Quân đội Mỹ, Canada tiếp tục dò tìm dấu tích ông già Noel

Thứ Ba, 06/01/2015, 21:55
Câu chuyện về sự tồn tại của ông già tuyết - ông già Noel Santa Claus - luôn thu hút không chỉ những người ham đọc sách, báo mà đông hơn cả là trẻ em trên toàn thế giới. Và cũng chính sự tò mò của các em mà quân đội 2 nước Mỹ - Canada phải bố trí lực lượng để tìm kiếm Santa Claus. Chuyện này đã được tiến hành từ gần… 60 năm qua.

Việc dò tìm dấu vết ông già Noel để đáp ứng nhu cầu tò mò của các cháu thiếu nhi là không đơn giản. Việc đó được xác định là một hành động mang nhiều tính ý nghĩa hơn là thực chất. Từ rất lâu, các cháu thiếu nhi được người lớn dạy bảo là phải nghe lời người lớn.

Vào dịp Giáng sinh, trẻ em luôn được giáo dục là phải ngoan ngoãn thì ông già tuyết, ông già Noel, hay Santa Claus, mới trèo ống khói vào nhà tặng quà trong đêm Giáng sinh. Từ đó, hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới đã quá quen thuộc và yêu mến ông già Noel Santa Claus.

Nhiều trẻ em trên thế giới tin rằng Santa Claus có thật. Từ năm 1955 đã xuất hiện dịch vụ trả lời các cuộc gọi điện thoại hỏi về ông già Noel Santa Claus. Mọi chuyện bắt nguồn từ việc một công ty dịch vụ quà tặng đêm Giáng sinh đăng một quảng cáo trên báo kêu gọi các cháu nhỏ gọi điện thoại cho ông già Noel vào đêm Giáng sinh.

Hình tượng đoàn xe tuần lộc của ông già Noel Santa Claus mang quà đi phát cho các cháu thiếu nhi trong đêm Giáng sinh.

Một sai sót nhỏ xảy ra: công ty in sai số điện thoại. Cho nên, các cuộc gọi cho ông già Noel đêm Giáng sinh năm đó đều dẫn đến Văn phòng trung tâm Bộ Chỉ huy phòng không Bắc Mỹ (NORAD). Người trực ban đêm đó là đại tá Không quân Harry Shoup.

Ông này quyết định phải làm một việc hay. Thay vì từ chối và báo "lộn số", ông Shoup yêu cầu các nhân viên trực tổng đài điện thoại thông báo "nơi ở" của Santa Claus cho bất cứ cháu nhỏ nào gọi đến. Kể từ đó, NORAD trở thành nơi các cháu thiếu nhi ở Mỹ và Canada tìm đến để hỏi han mọi thứ về ông già Noel.

Việc gọi điện thoại hỏi về ông già Noel dần dần trở thành "truyền thống" của các cháu nhỏ. Điều lạ là, ngay chính các sĩ quan tại NORAD cũng tin ông già Noel có thật.

Bởi thế, không chỉ trả lời điện thoại vu vơ "Santa Claus ở đâu", bắt đầu từ năm 1958, NORAD còn lập hẳn các trạm dò tìm ở Mỹ và Canada để tìm xem Santa Claus thật sự ở đâu, đồng thời sử dụng các hệ thống rađa cường độ mạnh và vệ tinh quan sát để dò tìm đường đi của đoàn xe tuần lộc của Santa Claus trong đêm Giáng sinh. Cả máy bay chiến đấu cũng được huy động để dò tìm đường bay của Santa Claus. Các phi công được yêu cầu là nếu phát hiện đoàn xe tuần lộc thì không được bay gần quá.

Ngày nay, cuộc dò tìm đường đi của ông già Noel vào dịp Giáng sinh đã trở thành một chương trình quy mô lớn, với NORAD là đơn vị chủ lực, cùng tham gia tìm kiếm là khoảng 60 công ty công nghệ cao. Các công ty không chỉ cung cấp nhân sự tình nguyện trả lời các cuộc điện thoại mà còn cung cấp dịch vụ hỗ trợ cuộc gọi, dịch vụ Internet.

Tham mưu trưởng NORAD, Tướng Charles Luckey cùng các tình nguyện viên trả lời điện thoại về Santa Claus đêm Giáng sinh.

Tại Trung tâm NORAD, Giáng sinh năm nay có hàng trăm tình nguyện viên tham gia trả lời điện thoại. Cứ mỗi ca trực có 40 tình nguyện viên, 2 tiếng đồng hồ đổi ca một lần. Ngày nay, NORAD không chỉ trả lời điện thoại mà còn nhận e-mail. Giáng sinh năm nay, NORAD đã nhận 117.000 cuộc gọi và 9.600 e-mail.

Trực trả lời điện thoại các cháu nhỏ về Santa Claus là một việc vô cùng thú vị đối với các tình nguyện viên. Các cháu bé ngây thơ gọi hỏi hoặc nói những điều rất ngộ nghĩnh. Chẳng hạn, tình nguyện viên Stephanie Hines kể, có cháu gọi đến bảo: "Cô hãy đi ngủ ngay đi, Santa đang đến gần rồi", hoặc có cháu lại hỏi: "Cô có phải là một thiên thần hay không và tai cô có nhọn lắm không?".

Thậm chí có cháu nhỏ còn yêu cầu được nói chuyện trực tiếp với Santa Claus. Những trường hợp như thế, Stephanie buộc phải đi theo những câu chuyện, những điều tưởng tượng của các cháu.

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.