Những người du lịch tình nguyện

Thứ Ba, 03/10/2006, 08:30
TNV là những người rất khác nhau, với những động cơ khác nhau, nhưng với cùng một mục đích là muốn đem lại điều gì đó tốt đẹp.

Trong  xã hội châu Âu một dạng nghỉ ngơi đặc biệt đã xuất hiện: Người nghỉ đi đâu đó để lao động với chi phí tự trang trải. Ở phương Tây hoạt động như vậy không chỉ trở thành một ngành riêng, mà còn có tên gọi Voluntourism (du lịch tình nguyện), một thuật ngữ ghép từ “volunteer” (người tình nguyện) và “tourism” (du lịch). “Thú vui” này không hề rẻ, nhưng có rất nhiều dạng nghỉ ngơi kỳ lạ. Điều chủ yếu là họ thấy việc của mình có ích cho xã hội.

Tắm cho chim cánh cụt, đặt dấu cho voi

Các hướng đi Voluntourism chủ yếu là tới châu Phi và châu Á. Tại các vùng đó luôn có việc làm cho các tình nguyện viên (TNV), thêm nữa, bản thân chuyến đi đã là một sự mạo hiểm. Ví dụ, thời thượng mùa du lịch năm nay là tắm cho chim cánh cụt. Tất cả là do hậu quả của các tàu chở dầu gặp nạn. Lần nào cũng có vài trăm con chim cánh cụt bị dính dầu.

Lớp dầu bám vào sẽ giết chết chúng. Những người bảo vệ động vật đi bắt các con chim cánh cụt bị dính bẩn, tắm và chăm sóc cho chúng, rồi thả ra. Không ai biết người tắm cho chim cảm thấy thế nào, nhưng có vẻ như họ rất thỏa mãn. Nói đơn giản, những chuyến đi như vậy rất hấp dẫn du khách.

Có thể đến Cộng hòa Nam Phi để tắm cho chim cánh cụt. Tổ chức bảo vệ chim ở bờ biển hợp tác với các TNV nước ngoài. Để lưu lại 6 tuần trong trại, các TNV phải trả hơn 100 USD và tự lo vé, cũng như chi phí lấy visa. Khi chuẩn bị lên đường – từ việc đặt vé đến việc thỏa thuận với phía tiếp nhận, du khách đều phải tự lo lấy. Hơn nữa, không thể thoái thác công việc được – nếu bạn đã trực tiếp ký thỏa thuận, hãy làm việc ở mức độ tối đa, hãy chịu đựng mọi chuyện đỏng đảnh của chim. Thay vào đó, trong vòng một tháng rưỡi làm việc gần gũi với chim, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy chúng dễ thương đến mức nào.

Đối với những ai không có thiện cảm với chim cánh cụt và thấy chúng nhỏ bé quá, có thể chọn tour với các động vật to hơn. Ví dụ, voi. Việc đặt chuyến du lịch tình nguyện như vậy không phải được thực hiện qua khu bảo tồn nào đó ở châu Phi, mà qua công ty dịch vụ du lịch. Giá đắt hơn nhiều lần. Ví dụ, một hãng của Anh chuyên tổ chức các chuyến du lịch dạng đó, với lời chào mời đi Kenya trong 13 ngày với giá khoảng 3.300 USD.

Ưu điểm của loại tour này là được hãng du lịch lo mọi việc huấn luyện trước chuyến đi, tất cả đều nằm trong giá tour. Nếu TNV cảm thấy mệt và không thể làm hết sức, vẫn nhận được thái độ cảm thông. Tại Kenya TNV thực hiện công việc đánh dấu cho động vật, nghĩa là sơn lên tai chúng dưới sự theo dõi của các nhà sinh thái địa phương.

Những biện pháp như vậy sẽ giúp theo dõi số lượng đàn voi. Do nạn săn trộm để lấy ngà, loài voi đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, do đó mỗi con voi đều được theo dõi. Ngoài ra các TNV còn giúp đỡ dân địa phương. Ví dụ, những người nói tiếng Anh có thể dạy trẻ em học, còn những người khác có thể xây dựng nhà hay trồng cây.

