Tản Mạn Cuba

Thứ Tư, 14/02/2007, 10:00
Nói đến Cuba bất cứ ai cũng có thể nghĩ ngay đến những đồn điền trồng mía, những điếu xì gà… nổi tiếng. Thế nhưng ít ai biết rằng còn có một Cuba khác kiêu xa, quyến rũ nhưng cũng không kém phần huyền bí đang chờ đợi được khám phá.

Bí mật trong biệt thự Dupont

Cách thủ đô La Habana khoảng 180km có một khu nghỉ mát được coi là đẹp nhất thế giới - đó là bãi biển Varadero. Bãi biển này như một cánh tay khổng lồ vươn ra biển với chiều dài khoảng 25km.

Trong những năm qua, Varadero trở thành trung tâm du lịch quan trọng của Cuba và có doanh thu chiếm gần 30% trong thu nhập quốc dân. Tại khu nghỉ mát này có 17 khách sạn 5 sao và 6 khách sạn trên 5 sao. Khu nghỉ mát có một sân bay riêng và du khách đến đây không cần thị thực nhập cảnh.

Nơi đây có những bãi tắm tuyệt vời, có những khách sạn với đầy đủ các dịch vụ đáp ứng tất cả nhu cầu của du khách... nhưng kỳ lạ nhất là không hề có gái mại dâm, không có những cảnh người dân lẵng nhẵng chạy theo du khách, gạ bán hàng và tuyệt nhiên không có một gã Tây balô nào.

Trong khu Varadero, có một nơi lúc nào cũng đông du khách tới tham quan đó chính là ngôi biệt thự “Tình Yêu”. Thật ra, cái tên “tình yêu” này là do du khách đặt, chứ còn từ xửa từ xưa, người ta chỉ gọi đây là biệt thự của ông Irenne Dupont De Neuve. Ngôi biệt thự có một lai lịch vô cùng lãng mạn.

Vào năm 1929, ông Dupont, là một người Mỹ gốc Pháp, chủ Hãng sơn Dupont nổi tiếng thế giới đến Cuba. Tại đây, ông đã đem lòng yêu một cô gái Cuba, nhưng không ai biết cô tên là gì, ở đâu.

Để che mắt bà vợ, ông đến Varadero mua một khu đất rộng chừng hơn chục hécta và cho xây dựng một ngôi biệt thự có hai tầng chính và một tầng phụ để ngắm biển. Biệt thự được xây dựng bằng những loại gỗ quý hiếm và đẹp lộng lẫy.

Ngoài 3 phòng ngủ ra, còn có phòng khách, phòng ăn, phòng đọc sách v.v... Tất cả đều được trang trí cầu kỳ, tinh xảo. Dưới phòng khách, có đặt một chiếc đàn organ và trên lầu ngắm biển có một chiếc piano hiệu Traika của Nga.

Riêng chuyện vì sao bà vợ ông Dupont lại dùng đàn Traika cũng là chuyện khó hiểu bởi lẽ, đàn piano của Nga chưa bao giờ được đánh giá cao như đàn Stenwey của Mỹ, mà một tỉ phú như ông, sao lại dùng thứ thường ấy.

Bà vợ của ông Dupont vô cùng biết ơn chồng đã dựng “cho mình” ngôi biệt thự này và hàng năm, hai vợ chồng đến đây nghỉ mát vài ba lần. Kẻ hầu người hạ ở đây có đến chục người, trong đó có một đầu bếp nổi tiếng của La Habana. Khi vợ chồng ông đến nghỉ, họ phải phục vụ cơm nước, tiệc tùng đã đành, nhưng khi họ về Mỹ, người phục vụ vẫn phải... phục vụ.

