Những bức tranh giả gây chấn động giới nghệ thuật

Thứ Tư, 23/02/2011, 08:40
Paul Rubens
Bức tranh "Chân dung sĩ quan chỉ huy mặc chiến bào" được vẽ vào thế kỷ XVII của danh họa Hà Lan Peter Paul Rubens có giá trên 13 triệu USD được gia đình của Công nương Diana nước Anh bán tại nhà đấu giá Christie's vào cuối tháng 7 tới.

Tuy nhiên, các nhà sử học và phê bình nghệ thuật bắt đầu công khai đặt vấn đề về nguồn gốc thực của bức tranh. Brian Sewell, nhà sử học nghệ thuật và phê bình nghệ thuật ở London Evening Standard nói, bức tranh này không chắc là của Rubens.

Trong khi đó, người phát ngôn của Christie's tuyên bố tác phẩm là "thật", bởi vì nhà đấu giá đã cho tiến hành một cuộc điều tra nghiêm ngặt và một nhóm học giả đã xác minh tác phẩm. Mặc dù vậy, nguồn gốc của bức tranh vẫn trong vòng tranh cãi. Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, bức tranh được coi là tác phẩm của Pourbus, người cùng thời với Rubens; nhưng sau đó nó được cho là của Rubens.

Các chuyên gia tin rằng phải mất nhiều năm nữa mới có thể có được kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, người mua giấu tên cho rằng, chẳng qua chỉ là một sự mặc cả. Sewell nói: "Tôi nghĩ bất cứ thứ gì của Rubens có giá dưới 20 triệu USD đều là rẻ".

Vermeer và Van Meegeren

Họa sĩ người Hà Lan khéo léo nhưng sống chật vật Han van Meegeren (ảnh bên phải) bắt đầu vẽ tranh giả như là một cách để chứng tỏ bản thân với thế giới nghệ thuật. Ông thử nghiệm với tác phẩm của vài bậc thầy và một số phong cách, trước khi tạo ra sản phẩm được coi là tuyệt nhất trong số những bản mô phỏng của ông - đó là bức "Chúa Jesus và các môn đồ  ở Emmaus".

Điều mong muốn của Han van Meegeren đã thành hiện thực: bức tranh đẹp đến mức mọi người tưởng đó là tác phẩm thật của danh họa Vermeer! Khi bức tranh này được bán với giá tương đương vài triệu USD ngày nay, Meegeren quyết định giấu kín bí mật của mình.

Năm 1942 một bức tranh giả Vemeer khác (ảnh bên trái) của Meegeren được bán với giá cao ngất ngưởng thời đó - 1,6 triệu guider tiền Hà Lan và cuối cùng bức tranh giả rơi vào tay của trùm Đức Quốc xã Hermann Goering - một sự kiện khiến người Hà Lan coi Meegeren là tội phạm chiến tranh.

Để chứng minh mình không phải là kẻ phản bội đất nước, Meegeren đành thú nhận ông đã làm giả bức tranh và đánh lừa Goering. Cuối cùng Meegeren bị buộc tội làm giả tranh.

Những kẻ lừa đảo ở Brooklyn

Nhà bảo tàng Brooklyn nổi tiếng với bộ sưu tập nghệ thuật Ai Cập, trong đó một số sở hữu được trong hai thập niên 60-70 của thế kỷ trước. Mặc dù giới phê bình nghệ thuật, trong suốt nhiều năm, nghi ngờ nhiều tác phẩm là giả, nhưng chỉ đến năm 2008 nhà bảo tàng mới công khai thừa nhận lầm lỗi của họ.

Khi sự thật được phơi bày, nhà bảo tàng chữa thẹn bằng cách tổ chức một cuộc triển lãm có tên gọi là "Những nhà quản lý bảo tàng có thể bị lừa". Trong sự kiện này, nhà bảo tàng  Brooklyn cho đặt những tác phẩm thật kế bên những bản giả mạo để khách tham quan có thể đối chiếu!

Bậc thầy làm tranh giả

Elmyr de Hory - nổi tiếng là một trong những bậc thầy làm tranh giả của mọi thời đại - tự vẽ và bán những tác phẩm giả của Picasso, Chagal, Toulouse-Lautrec, Dufy, Derain, Matisse, Degas, Bonnard, và Modigliani, đến khắp các vùng Bắc và Nam Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

Đến lúc bị bắt năm 1968, Elmyr de Hory đã bán trót lọt khoảng 1.000 bức tranh giả.

Cha và con

Pieter Bruegel Lớn, sinh năm 1525, là họa sĩ Phục hưng nổi tiếng với thể loại tranh phong cảnh và đời sống nông thôn. Nhưng chỉ có 45 tác phẩm được xác nhận là của ông còn tồn tại đến ngày nay. Vấn đề giả và thật nổ ra sau khi Pieter Brueghel Nhỏ (ông thêm chữ "h" vào họ của mình) - con trai của Bruegel Lớn và cũng là một họa sĩ - được biết đến là người dành trọn đời để... sao chép những tác phẩm của cha mình.

Brueghel Nhỏ đã vẽ ra hơn 20 bản sao và giới chuyên gia nghệ thuật khó có thể phân biệt được đâu là tranh của cha và đâu là tranh của con sao chép - bởi chúng giống nhau một cách kỳ lạ.

Nhà phê bình nghệ thuật Benjamin Genocchio viết trên tờ New York Times: "Nói chung, những bản sao của Pieter Brueghel Nhỏ thật tuyệt vời. Tất cả đều giống hệt tranh của người cha đến từng chi tiết nhỏ nhất"

An An (tổng hợp)
.
.