Chăm sóc trẻ em và nạn nhân sóng thần

Giúp đỡ mọi người là một sự thỏa mãn khác. Dù bạn có tắm tận tình đến mấy cho chim cánh cụt, nó chẳng nói lời cảm ơn được, voi cũng chẳng thể hiểu việc đánh dấu là có lợi cho chúng, còn con người biết đánh giá những đóng góp của TNV.

Một kiểu tour là đi Việt Nam để chăm sóc trẻ em bị bệnh tật hay đến Nepal để xây dựng nhà-lều (làm bằng đất) cho dân địa phương. Việc xây dựng không phải bằng thiết bị kỹ thuật, mà bằng các công cụ cầm tay theo kiểu bản xứ. Để lao động hết sức trong 2 tuần TNV phải chi ra khoảng 3.000 USD.

Các hãng du lịch phương Tây khai thác cả những tour nóng đến những vùng mới bị thiên tai. Họ đưa các đoàn TNV tới Sri LankaIndonesia, nơi phải chịu hậu quả nặng nề vì sóng thần. Bạn có thể ở ngay trong tâm điểm khi sự kiện đang “nóng hổi”. Tất nhiên khó có thể làm được gì nhiều trong 2 tuần. Những hướng dẫn viên du lịch đều nói trước điều này cho những TNV lãng mạn nhất, song dù vậy, tất cả đều cảm thấy nhờ các nỗ lực của mình thế giới trở nên tốt hơn.

Tại Nga người ta cũng tổ chức cho một nhóm trẻ em ở Iakutia làm việc tẩy rửa nghĩa trang voi mamut. Những TNV nhí thu thập xương voi mamut, do dòng chảy của sông đưa dạt vào bờ, dọn dẹp khu vực sạch sẽ. Còn trên biển Barent, người dân địa phương dọn dẹp dầu bị tràn.

Dù TNV chọn tour nào, họ đều phải có sự chuẩn bị tốt về thể lực và sức chịu đựng. Họ sẽ phải làm việc 5 – 6 giờ mỗi ngày, còn sau khi kết thúc ngày làm việc là chương trình tìm hiểu văn hóa, giao tiếp với dân chúng địa phương và chiêm ngưỡng thắng cảnh.

Tiện nghi sinh hoạt là chuyện phải quên đi: Tối đa có thể kỳ vọng tới là cái lều. Nói đơn giản, theo cách hiểu thông thường, không thể nói đó là nghỉ ngơi. Thay vào đó họ được ăn uống với những cảm giác lạ và cảm thấy hoàn toàn thỏa mãn vì những việc mình làm được.

Muôn mặt TNV

Không có định nghĩa chính xác về công việc tình nguyện. Người ta vẫn hiểu đó là hoạt động không có thù lao, nhằm bảo vệ môi trường và có ích cho những con người không phải là ruột thịt của mình. Ở một số chương trình các TNV có nhận được thù lao nhỏ, nhưng đó vẫn được coi là hoạt động tình nguyện. Tại Anh thậm chí người ta đã tiến hành một cuộc nghiên cứu để tìm hiểu về công việc của TNV.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng khi tham gia công tác tình nguyện, các TNV muốn kết hợp đam mê du lịch đồng thời giải quyết các vấn đề của mình: Ví dụ, tình trạng cô đơn hoặc cuộc sống thiếu những ấn tượng mạnh mẽ, cũng như nhu cầu muốn tự khẳng định mình. Sinh viên muốn đến những nơi mới, muốn thực tập ngôn ngữ, tìm kiếm bạn bè.

Với những người đang trải qua giai đoạn khủng hoảng ở tuổi trung niên, hoạt động tình nguyện là mục đích mới trong cuộc sống và vai trò khác trong xã hội. Nói chung, TNV là những người rất khác nhau, với những động cơ khác nhau, nhưng với cùng một mục đích là muốn đem lại điều gì đó tốt đẹp. Các nhà nghiên cứu của Anh cho rằng cần ủng hộ phong trào mang ý nghĩa cao cả này

Hoàng Thương (Theo Itogi)
.
.