Trào lưu “ở ẩn” trên cây

Thứ Ba, 06/02/2018, 11:00
Nhà trên cây (Treehouses) đang là một "cơn sốt" thịnh hành trong giới trẻ Mỹ. Một lối sống đậm chất phiêu lưu đầy cuốn hút; đồng thời cũng lột tả hết "phong cách quả cảm sành điệu toát ra từ mỗi cá nhân", như giới đệ tử của kiểu cư ngụ giữa lưng chừng trời này thường khẳng định.

Với ông Pete Nelson 56 tuổi, người nổi tiếng qua biệt danh "Mister Treehouses" (Ngài trên cây) thì việc giúp mọi người tái tạo lại "sở thích thơ trẻ" là mục đích duy nhất của ông. Ông nổi danh khắp Mỹ quốc như là người có bề dày sống trên cây kỳ cựu nhất.

P. Nelson từng ngang dọc khắp nước Mỹ, tự tay thiết kế và thi công vô số kiểu nhà giữa lưng chừng trời, thỏa mãn những tiêu chí "ở ẩn" khác nhau. Một tỉ phú người Boston từng dự định xây cất tòa biệt thự cách biệt ngoài đảo Vancouver, rồi lại đổi ý quay qua cậy cục "Ngài trên cây" hoàn thiện quần thể nhà gỗ bán nguyệt trong rừng sâu; một chàng chăn hươu ở Alaska nhờ P.  Nelson dựng hộ nếp chòi ấm cúng trên độ cao an toàn…

Trong khuôn khổ cuộc thám hiểm môi sinh quy mô quốc tế được tổ chức tại vùng phía bắc tiểu bang California, Pete Nelson đã được mời vào ban hậu cần, chuyên nhiệm vụ lo chỗ ở qua đêm thuận tiện cho cả đoàn giữa điều kiện thời tiết sa mạc cực kỳ khắc nghiệt. Nhằm lôi cuốn giới thị dân đến với sự nghiệp kiến tạo của mình, người thợ mộc đầy nhiệt huyết P. Nelson đã tự tay viết cuốn sách mang tựa đề "House among the trees" (Những căn nhà giữa các lùm cây), được liệt vào dạng best-seller.

Rồi thì Liên đoàn thế giới những người sở hữu nhà trên cây cũng đã ra đời, đăng ký như một tổ chức hội đoàn chính thức với tôn chỉ điều lệ cụ thể.

Chủ tịch của Liên đoàn "lạ hoắc" nói trên là ông Michael Garnier 63 tuổi, từng là thành viên tích cực của phong trào Hippy rồi thành nhà kinh doanh thành đạt giữa vùng phía nam tiểu bang Oregon heo hút qua hệ thống nhà cho thuê, được dựng công phu trên các tán cây sồi cổ thụ. "Người rừng Tarzan cũng sở hữu nhà trên cây - Chủ tịch M. Garnier hào hứng khoe với các du khách hiếu kỳ - Đó mới chính là biểu tượng thiết thực về quyền tự do, chưa kể đung đưa mơn trớn bởi gió vi vu thổi suốt đêm. Thật nên thơ hết sức…".

Nhưng giới hữu trách địa phương chỉ cho phép Garnier tiếp đón bạn bè trong vòng hạn hẹp, tuyệt đối cấm việc cho khách thập phương ngụ qua đêm tại những chốn "đầy mộng mơ" ấy. Người ta sợ tai nạn bất chợt xảy đến với du khách, ảnh hưởng tới uy tín bấy lâu của cả khu vực nam Oregon về phương diện an ninh dã ngoại.

Thật ra để dựng được một căn nhà gỗ "xoàng xĩnh" trên cây đâu có rẻ, chí ít bạn phải có trong tay chừng 15.000 USD. Còn nếu muốn có thêm điện nước đầy đủ cùng trang bị nội thất tạm được, phải chi tới 40.000 USD.

Do kiểu nhà này thường tọa lạc tại những khu vực cách trở, đòi hỏi phải có máy phát điện, hệ thống khoan lọc nước, cũng như xử lý chất thải riêng biệt. Còn chọn lưng chừng cây nào làm mặt bằng thi công lắp đặt, đương nhiên phải qua sự chấp thuận trước của những con mắt nhà nghề như P. Nelson hoặc M. Garnier, để bất cứ công trình có người cư ngụ nào cho dù luôn "đung đưa" giữa các ngọn cây, vẫn có thể trụ được với thời gian.

Nhiều vĩ nhân trong lịch sử rất thích lối sống - tiêu khiển trên cây, điển hình là Hoàng đế La Mã lừng danh Caligula (12-41) từng cho dựng Cung yến tiệc đồ sộ, nằm lọt thỏm giữa các cành nhánh rậm rạp thuộc một cây ngô đồng cổ thụ trong vườn thượng uyển. Nhiều căn nhà dựng trên cành cao cũng xuất hiện trong các bức kiệt tác của 2 danh họa nức tiếng người Hà Lan thời Phục Hưng: Hieronymus Bosch (1450-1516) và Pieter Bruegel (1525-1569).

Nhưng khởi điểm của lối kiến trúc bằng gỗ trên cao này không phải là những phát kiến của người da trắng. Vị thuyền trưởng kiêm nhà thám hiểm địa lý huyền thoại người Anh James Cook (1728-1779) từng khám phá, rằng nhiều bộ lạc cư ngụ dọc các hòn đảo phía nam đường xích đạo thuộc Thái Bình Dương luôn làm nhà trên các tán cây. Tại đảo quốc New Guinea bây giờ, những căn nhà tương tự được trân trọng lưu giữ như là hệ thống pháo đài phòng thủ - chứng tích về một thuở hào hùng oanh liệt đã qua. Từ thời cha ông họ khi có kẻ thù xâm nhập, mọi người trèo hết lên cố thủ trong các pháo đài "khó với" trên cao.

Trong khi đối phương bên dưới ra sức đốn ngã các gốc cây cổ thụ, thì thổ dân chống trả bằng cung nỏ và gạch đá vãi xuống. Thậm chí ngay cả một vài bộ tộc bản địa New Guinea trong chốn thâm sơn cùng cốc ngày nay chẳng hạn, vẫn chỉ cư ngụ trên các lều gỗ cao chót vót giữa rừng sâu, nhằm phòng ngừa mọi bất trắc…

Có một chi tiết nhỏ mà "Ngài trên cây" Pete Nelson không hé môi cho ai biết, rằng đích thân ông lại không sở hữu bất kỳ căn nhà trên cây "sành điệu" nào! Do bà Judy vợ của ngài trên cây mắc chứng sợ độ cao, nên ông chỉ tự hài lòng qua văn phòng riêng nằm cách mặt đất gần 3m  - dựa vào thân của 4 cây thông khẳng khiu trong vườn nhà.

Ở đấy P. Nelson ngồi làm việc bên máy vi tính, hay đứng thư giãn cùng cốc bia lạnh trên tay ngoài chiếc ban công bé xíu chìa ra… Từ "văn phòng lưng chừng trời" của mình, ngài trên cây Pete tha hồ thả tâm hồn chu du đây đó, tạo cho ông thứ cảm giác là một bộ phận không thể tách rời - trong thế giới còn lại thuộc quần thể liên hoàn những ngôi nhà trên cây.

Thu Hường (theo National Geographic)
.
.