh phát ra từ bất kể đâu, ông cố bắt chước thật giống để đến mức người nghe không còn nhận ra ranh giới mới thôi.

Do cố gắng luyện tập như vậy, nhiều lần họng của ông do ép nhiều quá chỉ thiếu nước... toác ra. Đau rát, chảy máu họng đối với ông là chuyện bình thường. Ông kể: “Trong số những âm thanh để bắt chước như thật, khó nhất là tiếng kêu của con bìm bịp, con chim có tiếng kêu “bắt cô trói cột”... Đến nay, sau mấy chục năm tập luyện vẫn chưa thực hiện được. Có khi phải dùng đến thiết bị kỹ thuật hỗ trợ mới được”.

Sau khi rời khỏi binh chủng rađa, nhờ giọng hát “thiên” phú, ông Tuấn được mời về làm ca sĩ ở Đoàn Nghệ thuật Phòng không - Không quân. Được một thời gian, do đoàn hoạt động kém hiệu quả, ông Tuấn xin nghỉ và tìm cách mưu sinh bằng chính khả năng bắt chước mọi âm thanh của mình. Hiện nay, để giúp học sinh thành phố hiểu hơn về nơi hoang dã động vật, ông Tuấn đang cộng tác với nhiều trường mẫu giáo, trường tiểu học, THCS bằng cách tham gia sinh hoạt ngoại khóa giới thiệu cho các em biết tiếng kêu của các loài loài vật

PV
.
.