Peru: Độc đáo Lễ hội Máu

Thứ Tư, 17/09/2014, 14:35

Lễ hội Máu ở Peru là sự kiện văn hóa hết sức ấn tượng đối với người nước ngoài, với con chim kền kền được cột chặt vào lưng con bò rừng đang giận dữ trước mặt đám đông khán giả hò hét vang trời. Đối với nhiều người dân Peru, lễ hội là sự tái hiện cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của Tây Ban Nha. Nhưng, đối với những người bảo vệ môi trường, lễ hội là mối đe dọa cho một trong những loài chim quý hiếm to lớn nhất thế giới.

Để chuẩn bị cho sự kiện văn hóa Lễ hội Máu hay Yawar Fiesta được tổ chức hằng năm, người dân tại ngôi làng nhỏ thuộc thị trấn Coyllurqui phải leo lên những vách đá xung quanh để bắt kền kền và nhốt nó chừng vài tuần.

Khi lễ hội năm 2014 bắt đầu, kền kền được cho uống rượu rồi cột chặt trên lưng con bò rừng đứng giữa đấu trường. Con bò sau đó sẽ cố gắng tống khứ con kền kền ra khỏi lưng nó, trong khi con chim khổng lồ cứ nhằm hai mắt của đối thủ mà tấn công.

Cuộc chiến quyết liệt giữa kền kền và bò rừng ở Coyllurqui, Peru.

Người dân sống trên dãy núi Andes tin rằng kền kền là biểu tượng của đế chế Inca và con bò rừng đại diện cho sức mạnh của quân xâm lược người Tây Ban Nha. Dân làng Coyllurqui - mặc dù đại đa số là người Cơ Đốc - coi kền kền là vị thần của Andes từ trên trời xuống trần gian để chiến đấu cho tự do của họ. Người ta tin vào số mạng trong cuộc chiến đấu giữa kền kền và con bò rừng trong lễ hội. Nếu bất cứ sự tổn hại nào xảy đến cho kền kền, dân làng tin đó là điềm gở trong năm.

Các nhà bảo tồn thiên nhiên muốn hủy bỏ Lễ hội Máu do lo ngại cho quần thể kền kền quý hiếm ở Peru có thể bị tuyệt chủng. Song, nhiều người Peru tuyên bố họ muốn gìn giữ lễ hội truyền thống này. Theo thống kê hiện chỉ còn khoảng 600 đến 1.000 chim kền kền đang tồn tại ở nước này và con số đang có chiều hướng giảm dần. Kền kền - cân nặng 15kg và hãnh diện với sải cánh khổng lồ hơn 3 mét - ăn xác chết động vật và tuổi thọ có thể đến 75 năm trong tình trạng nuôi nhốt. Kền kền  sinh sản rất chậm (chỉ một chim con mỗi năm).

Những con kền kền được thả ngay sau khi sự kiện Yawar Fiesta kết thúc nhưng không ai biết số phận của chúng sẽ như thế nào sau nhiều tuần lễ bị giam cầm và chiến đấu với bò rừng. Sau cuộc chiến kéo dài khoảng 30 phút - người ta nhìn thấy máu vương vãi khắp đấu trường mà không biết là máu của kền kền hay của bò rừng.

Con kền kền khổng lồ được mang vào đấu trường để cột lên lưng bò rừng.

Geronimo Yucra Nininty từng tham dự lễ hội, cho biết: "Tôi đau lòng khi chứng kiến kền kền và bò rừng đấu vật với nhau. Tôi không ủng hộ hành vi ngược đãi động vật".

Cecilia Larrabure, nhiếp ảnh gia đang thực hiện một phim tài liệu về Yawar Fiesta, cho biết trước đây chính quyền Peru ngăn cấm săn bắt động vật hoang dã. Hiện nay, người dân thủ đô Lima bày tỏ sự bất bình và kêu gọi chính quyền cần có luật lệ nghiêm khắc để bảo vệ loài kền kền sắp tuyệt chủng. Nhưng, tại những vùng hẻo lánh như ngôi làng ở Coyllurqui thì luật pháp khó mà thực hiện được.

Walter Bocangel Gamarra, Thị trưởng Coylurqui cho biết: "Tôi nghĩ rằng công tác bảo vệ loài kền kền là vô cùng quan trọng. Song, chúng tôi có phong tục, có truyền thống. Nếu không có kền kền thì sẽ chẳng có lễ hội".

Theo Cecilia Larrabure, sự kiện Yawar Fiesta được tổ chức lần đầu tiên tại thành phố Cusco miền Nam Peru vào thế kỷ XVIII. Thời đó, lễ hội có tên gọi là "Turupucllay", nghĩa là "Trò chơi của bò" - theo ngôn ngữ cổ Quechua. Tên gọi "Yawar" chỉ là sau này. Một cuốn tiểu thuyết được viết vào năm 1941 mang tựa "Yawar" của nhà văn Peru Jose Maria Arguedas đã phổ biến tên gọi.

Thị trưởng Walter Bocangel đang ôm một con kền kền trước khi diễn ra trận đấu.

Lịch sử chiến đấu giữa người Tây Ban Nha và Inca vô cùng đẫm máu. Người Tây Ban Nha đã áp bức và thảm sát người Inca trong quá khứ. Hiện nay, cuộc sống vẫn còn khó khăn ở vùng Andes, nơi mà sự nghèo đói, tệ nghiện rượu và bạo hành gia đình vẫn còn phổ biến.

Nhiếp ảnh gia Larrabure nói rằng: "Khi người dân đặt con kền kền lên lưng bò rừng, điều đó muốn nói là Inca đang quay trở lại. Đối với họ, điều quan trọng là sự cảm nhận mà họ hy vọng có được ít nhất 1 lần trong năm".

Fernando Angulo, nhà nghiên cứu thuộc NGO (tổ chức phi chính phủ) Corbibi đang triển khai chương trình bảo tồn loài kền kền, cho rằng Yawar Fiesta không nên là cuộc chiến đối đầu giữa những người theo chủ nghĩa truyền thống và những người bảo tồn thiên nhiên.

Theo Fernando Angulo: "Nhiều người có ý tưởng ngăn cấm Yawar Fiesta để bảo vệ loài kền kền. Nhưng, tôi cho rằng lễ hội là cơ hội lớn nhất cho sự giáo dục. Chúng ta phải tìm kiếm một giải pháp có tính sáng tạo hơn". Fernando Angulo đề nghị sử dụng Yawar Fiesta như là công cụ để nghiên cứu về loài kền kền. Người vùng Andes có kiến thức địa phương quý báu về tập tính và môi trường sống của kền kền mà các nhà nghiên cứu nước ngoài không có được.

Angulo cũng bày tỏ nguyện vọng hợp tác với các cộng đồng ở Peru để nghiên cứu loài kền kền, giáo dục dân địa phương về tầm quan trọng về mặt sinh thái của loài này

Di An (tổng hợp)
.
.