Khi chính khách nghỉ... hộ sản

Thứ Ba, 04/02/2020, 21:42
Shinjiro Koizumi, con trai cựu Thủ tướng Nhật Bản Junijiro Koizumi, vừa bắt đầu kỳ nghỉ hộ sản ngắn ngày vào hạ tuần tháng 1/2020, đã tạo nên cơn sốt trong giới truyền thông cũng như chính trường nước này. Bởi việc nghỉ hộ sản không đơn thuần là một kỳ nghỉ phép, mà còn là vấn đề chính trị, văn hóa trong xã hội làm việc công nghiệp của Nhật Bản.

Thời gian nghỉ hộ sản được ông Shinjiro Koizumi thông báo là 2 tuần, và sẽ nghỉ trải đều trong 3 tháng. Koizumi cho biết, ông đã suy nghĩ rất nhiều để tìm cách nghỉ sao cho hợp lý với khoảng thời gian ít ỏi này.

Koizumi hiện là Bộ trưởng Bộ Môi trường trong nội các của Thủ tướng Shinzo Abe. Việc nghỉ hộ sản của ông đang tạo ra hai luồng phản ứng trái ngược nhau, một bên chống đối và một bên ủng hộ. Những người bảo thủ đã chỉ trích quyết định nghỉ hộ sản của ông Shiniro Koizumi, đặt vấn đề "Liệu ông ấy có yêu công việc của mình không?". 

Bộ trưởng Shinjiro Koizumi và người bạn đời, bà Christel Takigawa.

Trong xã hội Nhật Bản, nhiều người vẫn không thể chấp nhận việc nam giới, dù là chính khách cấp cao, nghỉ hộ sản để chăm con nhỏ. 

Quan điểm bảo thủ trong xã hội Nhật Bản đòi hỏi người đàn ông phải thể hiện sự trung thành tuyệt đối với ông chủ của mình, cho dù phải hy sinh cuộc sống gia đình. 

Thời ông Junijiro Koizumi làm Thủ tướng, đàn ông gặp rất nhiều khó khăn khi xin nghỉ hộ sản. Ngay bản thân ông Thủ tướng cũng phải đấu tranh vất vả với vấn đề này, và ông chưa bao giờ xin nghỉ hộ sản khi vợ ông sinh con. Cho đến nay, xã hội Nhật Bản vẫn theo xu hướng bảo thủ nhiều hơn, chưa có sự thay đổi đáng kể nào.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc nam công nhân, công chức hay chính khách nghỉ hộ sản cũng chỉ mới được áp dụng trong vài năm gần đây, và thời gian nghỉ cũng không nhiều, khoảng 2 tuần hoặc 1 tháng, tùy quốc gia. Nhật Bản có chính sách rộng rãi hơn. Phụ nữ có thể xin nghỉ hộ sản đến một năm, nam giới cũng có thể xin nghỉ với thời gian tương tự. 

Nhưng trên thực tế không nhiều người vận dụng chính sách này bởi còn những ràng buộc về thái độ trung thành với công việc như đã nêu trên. Theo thống kê năm 2018, chỉ có 6% nam giới và 82% phụ nữ trong khối tư nhân nghỉ hộ sản. Trong khối nhà nước, tỉ lệ này có cao hơn, nhưng cũng chỉ ở mức 21% nam giới (phụ nữ là 100%). 

Giới nghiên cứu xã hội Nhật Bản cho rằng chính vì tinh thần quá "mê" công việc hay quá trung thành với ông chủ đã làm cho nam giới Nhật Bản bỏ bê trách nhiệm chăm sóc gia đình, chăm sóc con cái. Hầu như toàn bộ gánh nặng chăm sóc con nhỏ đều đổ hết lên vai người phụ nữ. Và đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho phụ nữ Nhật Bản ngán ngại việc sinh con từ đó dẫn đến dân số giảm, già hóa.