Hàng ngày, cứ đến giờ ăn, họ phải dọn đầy đủ các thứ ly, cốc, dao nĩa, chén, đĩa lên bàn và có cả những chai rượu nổi tiếng. Họ bày ra rồi đứng khoanh tay... chờ. Khoảng nửa giờ sau thì lại... dọn đi. Quanh năm suốt tháng, ngày 3 lần - sáng, trưa, tối, họ phải làm công việc quái gở ấy.

Đường hầm dẫn từ biển vào biệt thự Dupont.

Nhưng bà vợ không biết rằng ông Dupont đã cho thiết kế ngôi nhà khá đặc biệt. Không hiểu người kỹ sư thiết kế nhà cho ông Dupont làm thế nào để mỗi khi bà vợ chơi piano hay đàn organ thì tất cả các phòng đều nghe rất rõ. Rồi  biệt thự có một tầng hầm và có hai đường hầm dẫn vào. Một đường từ ngoài biển và một đường từ quả đồi cách đó 200 m.

Hóa ra là việc ông Dupont cùng vợ đến nghỉ mát chỉ là che mắt thế gian và mắt... bà vợ, còn thực ra ông đến vì cô gái Cuba nọ. Mỗi lần ông tới, theo tín hiệu đã quy định, cô theo một trong hai đường hầm để vào biệt thự và ông Dupont đón rồi đưa lên một căn phòng cạnh phòng của... vợ ông.

Trong lúc bà vợ cả ghen ngồi chơi đàn thì ông Dupont hú hí với bồ. Hễ không nghe tiếng đàn nữa thì ông cảnh giác, còn nếu vẫn có âm thanh thánh thót thì cứ... vô tư đi.

Cho đến năm 1959, khi Cách mạng Cuba thành công thì ông Dupont cũng không bao giờ đến đấy nữa. Nghe nói gần đây, cháu chắt của ông Dupont sang Cuba đến thăm biệt thự này và họ vô cùng tự hào mối tình lãng mạn của ông mình.--PageBreak--

Phố ngắn nhất Lahabana và phố ngắn nhất… Hà Nội!

La Habana có một khu phố cổ nổi tiếng và đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Khu vực này gồm nhiều tuyến phố và có hàng trăm ngôi biệt thự, tòa nhà công sở được xây dựng từ cách đây hơn 300 năm. Khách du lịch đến Cuba, không ai là không một lần tới thăm khu phố cổ.

Từng ngôi nhà, con đường, từng gốc cây đều được bảo vệ nghiêm ngặt. Không một ai được phép sửa chữa, thay đổi hiện trạng ngôi nhà dù chỉ là sơn lại một cánh cửa, thậm chí đóng một cái đinh lên bức tường mặt phố, nếu như chưa được phép của ông Trưởng ban Bảo vệ  khu phố cổ.

Ông trưởng ban này là một nhà sử học, trong tay ông có lý lịch  và báo cáo đánh giá chất lượng từng ngôi nhà. Ở La Habana có hai người “quyền uy tuyệt đối”, đó là Kiến trúc sư Trưởng thành phố và ông Trưởng ban Bảo vệ khu phố cổ.

Văn phòng Kiến trúc sư Trưởng có một sa bàn lớn rộng đến gần 100m2. Trên sa bàn thể hiện một cách cực kỳ chi tiết thủ đô La Habana. Mỗi gốc cây, mỗi căn nhà đều có mô hình trên sa bàn theo tỉ lệ đã thu nhỏ.

Khi ai đó cần xây nhà mới thì phải mang bản vẽ thiết kế cùng mô hình ngôi nhà mới tới... Ông Kiến trúc sư Trưởng sẽ nhấc căn nhà cũ ra khỏi sa bàn và đặt mô hình nhà mới vào. Nếu phù hợp với cảnh quan thì sẽ cấp phép xây dựng, còn nếu không, về thiết kế lại. 8 năm trước,  Chính phủ Cuba cấp phép cho một tập đoàn  du lịch lớn của Trung Quốc xây dựng một khách sạn trên khoảng đất 5 hécta ở gần khu Trung tâm Hội nghị quốc gia.

