Tháp chọc trời mái xanh thân thiện môi trường

Thứ Ba, 28/06/2011, 04:10

Flat Tower
Thiết kế của tập thể 3 người Yoann Mescam, Paul-Eric Schirr-Bonnans và Xavier Schirr-Bonnans, tháp vòm khổng lồ Flat Tower có bề ngang 800m. Phần mái công trình giống như ngọn đồi là không gian cho hệ thống panel mặt trời. Tháp được thiết kế với hệ thống thu thập nước mưa để tái chế và sử dụng.

Tháp liên hợp ngân hàng Chinatrust (ảnh 1)

Trụ sở Chinatrust Bank là hình ảnh mới nhất hưởng ứng cuộc cách mạng xanh của Đài Loan. Khu liên hợp được xây dựng trên khoảng đất bao bọc cây xanh, với phần nóc cũng được phủ toàn bộ một màu xanh và mặt tiền trông ra khoảng không gian công viên trung tâm.

Tòa nhà chung cư xanh (ảnh 2)

Kiến trúc sư Brazil Felipe Campolina nổi bật với thiết kế độc đáo thân thiện môi trường - chung cư xanh Portability Skyscraper. Mỗi tầng là cấu trúc khung thép tiêu chuẩn OSB bảo đảm cách âm và nhiệt. Số yếu tố đáng kể khác là cửa sổ kính, tường và mái phủ cây xanh, và toàn bộ chung cư dùng nước tái sử dụng.

Tháp xanh Mumbai (ảnh 3)

Đến với thành phố ô nhiễm Mumbai của Ấn Độ, công ty thiết kế xây dựng Mỹ Perkins Eastman tham gia cuộc thi tháp chọc trời Kohinoor. Công ty giới thiệu 2 mẫu thiết kế tòa tháp khác nhau mang lại hình ảnh thân thiện môi trường cho thành phố trong tương lai.

Ngoại ô trong thành phố (ảnh 4)

Thiết kế ấn tượng của Công ty Tây Ban Nha Nabito Architects. Điểm khác biệt của tháp chọc trời là phần mái trồng cây xanh tạo môi trường như tự nhiên. Tòa nhà cũng được gọi là "Stairscraper", hay "nhà chọc trời bậc thang", cung cấp không gian sống như ngoại ô giữa thành thị náo nhiệt và bụi bặm.

Fusionopolis (ảnh 5)

Tòa nhà xanh Fusionopolis của Singapore là thiết kế của Ken Yeang, kiến trúc sư Anh gốc Malaysia. Hứa hẹn là tòa nhà thân thiện môi trường nhất Singapore, Fusionopolis sẽ là công trình phủ thảm xanh từ trên xuống dưới. Khi việc xây dựng hoàn thành, tòa nhà sẽ có 15 tầng và cao 1.400m.

Tòa nhà xanh cao nhất nước Mỹ (ảnh 6)

Tòa nhà cao nhất nước Mỹ, Willis Tower ở Chiacago, đang trong giai đoạn phủ xanh và tái kết cấu thân thiện với môi trường. Các turbine gió, mái phủ cây xanh và panel kính mặt trời được lắp ghép để giảm mức tiêu thụ điện xuống 80% và nước xuống 40%. Cuối cùng, Willis Tower 110 tầng này sẽ trở thành nông trại mặt trời thẳng đứng của nước Mỹ. Dự án cải tạo xanh trị giá 250 triệu USD, hoàn thành trong 5 năm và tạo được 3.600 việc làm.

Hyper-Tower (ảnh 7)

Là thiết kế của kiến trúc sư người Pháp Jaubert. Hyper-Tower bao gồm khu dân cư, các trung tâm thương mại và thể thao. Là tháp đôi với công viên cây xanh bắt đầu từ tầng nền và kết thúc với tầng mái là sân bóng đá.

Sky-Terra (ảnh 8)

Nhà thiết kế Mỹ Joanna Borek-Clement nảy ra ý tưởng xây dựng tháp chọc trời gọi là Sky-Terra nối liền nhiều tháp xanh lại với nhau trông tựa như chùm tế bào thần kinh. Cấu trúc bao gồm nhiều công viên, nhà hát lớn, sân bóng đá, hồ bơi và nhà tắm công cộng. Phần mái của Sky-Terra sẽ là không gian cho cây xanh

Di An (tổng hợp)
.
.