Ralph Bear – cha đẻ của trò chơi điện tử
Năm 1938, ông Baer và cả gia đình đã phải rời khỏi nước Đức phát xít trốn ra nước ngoài và mãi cho đến ngày nay mới có thể trở lại thăm quê cha đất tổ ở Pirmasens. Đối với ông thì không có gì quan trọng hơn là những sáng chế, phát minh của mình và ông rất tự hào về những sáng chế đó. Baer đã phải tiến hành một cuộc đấu tranh bền bỉ, dai dẳng nhất để được công nhận là “cha đẻ của trò chơi video”. Cho dù trước đó tại Học viện MIT ở Massachusetts, vào năm 1962, đã phát minh ra trò chơi mang tên “Spacewar!” - nhưng để thực hiện trò chơi này cần phải có một máy tính cỡ lớn.
Trong những năm 60, Baer làm việc ở Hãng chế tạo vũ khí Sanders Associates, nhiệm vụ của ông là nghiên cứu chế tạo hệ thống rađa phòng thủ và thiết bị điện tử trong tàu ngầm. Là một kỹ sư thích mày mò nghiên cứu, Baer không thật sự hứng thú với nhiệm vụ quản lý ban nghiên cứu phát triển tại hãng này. Ông nói: “Ở đây người ta làm những thứ có thể sử dụng ba bốn năm, nhưng không ai trao đổi với ai về công việc của mình, khi có được sản phẩm cũng như khi không có, làm xong coi như chấm dứt. Tôi không hứng thú với loại công việc như thế”.
Là một chuyên gia về kỹ thuật truyền hình, ông luôn day dứt với ý tưởng phải làm gì đó để phục vụ hàng triệu người sử dụng máy truyền hình ở Mỹ và ông bí mật nghiên cứu trò chơi điện tử trên màn hình tivi. Cuối năm 1969, ông cho ra đời sản phẩm “Brown Box” - một hệ thống trò chơi video đầu tiên trên thế giới. Một trong những trò chơi đầu tiên nổi tiếng nhất được đặt tên là “ping pong” - gồm hai cái vợt, một quả bóng và một cái núm xoay để “cắt”, với cái núm này người ta có thể thay đổi đường bay. Chủ nhân hãng chế tạo vũ khí đã cho đăng ký bản quyền phát minh này và bán bản quyền cho Hãng sản xuất tivi Magnavox. Hãng này đặt tên cho trò chơi mới là “Odyssey”.
“Brown Box” - Trò chơi điện tử đầu tiên trên thế giới. |
Hai hãng Magnavox và Sanders còn thường xuyên tham gia các vụ kiện tụng về bản quyền với ông Baer cho đến những năm 80 thế kỷ trước và đã kiếm được nhiều triệu USD về phí bản quyền và về những khoản thanh toán bên ngoài tòa án. Bản thân ông Baer và những hồ sơ lưu trữ của ông cũng thường xuyên phải ra hầu tòa để chứng minh mình là người khởi xướng mà không được hưởng một đồng nào từ những phát minh của mình. Ngày nay, khi người ta hỏi Baer phải chăng ông đã bị hãng của mình lừa, ông mỉm cười và nói rất nhiều về quyền tự do mà hãng đã giành cho mình để ông thực hiện được những phát minh đầu tiên. Ông kể: “Hồi đó tôi có quyền tha hồ làm những điều mình thích. Sự tự do như vậy trong một doanh nghiệp thực sự là vô giá. Đó chính là một phần thưởng đối với tôi”.
Sau này Baer thành lập một doanh nghiệp riêng và hoạt động độc lập. Ông liên tục nghiên cứu, phát triển những ý tưởng vừa ngộ nghĩnh vừa điên rồ. Thí dụ, ông đã để cho một con gấu bông chuyện trò với một nhân vật hoạt hình trên màn hình, hay ông là người sáng tạo ra bức thảm chùi chân biết nói đầu tiên. Trò chơi “Simon” của ông ra đời từ những năm 80 và vẫn tồn tại.
Ngày nay khi nói về tình trạng bạo lực trong các trò chơi điện tử ông Baer tỏ ra rất buồn rầu. Theo ông từ lâu trò chơi điện tử đã trở thành một môn nghệ thuật nhưng bị lạm dụng. Trong khi trò chuyện ông bất chợt lấy ra chùm chìa khóa trong túi quần. Trong chùm chìa khóa này có cả một ổ cứng USB nhỏ xíu copy những công việc mà hiện ông đang làm là tái tạo bản hướng dẫn sử dụng mọi trò chơi điện tử trước khi ra đời “Brown Box”.
Bởi những phát minh này mà hai năm liền Tổng thống Mỹ George W. Bush đã trao tặng ông Huân chương Vì sự nghiệp khoa học và công nghệ