Mặc dù chưa có thiết kế, nhưng khi sang thăm Cuba, Chủ tịch Giang Trạch Dân cùng Chủ tịch Fidel Castro đã làm lễ động thổ xây dựng khách sạn này. Sau đó, thiết kế khách sạn được đưa lên Kiến trúc sư Trưởng nhưng không được duyệt. Lần thứ hai đưa lên cũng không được duyệt... và thế là cho tới nay, khu đất đó vẫn để không? Không một quan chức chính quyền nào được phép can thiệp vào quyết định của Kiến trúc sư Trưởng.

Phố Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Trước khi sang Cuba, trong tôi vẫn nghĩ rằng trên thế giới, phố ngắn nhất chắc là phố Hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội. Phố này nối từ Đinh Tiên Hoàng sang phố Cầu Gỗ với độ dài là... 47 bước chân và tuy không nổi tiếng vì phố ngắn nhưng lại được nhiều người biết đến với món nộm thịt bò khô. Phố ngắn là vậy, nhưng dày đặc cửa hàng bán đồ lưu niệm và có 3 cửa hàng bán nộm, nem tai và vỉa hè thì cũng bị lấn chiếm bởi hai hàng nộm gánh.

Nhưng tại khu phố cổ ở La Habana, còn có một phố cực ngắn mang tên Calle Enna. Tôi bước sải trên phố và đếm được đúng... 30 bước. Như vậy là phố này chỉ dài khoảng trên dưới... 20m. Tại phố Calle Enna có một nhà hàng nhỏ và hai tòa nhà, còn một bên là tường của tòa nhà Hải quan.

 

Phố Calle Enna (Lahabana).

Phố  Calle Enna vắng ngắt và vôi ve trên những bức tường loang lổ màu thời gian... Dường như từ 300 năm nay, phố chẳng có gì thay đổi. Không hiểu trên thế giới có phố nào ngắn hơn nữa không. Bạn đọc nào biết, xin cho chúng tôi hay.

Trong khu phố cổ ở La Habana có một bức tượng đồng kỳ lạ tên  là Bá tước thành Paris. Người được đúc tượng này chẳng phải là danh nhân hay vĩ nhân mà chỉ là một người điên. Không ai biết tên ông là gì? Quê quán nơi nào... Mọi người chỉ biết có một người bị tâm thần sống ở đây từ đầu những năm 30 của thế kỷ trước.

Bức tượng "Bá tước thành Paris".

Ông ta tự xưng là “Bá tước thành Paris”. Với ai ông cũng vui vẻ và nếu là người lạ, chưa thuộc đường, ông sẵn sàng chỉ dẫn. Thỉnh thoảng, ông nghêu ngao hát những bài hát Pháp  hoặc luôn miệng “bonjour” hay “çava biên” với du khách. Người dân ở khu phố cổ tự động nuôi ông và cho ông ngủ nhờ.

Đến năm 1950, ông qua đời. Khu phố cổ tự nhiên như buồn đi vì thiếu bóng “Bá tước thành Paris”. Thế rồi dường như “chịu không nổi” sự vắng mặt của ông, người dân khu phố bèn góp tiền lại, đúc một tượng đồng bằng đúng kích cỡ người thật và dựng ngay trên vỉa hè.

Rồi người ta bảo rằng, nếu ai có chuyện buồn phiền hoặc ước muốn một điều gì đấy thì hãy tới, tay phải sờ chòm râu của ông, tay trái nắm lấy ngón tay ông và thầm thì vào tai ông  lời cầu nguyện... Bây giờ thì chòm râu và ngón tay của ông sáng bóng lên vì luôn có người đến “tâm sự”.

Đến khu phố cổ ở La Habana, tôi cứ chạnh lòng nghĩ đến phố cổ Hà Nội đang mai một, đang biến sắc dần theo thời gian

.
.