Thế giới động vật, những điều kỳ thú

Thứ Năm, 24/08/2006, 08:00

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Luân Đôn và Viện Max-Planck ngành Sinh Lý Học đã thực hiện một cuộc thử nghiệm khá lạ đời: cho những con chim nghe nhạc mạnh. Kết quả là những con chim này đã đẻ những quả trứng to hơn bình thường. Thậm chí, nhạc càng giật mạnh, trứng càng to. Và nếu trứng càng to thì xác suất để đẻ ra chim trống càng nhiều hơn.

Nhạc mạnh là những tiếng ríu rít rất nhanh, những âm rất khó hót của các con chim trống. Nếu được nghe những âm thanh ríu rít dậm dật càng nhiều thì các con chim mái không những đẻ trứng to hơn mà với nhiều loài chim, các con chim mái còn có khuynh hướng chăm sóc những chim con kỹ lưỡng hơn, tận tình hơn.

Đặc biệt là những con chim bạch yến khi đang nghe nhạc dậm dật, những con chim yến mái lại thêm màn biểu diễn những tư thế như đang phối hợp với một con chim đực, mặc dù không có con chim đực nào kề bên.

Chuột mẹ chạy bộ nhiều sinh chuột con thông minh

Chạy bộ có thể gây ảnh hưởng tốt cho việc phát triển não bộ, đó là kết quả thu được khi các nhà nghiên cứu về não bộ tại trung tâm nghiên cứu Max-Delbruck-Centrums làm thí nghiệm quan sát các bà mẹ chuột đang mang bầu. Kết quả cho thấy bà bầu chuột nào thích chạy trên bánh xe quay tròn thì con cái khi sinh ra trong não có số tế bào thần kinh nhiều hơn 40% so với những con chuột con có mẹ lúc mang bầu làm biếng không thích chạy. Số tế bào thần kinh tập trung trong phần được gọi là Hippocampus. Đây là vùng não quan trọng đối với trí nhớ.

Những tiếng hú đặc biệt để báo động của loài khỉ

Từ trước đến nay, chúng ta vẫn tưởng chỉ có loài người mới có khả năng phân biệt những tiếng kêu gào để nhận biết mỗi khi gặp cơn nguy khốn. Thật ra, loài khỉ khi nghe những tiếng hú hay kêu la của đồng loại cũng có thể hiểu được sự báo động cho nhau, mỗi khi gặp sự nguy hiểm trên không cũng như ở dưới đất. Đặc biệt, loài khỉ mèo biển còn có thể sử dụng ngôn ngữ của chúng thần kỳ hơn nữa mỗi khi gặp hiểm nguy trước những con hổ, báo hay đại bàng. Nguy hiểm dưới đất thì hú khác, mà nguy hiểm từ không trung lại có âm hưởng khác và lạ lùng là bọn chúng nhận biết được sự khác biệt này.

Tạp chí Nature số ra gần đây đã tường trình kết quả cuộc nghiên cứu của Klaus Zuberbuhler và Kate Arnold thuộc Đại học St.Andrews, Anh. Sau khi thu những tiếng kêu la của loài khỉ mèo biển mũi trắng sinh sống tại vùng hoang dã Phi châu, hai chuyên gia còn ghi nhận cả những phản ứng khác biệt của loài khỉ nghe được những tiếng kêu báo động của đồng loại trước những tiếng hổ gầm giả dạng phát ra từ máy thu thanh.

Cuộc thử nghiệm được thực hiện với 17 nhóm khỉ. Khi cho nghe những âm thanh giả dạng tiếng gầm gừ của một con hổ, ngay lập tức những con khỉ mèo biển mũi trắng trong 9 nhóm khỉ đã hú lên những tiếng đặc biệt báo động có hổ và tiếp sau đó là những tiếng hú có những âm hưởng khác (có lẽ để báo động có đại bàng) và những con khỉ trong 9 nhóm này đã chạy tán loạn. Trong khi những nhóm khỉ còn lại vì chỉ nghe những con đầu đàn hú một thứ tiếng nên không lấy gì là hoảng hốt lắm.

Kỷ luật bay theo đàn của cào cào, châu chấu

Làm thế nào để biết mà bay, mà di chuyển cùng một tốc độ, cùng một hướng, chứ không lạc hàng hay tan bầy? Các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu động vật nói chung và các con cào cào châu chấu nói riêng, loài vật đã thông tin cho nhau như thế nào khi di chuyển từng bầy, từng đàn.