Chính vì vậy, việc ông Koizumi nghỉ hộ sản đang mở ra một hy vọng mới cho vấn đề sinh con và trách nhiệm chăm sóc con nhỏ ở Nhật Bản. Koichi Nakano, một chuyên gia về chính trị tại Đại học Sophia ở Tokyo cho rằng việc Bộ trưởng Koizumi nghỉ hộ sản mở ra hy vọng làm thay đổi tác phong trung thành với công việc, giúp đàn ông Nhật Bản quan tâm đến việc chăm sóc gia đình và con cái nhiều hơn.

Yumiko Murakami, người đứng đầu Trung tâm OECD tại Tokyo cho rằng nếu có nhiều ông bố noi gương ông Koizumi xin nghỉ hộ sản, các bà mẹ có thể được giải tỏa bớt gánh nặng nuôi con và từ đó họ có thể sẽ chịu sinh nhiều con hơn.

Yuko Kawanishi, một nhà xã hội học tại Đại học JF Oberlin ở Tokyo cho rằng thời gian nghỉ 2 tuần là quá ít, nhưng việc một vị chính khách nổi tiếng như ông Koizumi xin nghỉ đã là một động thái có tính biểu trưng cao, có thể tạo ra tác động đáng kể đến một lề thói, thậm chí là quan điểm trong đời sống chính trị và xã hội Nhật Bản. Bà Kawanishi cho rằng, tác động quan trọng nhất là ở khối tư nhân. 

Xã hội Nhật Bản cũng đang có xu hướng chuyển dịch thế hệ, khi những người lớn tuổi bảo thủ đang dần được thay thế bằng những con người mới, trẻ hơn, năng động hơn, và chính họ sẽ tạo ra những thay đổi linh hoạt hơn trong tác phong làm việc, từ đó cải thiện thái độ làm việc trong các công ty, tổ chức.

Tuy nhiên, việc thay đổi một lề thói xã hội không dễ như điều người ta mong ước, vì xã hội Nhật Bản hiện cũng còn khá bảo thủ trong vấn đề này. 

Đã có nhiều câu chuyện về xung đột xã hội liên quan vấn đề nghỉ hộ sản. Năm 2018, Glen Wood, một nhân viên người Mỹ đã kiện chủ công ty cũ của mình là Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities vì đã trừng phạt ông cho việc ông xin nghỉ hộ sản khi vợ ông sinh con. Megumi Kaneko, nữ nghị sĩ Hạ viện, sinh con vào năm 2016 và xin nghỉ hộ sản một thời gian ngắn. 

Khi trở lại làm việc, bà đã gặp phải nhiều sự phản ứng tiêu cực từ các nam đồng nghiệp, cũng như một số dư luận phê phán việc bà sử dụng xe công vụ để đưa đón con. Chồng bà đã phải xin nghỉ làm việc do dư luận lùm xùm. Và khi nữ nghị sĩ Takako Suzuki thông báo việc bà mang thai và sẽ nghỉ hộ sản vào năm 2017, bà đã bị chỉ trích là "không hành động có trách nhiệm".

Không riêng gì Nhật Bản, mà tại một số quốc gia trên thế giới, kể cả châu Âu, việc các nữ chính khách sinh con, chăm sóc con nhỏ cũng gặp không ít khó khăn do thái độ kỳ thị. Năm 2017, Thượng nghị sĩ Larissa Waters trở thành nữ nghị sĩ đầu tiên của Australia cho con bú ngay tại nghị trường, nhưng việc này lại mang đến cho bà nhiều phiền toái hơn là sự cảm thông. 

Trước đó, các nữ nghị sĩ tại một số quốc gia như Tây Ban Nha, Pháp,… cũng gặp những vấn đề tương tự khi chăm con nhỏ trong lúc phải làm nhiệm vụ của một nghị sĩ. Khi nữ Thủ tướng trẻ tuổi của New Zealand Jacinda Adern sinh con vào năm 2018, truyền thông thế giới xem đó là "sự kiện nổi bật" trong chính trị toàn cầu.

An Châu (tổng hợp)
.
.