Những tục lệ cưới đặc biệt trên thế giới

Thứ Hai, 25/12/2006, 16:00
Không ai biết hết được các tục lệ và lễ nghi trong việc cưới xin trên khắp hành tinh chúng ta. Có một số tục lệ vào thời đại hiện nay trở thành chuyện nực cười, không thể chấp nhận được và thậm chí là gây sửng sốt cho nhiều người.

Đám cưới “bạo lực

Tại Nigeria, để đến với người mình chọn, chàng trai phải đi qua đội ngũ những người họ hàng của cô dâu với những cây gậy trên tay, còn bố mẹ vợ tương lai và họ hàng của họ tìm cách đánh chàng rể sao cho thật đau. Bằng cách đó người ta kiểm tra mức độ sẵn sàng của chàng rể với tư cách  là người đứng đầu gia đình và đối mặt với những thử thách không nhẹ nhàng.

Phụ nữ Hy Lạp ngay sau lễ cưới kiểu truyền thống lập tức dùng hết sức đạp gót giày lên chân chú rể. Nếu người bạn đời không tránh được – anh ta sẽ suốt đời sống dưới sự chỉ đạo của vợ.

Còn ở Samoa, đôi tình nhân trẻ có ý định kết hôn, phải gặp gỡ đêm đầu tiên trong nhà lều đầy người của gia đình, nhiều khi còn có thêm cả bầy gia súc. Đêm tình yêu phải diễn ra trong sự yên tĩnh hoàn toàn, để không có ai trong số người thân bị đánh thức. Nếu không làm được điều đó chú rể sẽ phải chạy trốn... họ hàng. Nói chung, dân Samoa là những người tình cuồng nhiệt. Bởi vậy mỗi chàng trai trước đêm tình yêu đều bôi dầu cọ từ đầu đến chân để chịu đựng các trận đòn nhẹ nhàng hơn.

Ở Macedonia, trong đêm tân hôn đôi vợ chồng trẻ bị nhốt dưới tầng hầm lót đầy lá kim. Họ phải cố gắng tranh giành những tặng phẩm chính trong đám cưới: mũ và giày. Nếu lấy được mũ, người vợ sẽ hạnh phúc trong hôn nhân. Còn nếu lấy thêm được cả giày thì cả đời sẽ giữ được chồng.

Những tiêu chuẩn “không giống ai” đối với cô dâu

Những đặc điểm nào của người vợ tương lai được các dân tộc trên thế giới đánh giá cao nhất? Tất nhiên là vẻ đẹp. Vì điều này phái đẹp phải chịu đựng những thử thách khổ sở nhất: phụ nữ Trung Quốc phải bó chân, phụ nữ châu Phi phải cưa bớt răng, phụ nữ châu Âu phải nhịn ăn để được thanh mảnh.

Còn ở Sahara, ngược lại, từ 12 tuổi, các cô gái bắt đầu được “vỗ béo”. Đối với các dân tộc này, sự mập mạp đồng nghĩa với vẻ đẹp phụ nữ, đảm bảo lấy chồng thành công, vì nhà chồng coi đây là bằng chứng của sự giàu sang và địa vị xã hội cao của gia đình cô dâu. Những cô gái nghèo suốt ngày ngồi trong các lều riêng và cố ngốn lượng lớn thức ăn. Những người mẹ không đủ tiền bạc để vỗ béo cho con gái thì đổi nhờ người thân hoặc bạn gái. Người cha can thiệp vào quá trình vỗ béo chỉ để chặn đứng những chống đối tuyệt vọng của con gái.

Trang điểm của cô dâu và chú rể trong ngày cưới ở một số bộ lạc Châu Phi.

Ở Tây Tạng, “chứng chỉ” tốt nhất của cô dâu là những chiếc vòng đeo cổ do các tình nhân cũ tặng. Cũng với mục đích như vậy, các cô gái châu Phi trang điểm chân của mình bằng những vòng da. Càng nhiều vòng, đám cưới được tổ chức càng long trọng.

Châu Âu cũng có nhiều phong tục cưới xin độc đáo. Ví dụ, người đàn ông lịch thiệp của Anh thử sức chịu đựng của người bạn đời tương lai theo cách như sau: Cô dâu phải dùng một tay nhấc cái nắp rất nặng của chiếc rương cổ trong nhà thờ. Nếu như không làm nổi việc đó,  cô gái bị coi là quá yếu để thực hiện việc nội trợ, và chú rể sẽ tìm ứng cử viên khác mạnh mẽ hơn để thay thế nhiệm vụ.

Tiêu chuẩn đối với chú rể

Có vẻ như người đàn ông thích hợp cho cuộc sống gia đình phải là người biết chịu đựng, biết chiều theo ý vợ và dễ tính. Nhưng đối với phụ nữ miền Nam châu Phi, như vậy vẫn còn ít. Họ đòi hỏi chú rể phải có tiếng nói giống như tiếng... hổ gầm. Cuộc thi để chọn người gầm to nhất, được tổ chức hàng năm, biến thành ngày hội đặc biệt của các chú rể. Người nào gầm to nhất sẽ là người mạnh mẽ và dũng cảm nhất.

Tại một hòn đảo ở Malaysia vẫn còn giữ chế độ mẫu hệ, ở đó các nữ thổ dân gửi trả lại những ông chồng lười và vô tích sự cho mẹ nuôi. Mỗi tuần 1 lần có thể mời chồng đến để thực hiện nghĩa vụ. Các bà vợ không bao giờ từ chối tạo niềm sung sướng cho chồng, vì tất cả tài sản của người đàn ông trong trường hợp ly dị sẽ để lại cho vợ.

Nguồn gốc chiếc nhẫn cưới

Hóa ra chiếc nhẫn cưới xinh đẹp hoàn toàn không chỉ là vật trang sức. Nguồn gốc của nó bắt đầu từ thời một số dân tộc có phong tục buộc chân và mắt cá của cô dâu bằng những sợ dây tết từ rơm, để cô gái không chạy mất. Về sau loại dây không chắc chắn được thay bằng da. Còn những người La Mã văn minh chuyển sang đeo lên ngón tay của người mình chọn chiếc nhẫn ban đầu làm bằng sắt, sau làm bằng vàng để khẳng định quyền của người đàn ông và cả sức mạnh

Hoàng Thương (Theo Pravda.ru)
.
.