Qua một số cuộc nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy với số lượng 12 con châu chấu trong một phạm vi 1m2, chúng chỉ bay một cách rời rạc, không theo cùng một hướng nhất định. Trái lại, với từ 24 đến 60 con / trong phạm vi 1m2, những con châu chấu thường bay thành một bầy có kỷ luật hơn, về cùng một hướng, tuy nhiên bầy châu chấu này vẫn có thể ... rã đám sau một khoảng thời gian nào đó. Nhưng với mật độ là hơn 70 con / trong 1m2, đàn châu chấu di chuyển hầu như luôn luôn cùng một hướng và chuyện bỗng dưng “chuyển hướng để tách khỏi bầy” rất ít khi xảy ra.

Cuộc thử nghiệm đã được các nhà nghiên cứu thực hiện bằng cách chụp 5 tấm hình/ mỗi giây và trong suốt 8 tiếng, những con châu chấu bay theo một đường tròn. Mục đích của cuộc nghiên cứu này, theo bản tường trình của Jerome Buhl (thuộc đại học Oxford) vừa được đăng trên tạp chí Science, là để tìm ra phương cách hữu hiệu diệt trừ nạn cào cào châu chấu phá hoại mùa màng, ví dụ như những con châu chấu thuộc họ Schistocerca gregaria. Các nhà nghiên cứu còn đưa ra đề nghị là nên tìm cách diệt trừ những con nhộng tí hon trước khi chúng trở thành châu chấu. Nếu không đủ số đông để họp thành một bầy, sẽ không có nạn châu chấu đáng sợ. Thậm chí, các nhà khoa học còn cho biết, những con châu chấu lẻ loi của các vùng khác nhau, cũng có thể họp nhau lại để kéo thành bầy đi phá hoại mùa màng, ăn sạch tất cả trên đường di chuyển của chúng.

Tình nghĩa thầy trò trong thế giới của loài kiến

Nigel Franks và Tom Richardson, hai nhà nghiên cứu người Anh vừa công bố trên tạp chí Nature rằng trong thế giới của những con kiến, họ đã nhận thấy cũng có một sự liên hệ, ràng buộc như giữa thầy và trò với nhau.

Những con kiến thầy dẫn đường cho các con kiến trò đến chỗ có thức ăn, và trên đường đi kiếm ăn, cả thầy lẫn trò đều tự động điều chỉnh vận tốc cho ăn khớp với nhau và các con kiến thầy luôn để ý đến những phản ứng thể hiện qua vận tốc di chuyển của các trò kiến.

Các nhà khoa học cho rằng những con kiến có một tương quan thầy trò hai chiều trực tiếp trong xã hội của chúng. Khi khảo sát lối cư xử giữa thầy trò với nhau của loại kiến Temnothorax-albipennis, các nhà khoa học rất ngạc nhiên khi khám phá ra rằng không những các thầy kiến biết điều chỉnh vận tốc di chuyển cho phù hợp với vận tốc bò của trò kiến mà các thầy-mặc dù sốt ruột-chỉ tiếp tục bò tới nếu các trò chạm nhẹ mấy cọng râu vào thân của các thầy đang bò phía trước. Lối di chuyển nối đuôi này cũng có điều bất lợi là, nếu không phải dẫn dắt trò kiến đang lò dò đi đằng sau, thầy kiến di chuyển một mình sẽ nhanh gấp 4 lần hơn để đi kiếm ăn. Với một não bộ nhỏ bé như thế, làm sao loài kiến có khả năng nhận thức tinh xảo như vậy? Điều này cho đến nay vẫn là một điều bí ẩn cho các nhà khoa học.

Sắp làm bố khỉ cũng lên cân

Phát biểu trên tạp chí chuyên khoa Biology Letters, các nhà nghiên cứu người Mỹ cho rằng ở hai loài khỉ Callithrix jacchus lông trắng và Saguinus oedipus, khi các cô vợ khỉ mang bầu sắp sinh, các anh chồng khỉ cũng mập lên vài ba kilô.

Hai giống khỉ này sống trong chế độ một vợ một chồng và các con khỉ cha thường nô đùa, chăm lo những con khỉ con nhiều hơn là những con khỉ mẹ. ở loài khỉ đực, sự lên cân này lại phần lớn là do sự thay đổi về hormones. Tony Ziegler và các cộng sự thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu động vật Linh Trưởng thuộc đại học Wisconsin, Mỹ, cũng ngạc nhiên khi thấy một vài con khỉ lông trắng đã bắt đầu “tích trữ mỡ” ngay khi cô vợ khỉ chỉ vừa mới có thai, chưa thấy rõ. Chỉ khi nào gần đến ngày sinh, cô vợ khỉ mới ì ạch nặng nề và lên cân.

Để giải thích hiện tượng lạ lùng này, các nhà khoa học đều cho rằng chức vụ làm cha của hai loài khỉ này khá gay go vất vả ngay sau khi chú khỉ con ra đời nên những con khỉ cha phải “chuẩn bị” trước từ sớm càng tốt

Giang Khuê (Tổng hợp)
.
.