Thị trường mang thai hộ trên thế giới

Thứ Sáu, 02/02/2007, 11:00
Ở một số nước, nhất là ở Mỹ có rất nhiều phụ nữ đã chọn cách mang thai hộ để có tiền sinh sống. Có nước không thừa nhận việc này, nhưng ở một số bang tại Mỹ cho là hợp pháp.

“Xin chào, tôi tên là Emilie, tôi 21 tuổi, tôi đã kết hôn và có ba đứa con. Tôi viết lên đây để khẳng định ý muốn trở thành bà mẹ mang thai hộ. Tôi biết rằng điều đó là bất hợp pháp ở Pháp. Điều quan trọng là tôi không hiến noãn, tôi chỉ có thể mang thai ĐỨA CON của bà. Nếu điều này khiến bà quan tâm, tôi chờ được hồi âm”. Mẩu quảng cáo được gửi lên trang web gyneweb.fr chuyên về sức khỏe phụ nữ.

Còn Linda - một phụ nữ 28 tuổi, nhận thấy nỗi đau không thể mang thai của người chị dâu vì vô sinh. “Tôi muốn giúp chị ấy, tôi đã nghĩ đến việc mang thai hộ chị ấy nhưng bạn trai tôi phản đối”, cô nhớ lại. Sau đó, người chị đã có một đứa con, còn Linda thì vẫn độc thân. Thông qua Internet, cô đã gặp hai vợ chồng Lucie. “Họ là những người đầu tiên đáp lại mẩu quảng cáo của tôi. Chúng tôi nhanh chóng liên hệ với nhau và đã cùng làm quen trong một kỳ nghỉ cuối tuần”.

Tất cả diễn ra nhanh chóng. Ba người chọn nước Anh là nơi thực hiện việc thụ thai. Lucie trải qua một đợt điều trị kích thích rụng trứng sau đó có mặt tại London để hút noãn bào. “22 trong số 32 noãn bào của tôi đã được thụ tinh. 10 trong số những phôi thai đã hỏng. 2 phôi được cấy vào bụng Linda tháng 4/2005” nhưng không giữ được - Linda bị sẩy thai. Vào tháng 11, 2 phôi thai khác được cấy tiếp... Một trong 2 phôi thai đã sống sót.

Linda không sợ mình sẽ quyến luyến với đứa bé. Với cô, mọi thứ đều rõ ràng: “Đó không phải là con tôi”. Khi đứa bé ra đời, người bố đã đến nhận còn Linda thì từ chối các quyền làm mẹ của mình. Về khía cạnh tiền bạc, cặp vợ chồng người Bỉ đã trả cho “vú em” 15.000 euro. “Không có chuyện mặc cả và thương lượng. Tôi tin rằng khoản tiền đó là đã quá cao”, Linda giải thích.

Kể từ năm 1994, loại dịch vụ này là bất hợp pháp tại Pháp. Tuy nhiên khắp nơi trên quốc gia này, rất nhiều phụ nữ sẵn sàng cho... mượn bụng. Nhu cầu là rất lớn, nhất là ở những cặp vợ chồng có vợ bị trục trặc đường sinh sản. Họ có thể thụ thai nhưng không thể mang con trong bụng.

Cathy - một phụ nữ 30 tuổi, bị mắc một hội chứng đặc biệt là thiếu tử cung và âm đạo. Năm 15 tuổi, cô đã biết chuyện và được phẫu thuật tạo âm đạo năm 18 tuổi. Ngày nay, ít nhất là về lý thuyết cô cũng có thể quan hệ tình dục như mọi người phụ nữ khác nhưng không bao giờ có thể mang thai được.

Khi cô thổ lộ ý định có con, các bác sĩ gợi ý giải pháp tìm người mang thai hộ. Lúc bấy giờ, việc này vẫn được cho phép, nhưng rồi bị cấm sau đó. Cathy và chồng đến Canada rồi sang Mỹ. “Chúng tôi liên hệ với một hãng môi giới. Họ đã cho chúng tôi những thông tin về một "vú em". Chúng tôi đã trao đổi một vài e-mail sau đó hẹn gặp và mọi chuyện diễn ra tốt đẹp. Nhưng khi trở về Paris, hãng môi giới cho chúng tôi biết rằng người phụ nữ đó đã quyết định từ bỏ ý định”.

