Những thư viện di động độc đáo

Thứ Tư, 05/08/2015, 06:15
Bất cứ độc giả nào cũng đều cho rằng thư viện là một tòa nhà cố định, với hệ thống ngăn kệ dày đặc chứa các đầu sách thuộc mọi chủ đề đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Nhưng không hẳn vậy! Ở nhiều nơi trên thế giới đang tồn tại một dạng thư viện độc đáo khác, góp phần thỏa mãn nhu cầu thưởng thức văn hóa mọi lúc mọi nơi. Xin giới thiệu vài mô hình tiêu biểu của loại thư viện lưu động kỳ thú này.

Xe buýt - thư viện

Suốt 11 năm qua, ông Antonio Ferreira, tài xế xe buýt ở thủ đô Brasilia, Brazil, đã biến phương tiện vận chuyển công cộng của mình thành một thư viện di động thực thụ. Bất cứ hành khách nào khi lên xe, đều có thể mượn sách từ tủ sách mini gồm 2 tầng chứa 15 đầu sách khác nhau gắn ngay sau lưng tài xế, tha hồ đọc miễn phí cho tới bến đỗ cần xuống.

Sáng kiến độc đáo của bác tài Ferreira đã nhanh chóng lan rộng ra khắp các thành phố khác trên cả nước, được đông đảo độc giả ngưỡng mộ gọi là trào lưu “xe buýt văn học”.

Thư viện trên xe tăng

Diễn viên kịch nổi tiếng người Argentina Raul Lemesof cũng là tác giả của một phát kiến độc đáo, khi quyết định dành toàn bộ khoản tiền tiết kiệm trong nhiều năm diễn xuất của mình để mua lại một chiếc xe tăng do quân đội thanh lý, rồi cải tạo lại thành một thư viện lưu động. Đích thân R. Lemesof điều khiển cỗ xe tăng nặng nề đến nhiều thành phố và làng mạc, cùng câu khẩu hiệu dễ đi vào lòng công chúng là “vũ khí không thể hủy diệt tình yêu hòa bình”.

Với hơn 900 đầu sách trưng bày trên các kệ đặt xung quanh xe, R. Lemesof vừa cho độc giả mượn sách vừa tuyên truyền luận điểm của mình, đại ý: “Tất cả các vấn đề trên thế gian này, kể cả chiến tranh đều có thể được giải quyết bằng sự trợ giúp của văn học và nghệ thuật”.

Thư viện trên bãi biển

Tại thị trấn nghỉ mát Albena, một trong những điểm du lịch nổi tiếng ven bờ biển Đen của Bulgaria, thấp thoáng giữa các triền cát rộng mênh mông là những đoạn tường gỗ sơn trắng được dựng lên, cùng dòng chữ hướng dẫn gắn ngay bên trên bằng tiếng Anh “Beach Library” (Thư viện bãi biển).

Với hình thức miễn phí hoàn toàn để phục vụ mọi đối tượng độc giả, thư viện bãi biển bắt đầu mở cửa từ đầu mùa hè năm 2014, với hơn 2.500 tác phẩm văn học và khoa học bằng 15 ngôn ngữ khác nhau, giúp du khách vừa nghỉ ngơi thư giãn vừa thưởng thức thói quen đọc sách. Ngoài ra khách du lịch có thể để lại những cuốn sách cũ của mình, bổ sung vào số đầu sách sẵn có trên các ngăn kệ thư viện.

Thư viện trên... lưng lừa

Nhằm mục đích phổ biến kiến thức văn hóa cho người dân sống ở các vùng sâu vùng xa, thường không có điều kiện tiếp cận với các đầu sách mới ấn hành, ngay từ năm 2009 một nhóm giáo sư giảng dạy tại Khoa Văn học của Trường đại học Tổng hợp Valle del Momboy ở thành phố Trujillo, Venezuela đã có sáng kiến dùng lừa vận chuyển sách đến các bản làng heo hút, nơi cư ngụ của tộc người thiểu số Quechua.

Theo định kỳ hằng tuần, từng đoàn lừa chất đầy những bao túi đựng sách trên lưng do các sinh viên tình nguyện dẫn dắt, lại tỏa đi khắp các địa bàn hiểm trở với sứ mạng khai hóa kiến thức cho người nghèo.

Xe tải - thư viện

Sau 43 năm hành nghề sư phạm, thầy giáo dạy văn người Italia Antonio La Cava nhận quyết định nghỉ hưu vào đầu năm 2013. Để không cảm thấy lãng phí thời gian nhàn rỗi trong quãng đời còn lại, ông liền mua một chiếc xe tải nhỏ đã qua sử dụng tân trang thành thư viện di động với gần 700 đầu sách văn học thiếu nhi.

Người thầy giáo đã có tuổi đích thân lái chiếc xe tải - thư viện của mình đi khắp nơi, đến cả những nơi thưa thớt dân cư nhất đáp ứng niềm say mê đọc sách của con trẻ.

Xuân Hiếu (theo The Burlington Magazine)
.
.