Nhà bảo tàng nghệ thuật Hồi giáo trên sa mạc

Thứ Sáu, 02/01/2009, 14:30
Một trong những nhà bảo tàng nghệ thuật Hồi giáo lớn nhất thế giới – MIA – đã mở cửa vào cuối tháng 11/2008 ở Doha - Qatar. Cơ ngơi mới này bảo tồn bộ sưu tập nghệ thuật bao gồm những tác phẩm từ khắp nơi trong thế giới Hồi giáo.

MIA chiếm diện tích 35.000m2, trải ra với 5 hạng mục. Nó bao gồm 5.000m2 dành cho trưng bày, những phòng lớn để tổ chức giáo dục và bảo quản, một nhà hàng và một cửa hàng. Nhìn từ bên ngoài, MIA trông giống như một pháo đài. Kiến trúc sư người Mỹ gốc Hoa  Ming Pei – người tham gia êkíp xây dựng kim tự tháp Louvre ở Pháp – cho biết ông đã lấy cảm hứng từ Đại giáo đường Hồi giáo Ahmad Ibn Tulun xây dựng vào thế kỷ IX ở Cairo.

Vừa khi bước vào nhà bảo tàng, du khách sẽ bỡ ngỡ thấy mình trở nên quá nhỏ bé. Một sảnh khổng lồ có chiều cao cao vượt cả đỉnh vòm tựa trên những tay đỡ hình tam giác bất đối xứng. Nhà bảo tàng được xây trên đảo nhân tạo cách con đường đắp dọc bờ biển của Doha 60m. Đỉnh vòm là cấu trúc duy nhất của MIA có lỗ cửa, trong khi những phòng khác được xây kín mít. Lên tầng thứ 2 và thứ 3 du khách sẽ bước vào dãy galery hình chữ U được thiết kế bởi kiến trúc sư người Pháp Jean-Michel Wilmotte. Chúng được tạo không gian mờ tối để tôn cao giá trị (và cũng để bảo quản) những món đồ trang sức quý báu trưng bày trong những tủ kính tao nhã và giản dị.

Không dưới 13 thế kỷ nghệ thuật Hồi giáo được giới thiệu ở MIA. Hồi giáo đã chứng tỏ một khả năng sáp nhập và cải tân những truyền thống và văn hóa của các quốc gia khác có lòng tin vào kinh Coran: các nền văn minh Arập, Bắc Phi, Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ cho đến vùng Trung Á, Ấn Độ và Đông Nam Á, kể cả bán đảo Ibérique. Các tác phẩm được trưng bày trong MIA minh họa sức tưởng tượng phong phú đặc biệt của những nghệ sĩ  của thế giới Hồi giáo, với những sáng tạo đa chất liệu: đồ gốm, kim loại, thủy tinh, ngà voi, vải, đá quý. Chúng ta có thể thấy một con ngựa bằng đồng oai vệ của Tây Ban Nha thế kỷ X, những tấm thảm cực hiếm của Iran và rất nhiều những món đồ trang sức lộng lẫy của người  Ấn Độ. Về phần nghệ thuật sách Arập, du khách sẽ được tận mắt nhìn ngắm sắc lệnh của hoàng đế Ottoman thế kỷ XVI mang biểu hiện của Sultan Soliman và vài bản thảo.

MIA cũng cho thấy tầm quan trọng của chất liệu kim loại trong nghệ thuật Hồi giáo, với một trong những dụng cụ đo độ cao thiên thể cổ đáng kinh ngạc của thế giới Hồi giáo (có từ thế kỷ X), một cái tráp khảm, hay kashku – bát gỗ của thầy tu Hồi giáo – của Iran có niên đại khoảng năm 1550. Những tác phẩm gốm, như chiếc đĩa Iznik của những năm 1600 - 1610, và những món đồ thủy tinh như ngọn đèn của đền thờ Hồi giáo cũng sẽ thu hút sự chú ý của khách tham quan. MIA quy tụ khoảng 800 vật phẩm nghệ thuật và văn hóa Hồi giáo từ thế kỷ VII đến XIX. Khi cho xây dựng nhà bảo tàng này, Qatar mong muốn tôn vinh những giá trị của nền văn minh người Hồi giáo và vai trò của nó trong sự giao lưu giữa các nền văn hóa và các giá trị của nhân loại.

Chỉ trong vòng vài năm, Doha đã xây dựng đến 17 nhà bảo tàng mới và trở thành một trung tâm văn hóa và nghệ thuật trong khu vực. Điểm độc đáo khác của MIA là nước: nước bên trong và nước bao quanh nhà bảo tàng

Di An (theo Courrier)
.
.