Sau nhiều tuần, Cathy hiểu rằng bản danh sách các “vú em” của hãng kia là dối trá. “Những người mà tôi liên hệ thì thường bận bịu và không muốn mang thai thêm”. Cathy và chồng đã phải trả cho hãng này 6.000 USD. “Cuối cùng, chúng tôi đã để địa chỉ trên một forum của Mỹ giải thích về hoàn cảnh của mình”. Và đã có người trả lời. “Một y tá 40 tuổi, 2 con”.

Cathy liên hệ với luật sư để dàn xếp vấn đề tài chính. Nó dựa trên bảng giá của các hãng môi giới. “18.000 USD cho một đứa trẻ, 23.000 USD cho hai đứa”. Sau khi mặc cả, giá chỉ còn lại 15.000 USD và 20.000USD. Tuy nhiên, vì người phụ nữ nhận mang thai hộ bị dị ứng với thuốc nên Cathy phải tìm đến một “vú em” khác sau ba lần thử mà không thành công.

Với Sandra, 28 tuổi, mọi chuyện có vẻ tốt đẹp hơn. Thoạt đầu, hai vợ chồng cô định nhận con nuôi. Tuy nhiên sau 5 năm vẫn chưa có tin tức gì mới. Cách đây vài năm, họ mua một chiếc máy tính và thức trắng nhiều đêm để tìm kiếm những thông tin trên mạng.

Sandra liên hệ với một công ty môi giới Canada. Cô gửi cho họ hồ sơ và bắt đầu liên lạc với một bà mẹ đã có 6 đứa con, đang muốn mang thai giúp một cặp vợ chồng vô sinh nào đó. Việc thụ tinh ống nghiệm đã diễn ra với 3 phôi thai được hình thành. Một trong 3 phôi thai đó sống sót. Tháng 7/2006, bé gái Lila đã ra đời.  Sau chín tháng được “vú em” chăm sóc, bé sẽ được trao lại cho bố mẹ đẻ của mình.

Nếu Sandra và chồng là người Pháp thì con gái họ, bé Lila lại mang quốc tịch Canada. Bố mẹ của cô bé không yêu cầu viết lại bản khai sinh, “để không bị chối bỏ”, mẹ cô bé giải thích. “Nước Pháp áp dụng nguyên tắc quyền lãnh thổ: một người được sinh ra tại nước ngoài theo thỏa thuận của luật pháp một nước thì sẽ không bị trừng phạt tại Pháp”. Nhưng kể từ năm 2001, các cố vấn chính phủ đã tỏ ra lo ngại về một vụ mang thai hộ và không chuyển giấy tờ khai sinh. Hậu quả là tại Pháp, tất cả những đứa trẻ có cha mẹ là người Pháp sinh ra tại nước ngoài và không cư trú tại Pháp sẽ gặp rắc rối.

Theo Maie, tổ chức đã giúp gần 500 cặp vợ chồng vô sinh, hàng năm có khoảng 200 - 400 cặp vợ chồng đến Mỹ để nhờ mang thai hộ. Còn các thành viên của Maie thì giúp họ có được quyền nhờ mang thai. Một trong số các điều kiện bắt buộc với một cặp vợ chồng muốn có con là tình trạng vô sinh phải được xác nhận về mặt y tế. Không có chuyện mang thai hộ do ý thích. Người mang thai phải ở độ tuổi thành niên và ít nhất đã có 1 đứa con.

Tại Đức, Italia, Bồ Đào Nha hay Thụy Sĩ, biện pháp mang thai hộ cũng bị cấm. Tại Hy Lạp, Ấn Độ, Nga và Canada, sinh con thay thế là được phép.

Cũng vậy tại Anh, nơi mà mang thai hộ được đặt trong diện kiểm soát nghiêm ngặt bởi luật pháp Anh nghiêm cấm một hãng, thương mại hay không, tuyển chọn các bà mẹ mang thai hộ: các cặp vợ chồng phải tự tìm lấy người sẵn sàng giúp đỡ họ.

Còn ở Mỹ, biện pháp này là hợp pháp trong hầu hết các bang. Các bà mẹ mang thai hộ được trả công sòng phẳng (thường là khoảng 15.000 euro) thông qua hãng môi giới. Kể từ 30 năm nay, người ta ước tính có khoảng 23.000 em bé ra đời từ việc mang thai hộ tại Mỹ. Có 20 - 30% bố mẹ của 1.500 em bé ra đời hàng năm nhờ biện pháp đó là công dân của Liên minh châu Âu

Thục Anh (theo Paris Match)
.
.