Tảo hôn - Thủ tục truyền đời ở Ấn Độ

Chủ Nhật, 25/04/2010, 20:50
Với Nirmala, một bé gái 9 tuổi kháu khỉnh, hôm nay là một ngày trọng đại: Nirmala sẽ lấy cậu bé Santos 6 tuổi.

Chúng ta đang ở Rahjastan, một tỉnh thuộc bang Tây Ấn, một nơi luôn hấp dẫn du khách khắp thế giới bởi vẻ đẹp hoang sơ trinh nguyên của mình. Nhưng với người nước ngoài, cảnh sát nhà nước mặc sắc phục, cũng như các giới đại diện cho pháp luật chính thống thì... chớ nên bén mảng tới những đám cưới tảo hôn kiểu này. Thay vì sự tiếp đón nồng nhiệt, họ có thể bị những trận "mưa đá" sứt đầu mẻ trán như chơi.

"Các đám cưới trẻ em hàng năm, chỉ tính riêng ở Rahjastan đã lên tới cả trăm nghìn. Bất chấp tệ tảo hôn chính thức bị cấm tại Ấn Độ, ai vi phạm có thể bị kết án và tống vào tù. Nhưng với cư dân ở tỉnh này, nhất là những người nông dân, tập tục cổ truyền luôn có tiếng nói mạnh hơn là luật pháp hiện đại. Kinh tế càng khó khăn, các tập tục lại càng nảy nở...", người phát ngôn Bộ Nội vụ bang Tây Ấn cho biết.

Đối với cha cô dâu, đám cưới thật là tốn kém. Bởi ngoài những khoản chi khác, ông phải trả cho cha mẹ chú rể một khoản tiền hồi môn không nhỏ. Bé gái càng lớn bao nhiêu, lượng tiền cũng tăng lên tương ứng bấy nhiêu. Điều này lý giải nhiều bậc cha mẹ đã gả con ngay lúc mới thôi nôi, nhằm tiết kiệm tiền hồi môn. Ngoài ra là số miệng ăn trong nhà sẽ bớt đi được một "chiếc tàu há mồm", sau khi cô dâu về ở hẳn bên nhà chồng.

Với gia đình chú rể, lối tính toán suy nghĩ hoàn toàn ngược lại: thêm một người phụ nữ trong nhà là thêm một nhân lực lao động chính trong công việc đồng áng cũng như nội trợ. Và hơn nữa: thêm một cỗ "máy đẻ" nhằm phát huy giống nòi. Ở đây từ bao đời nay, người ta luôn thích có con trai hơn là con gái, bởi sẽ tránh được những khoản hồi môn tốn kém kể trên.

Điều mà bé Nirmala không hề biết, rằng chức danh "nàng dâu" đã biến em thành một thứ "nô lệ mới". Kể từ đây, nhà chồng hoàn toàn có đặc quyền đối với em. Sau lễ cưới tượng trưng, cô dâu cũng như chú rể ai về nhà nấy, cùng sống với cha mẹ họ như thời gian trước đây. Nirmala sẽ sang ở hẳn nhà chồng khi bé được 12-13 tuổi theo quan niệm "nữ thập tam, nam thập lục". Không loại trừ khả năng bố chồng và các anh chồng "triệt để lợi dụng" thứ tập tục bất thành văn: họ có quyền ngủ với cô dâu trong đêm tân hôn, trước khi tới lượt người chồng chính thức.

Còn nếu như xảy ra trường hợp chú rể đã chết hay đi vắng xa nhà trong một thời gian dài, thì cô dâu mặc nhiên được trao cho một thành viên khác thuộc gia đình chồng "toàn quyền sử dụng" (!). Đây cũng là một nguyên nhân nữa của tục đa thê ở Ấn Độ.

Tục tảo hôn đã tồn tại hàng ngàn năm nay và không gì có thể thay đổi được. Chẳng có thứ tình yêu nào giữa các cặp kết hôn, thậm chí chúng còn chẳng biết mặt nhau nữa. Đơn giản chỉ là qua các ông tơ bà mối mà thôi. Người ta ước tính phân nửa số trẻ em dưới 14 tuổi ở Rahjastan đã đính hôn theo kiểu này.

Thiếu nữ chỉ có thể sống tạm gọi là hạnh phúc với người chồng đã cưới từ hồi nhỏ, với điều kiện tiên quyết rằng cha mẹ cô trả đủ khoản tiền hồi môn như đã thỏa thuận. Nhiều gia đình quá khó khăn, không trang trải nổi "món nợ không vay" này, cho dù họ đã cố sức dành dụm trả trong suốt 10 năm ròng. Lúc đó, ông bà sui gia có quyền tuyên bố chấm dứt mối quan hệ, nhiều khi họ thủ tiêu luôn cô con dâu đáng thương (?!).

Những hủ tục nặng nề ở Rahjastan vẫn ngang nhiên tồn tại, thân phận người phụ nữ nơi đây chẳng biết bao giờ mới có được sự tự do bình quyền thật sự

Trần Quang Long (theo VSD)
.
.