Pho tượng có niên đại gấp đôi số tuổi của các Kim tự tháp Ai Cập

Thứ Sáu, 04/05/2018, 16:18
Tượng thần Shigir, tượng gỗ Shigir, hay The Shigir Idol là vật thể điêu khắc bằng gỗ cổ nhất trên thế giới, được chế tác vào thời đại đồ đá giữa. Với công nghệ tiên tiến, các nhà khoa học Đức đã kết luận, pho tượng có niên đại chính xác là 11.500 năm, gấp đôi số tuổi của kim tự tháp Giza và gấp 3 lần tuổi của tượng đài cự thạch Stonehenge.

Trước đó, hồi năm 1997, niên đại của pho tượng được xác định là 9.500 năm.

Tượng thần Shigir được phát hiện vào ngày 24-1-1894 dưới lớp than bùn của một mỏ vàng ở miền Tây Shigir, phần rìa phía đông của vùng Trung Urals, gần Kirovgrad – một huyện hành chính tự quản của tỉnh Sverdlovsk và xấp xỉ 100km từ Yekaterinburg – một thành phố chính ở miền Trung nước Nga.

Có lẽ nhờ lớp than bùn mà bức tượng gỗ này tránh được những tác động của vi khuẩn, không bị mục nát và còn tương đối nguyên vẹn sau nhiều thế kỷ. Khi được ta tìm thấy, pho tượng bị tách thành nhiều phần.

Hình ảnh về tượng thần Shigir.

Giáo sư người Nga Dmitry I. Lobanov đã tổng hợp những mảnh chính thành một vật thể cao 2,8m. Tới năm 1914, nhà khảo cổ học người Siberia, ông Vladimir Tolmachev công bố một bản vẽ về biến thể của pho tượng này bằng cách lồng ghép các mảnh vỡ không sử dụng.

Theo bản vẽ, chiều cao ban đầu của pho tượng có thể là 5,3m. Giải thích cho sự khác biệt này, người ta cho rằng, một đoạn tượng dài khoảng 2m đã bị đánh cắp sau khi trải qua những biến động chính trị ở Nga vào thế kỷ XX. Vì vậy chỉ còn lại bản vẽ của Tolmachev.

Tượng được làm từ gỗ thông rụng lá - một loài cây mọc nhiều trong những cánh rừng Taiga mênh mông ở Nga và Canada - có ít nhất 157 tuổi và được khắc bằng đá hoặc công cụ bằng đá, với phần đầu mô tả một khuôn mặt người với đầy đủ mắt, mũi, miệng. Phần thân tượng có hình chữ nhật, phẳng, chứa nhiều đường kẻ ngang ở phần giữa, đại diện cho xương sườn.

Theo các nhà nghiên cứu, có 7 gương mặt đại diện trong bức tượng này và một trong các gương mặt có 3 chiều, số còn lại nằm rải rác trên thân tượng. Ngoài ra, trên bề mặt gỗ có các biểu tượng hình học như chữ V, xương cá, đường thẳng, đường nguệch ngoạc, và nhiều biểu tượng trừu tượng khác.

Theo các chuyên gia, “bề mặt tượng được đánh bóng bằng chất mài mịn, sau đó được điêu khắc. Có ít nhất 3 chiếc đục đã được sử dụng và phần lưỡi đục có chiều rộng không giống nhau”. Họ cũng kết luận 7 gương mặt trên thân tượng là “phần công đoạn cuối cùng được điêu khắc vì ngoài đục, một số công cụ khác đã được sử dụng để tạo những bộ râu quai nón ở nửa hàm dưới”.

Một số hình ảnh về tượng thần Shigir.

Giáo sư Mikhail Zhilin, nhà nghiên cứu hàng đầu của Viện khảo cổ thuộc Viện khoa học Nga nhận xét: “Những bộ râu quai nón được tạo ra ngay trên thân tượng. Nếu bạn muốn khắc một bộ râu quai nón hình răng cưa, bạn sẽ cần một công cụ tuyệt vời để tiện cho việc chạm khắc phần bề mặt lồi lõm”.

Ông nói thêm rằng: “Đây là một kiệt tác thực sự, nó mang một giá trị tinh thần to lớn. Đây là một trong những tác phẩm điêu khắc độc đáo nhất từng được tìm thấy; Không có tác phẩm tương tự như vậy trên toàn thế giới. Nó rất sống động, và cũng rất phức tạp. Toàn bộ bức tượng được bao phủ bên ngoài bởi những thông tin được mã hóa. Trong khi nội dung của nó vẫn còn là bí ẩn, một điều rõ ràng là tác giả bức tượng đã sống hài hòa với thế giới, có trí tuệ phát triển ở cấp cao cùng thế giới tâm linh phức tạp”.

Các nhà khoa học đã phát hiện dụng cụ được tạo ra để chạm khắc những bộ râu tại một di chỉ khảo cổ gọi là Beregovaya 2, có cùng thời kỳ với pho tượng. Sau khi nghiên cứu kỹ tượng thần Shigir, các chuyên gia tin rằng công cụ này phù hợp với các vết khắc được chạm trên thân tượng. Trong khi chúng ta có thể đã khám phá được những bí ẩn về cách người ta chạm khắc trên bề mặt bức tượng thì mục đích chính xác của tượng thần Shigir vẫn chưa được hiểu rõ, thông điệp mà con người cổ đại truyền tải trên thân tượng là gì?

Và tại sao nó trông không hề giống hình dáng con người cổ đại cách đây hơn 11.000 năm? Các chuyên gia phỏng đoán những ký tự tượng hình của tượng thần Shigir chứa đựng thông tin mã hóa của người cổ về “sự sáng tạo thế giới”.

Do đó, pho tượng được đánh giá là bằng chứng cho thấy những thợ săn và ngư dân vùng Urals đã sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật và tượng đài phát triển không kém nông dân cổ vùng Trung Đông.

Để phục vụ công tác nghiên cứu, một nhóm nhà nghiên cứu ở thành phố Mannheim ở miền Nam nước Đức sử dụng công nghệ cực kỳ tinh vi gọi là quang phổ khối gia tốc (AMS) đối với 7 mẫu gỗ rất nhỏ. Kết quả phân tích của nhóm nhà khoa học Đức có ý nghĩa đáng kể về mặt khoa học, nhưng công việc xét nghiệm bức tượng lại gây tranh cãi về mặt pháp lý ở Nga. Một vụ án hình sự đã mở ra về “bức tượng gỗ bị tổn hại” giữa những tuyên bố rằng các mẫu vật dùng để xét nghiệm là “có được một cách bất hợp pháp”.

Từ năm 2014, cơ quan văn hóa ở Moscow đã tìm kiếm sự bồi thường theo pháp luật đối với các mẫu tượng gỗ bị lấy đi và sau đó chuyển đến các nhà khoa học Đức để phân tích.

Hà Linh (theo ABC.es)
.
.