Nhà bảo tàng kỳ lạ giữa London

Thứ Hai, 04/11/2013, 07:30

Một trong những công việc được coi là kỳ lạ nhất ở thành phố London: hàng ngày chăm sóc cho 5.000 cơ quan và mô người chứa đựng trong những cái lọ thủy tinh và hộp acrylic ở Bệnh viện St. Bartholomew, hay gọi tắt là Barts, ở Smithfield, trung tâm thành phố.

Xác chết cũng có thể kể câu chuyện về cuộc đời của mình. Những ngón tay ngả sang màu vàng tiết lộ thói quen hút thuốc của người đã khuất. Những vết thâm nơi cẳng chân là dấu hiệu của kẻ nghiện rượu bị vấp té. Những hình xăm và bộ răng có thể chứng minh về tài sản, sự mất mát và tình yêu.

Công việc đầy đam mê của Carla Valentine – nữ kỹ thuật viên bệnh học và cựu nhân viên dịch vụ lễ tang, 32 tuổi – là tái dựng cuộc sống của những xác chết dựa theo bằng chứng để lại trên hài cốt. Vai trò hiện nay của Carla Valentine, là Phó Quản lý kỹ thuật Nhà Bảo tàng Bệnh học Barts ở West Smithfirld, thành phố London nước Anh.

Một trong những công việc được coi là kỳ lạ nhất ở thành phố London: hàng ngày chăm sóc cho 5.000 cơ quan và mô người chứa đựng trong những cái lọ thủy tinh và hộp acrylic ở Bệnh viện St. Bartholomew, hay gọi tắt là Barts, ở Smithfield, trung tâm thành phố.

Bệnh viện Barts được thành lập năm 1123 và được coi là cổ nhất ở London cũng như của nước Anh. Các mẫu vật được gìn giữ lâu đời nhất được thu thập từ những năm 1750 và mới nhất vào những năm 70 thế kỷ XX. Đó là những ngón chân bị bệnh gout hành hạ, những lớp da đầu bị đâm thủng.

Carla Valentine là người có trách nhiệm bảo quản bộ sưu tập khổng lồ những bộ phận của thân thể người và thay thế một số lọ thủy tinh hay hộp acrylic đã quá cũ. Valentine cũng có nhiệm vụ tái dựng những câu chuyện về con người từ các bộ phận cơ thể được lưu giữ trong Nhà Bảo tàng Bệnh học Barts. Valentine giải thích: “Công việc không chỉ đơn thuần vì khoa học hay sự nhân đạo, mà còn về số phận con người đằng sau những lọ thủy tinh”. Một số mẫu vật tiết lộ nhiều chi tiết về xã hội cũng như bệnh lý.

Phó Quản lý Nhà Bảo tàng St. Barts Carla Valentine; và khu bảo quản các mẫu vật cơ quan người chết được Vua Edward VII cho phép mở cửa vào năm 1879.

Nhà Bảo tàng còn lưu giữ một số lượng lớn các bìu dái của những người sống từ thế kỷ XVIII mắc loại bệnh ung thư gọi là squamous cell carcinoma (xuất hiện ở biểu mô của da hay đôi khi ở màng nhầy cơ thể), còn được gọi là “bệnh ung thư của người thợ cạo ống khói”. Bệnh ung thư này xuất phát từ bìu dái, nơi bồ hóng bám vào các nếp gấp của da trước khi phát triển đến vùng háng và bụng dẫn đến cái chết trong đau đớn.

Trong Nhà Bảo tàng Barts còn có chiếc hộp đựng phần sọ của John Bellingham – hung thủ ám sát Thủ tướng Spencer Perceval năm 1812, sau đó bị treo cổ và thi thể được mổ xẻ để phục vụ nghiên cứu y khoa. Trên một chiếc kệ là xương hàm của cậu bé 14 tuổi bị mắc kẹt trong máy in năm 1886. Một số mẫu vật cung cấp dấu tích của sự can thiệp y khoa thời Victoria.

Thời trang hay tập tục cũng để lại các dấu vết trong nhà bảo tàng. Ví dụ, một bàn chân nhỏ bé của một phụ nữ bị biến dạng ghê gớm do tập tục bó chân của người Trung Hoa xưa. Hay lá gan của một phụ nữ 52 tuổi còn hằn rõ vết lõm do cả đời mặc những chiếc áo nịt ngực quá chật. Những mẫu vật khác tiết lộ thân phận chua xót của con người. Như là hai bàn tay của một thợ máy 59 tuổi tự sát trong bồn tắm.

Valentine suốt ngày quanh quẩn với những mẫu vật như thế cho nên chúng trở nên hết sức thân thiết với chị. Đôi khi cũng có một số người tìm gặp Valentine để biết chắc rằng một số mẫu vật nào đó trong nhà bảo tàng là bộ phận của thành viên gia đình họ. Một số người yêu cầu được phép xem qua các mẫu vật: một chân bị cắt cụt, bàn tay, vài phôi thai khác nhau. Dù hết sức cố gắng, song Velentine vẫn không thể xác định hết nguồn gốc của các mẫu vật ở Barts.

Catalogue duy nhất của nhà bảo tàng cũng chứa rất ít thông tin về các mẫu vật. Các nhà bảo tàng bệnh học tương tự như ở St. Barts thường tồn tại trong các trường y khoa để phục vụ công tác đào tạo sinh viên về bệnh học cũng như những sai lầm trong ngành y. Tuy nhiên, các nhà bảo tàng như thế này cũng vấp phải sự chống đối quyết liệt của xã hội.

Bộ xương của hai người sinh đôi nằm trong số 5.000 mẫu vật ở St. Barts.

Ví dụ, vào những năm 90 thế kỷ trước, một vụ bê bối nổ ra liên quan đến một bệnh viện lưu giữ hàng trăm cơ quan thu thập từ thi thể trẻ em mà không có sự đồng ý từ phía cha mẹ và câu chuyện dẫn đến sự phản đối sử dụng các mẫu vật người để giảng dạy cho sinh viên ngành y. Sau đó, nhiều bộ sưu tập bệnh học ở Anh đã bị tiêu hủy. Từ năm 2000, khu lưu trữ mẫu vật cao 3 tầng ở St. Barts – được khánh thành bởi Vua Edward VII năm 1879 - luôn bị khóa kín, theo quản lý Nhà Bảo tàng Paola Domizio.

Cách đây 2 năm, Carla Valentine được thuê để phục hồi bộ sưu tập và cuối cùng nhà bảo tàng được mở cửa để đón tiếp công chúng. Hiện nay, Nhà Bảo tàng St. Barts chỉ mở cửa đón khách vào những dịp đặc biệt và một nỗ lực gây quỹ đang được tiến hành để giúp duy trì khu bảo quản mẫu vật. Các mẫu vật dưới 100 tuổi được cất giữ cẩn thận ở các tầng trên cao và khách tham quan không được phép vào

Duy Ân (tổng hợp)
.
.