Tục phơi xác trước khi chôn ở cao nguyên Bolaven

Thứ Ba, 26/11/2019, 15:09
Nếu có một thiên đường đang tồn tại cho người hút thuốc lá thì đó chỉ có thể là cao nguyên Bolaven xứ Lào. Nơi đây thuốc lá là đầu câu chuyện, kế đó là cái quan tài. Cao nguyên Bolaven xứ Lào là nơi đang tồn tại những tín ngưỡng dân gian kỳ lạ và bị xem là cấm kỵ đối với văn hóa hiện đại.

“Người quan tài”

Tại một trong những túp lều nằm dọc theo con đường thôn quê đất đỏ dẫn tới ngôi làng nhỏ bé Ban Ko Phoung ở miền Nam đất nước Lào, có một người đàn ông đang dùng rìu khoét một thân cây. Ông ta đang tự mình làm ra một cái quan tài vừa vặn thân mình để có thể nằm vào đó một khi tắt hơi. Khi cảm thấy ruột quan tài đủ rộng, người đàn ông đặt cái rìu một bên thân cây và bò vào trong quan tài theo một cách mà ông ta gọi là “thẩm tra” - cỗ quan tài có thể xem như một cái áo khoác mới của người đàn ông.

Khi vừa nằm xuống, cảm thấy phần không gian ở vai quá chật, ông ta lại bò ra và đẽo thêm vài lát gỗ cho vừa vặn. Ông ta kiên trì đẽo gọt “căn nhà vĩnh hằng” của mình liên tục cho đến khi thỏa mãn với kết quả cuối cùng.

Xác chết được đặt trong quan tài trên mặt đất để đón thân nhân tới cho quà. Ảnh: Pascale Pinay/Lobo Press.

Lúc nằm xuống quan tài và vặn vẹo vai để thử cảm giác thoải mái, người đàn ông đã thấy bập thêm một điếu thuốc khác. Nếu Marlboro Man (người đàn ông đã chết vì chứng bệnh ung thư phổi cách đây nhiều năm) có lên được thiên đàng thì có vẻ ở đây sự tình cũng tương tự như vậy. “Hậu duệ” của Marlboro Man đang hiện hữu bằng xương bằng thịt.

Người đàn ông đẽo quan tài trạc tuổi 36 và ở làng Ban Ko Phoung, nếu bỏ qua 1 năm chào đời thì 35 năm còn lại ông ta đã làm bạn với khói thuốc trắng. Hai bộ lạc Kha Loum và Alak định cư lâu năm ở cao nguyên Bolaven nổi tiếng với việc hút thuốc lá và cũng nổi tiếng với những chiếc quan tài. Chớ có cười, đó là quan tài của chính họ! Thực vậy, họ được đặt biệt danh là “Người quan tài”.

Có nhiều chiếc quan tài xếp chồng lên nhau dưới mỗi mái nhà. Bằng cách đếm số lượng quan tài, người lạ có thể biết chắc trong nhà đang có bao nhiêu người. Những quan tài có đủ hình dáng, kích thước, Người các bộ lạc phải thường xuyên đẽo những cỗ quan tài mới; trong một thế giới chỉ có dùng nước thuốc lá làm thuốc chữa bệnh và tiếng thì thào của các thầy mo thì tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh lại đặc biệt cao.

Như những vùng khác ở Đông Nam Á, người bộ lạc ở cao nguyên Bolaven thường an táng người chết cùng ngày họ qua đời. Vì không có ai buôn bán quan tài nên người sống phải tự chuẩn bị trước cho mình một cái. Có 7 hoặc 8 ngôi làng trên cao nguyên Bolaven đang có người bộ lạc Alak và Kha Loum sinh sống. Họ hút thuốc lá bất kỳ đâu, bất kỳ khi nào, không hề có ngoại lệ.

“Người quan tài” đang hì hục đẽo “căn nhà vĩnh hằng” cho mình. Ảnh: Pascale Pinay/Lobo Press.

Kỳ quặc chuyện an táng

Ngay cả chuyện an táng cũng quá ư là khác thường: người chết không được chôn. Những cỗ quan tài được đặt dưới mái tôn, xác chết nằm trong quan tài không có nắp đậy và giữ như thế suốt 6 tháng đầu tiên. Người quá cố được cho mang theo tài sản (mà lúc sinh thời họ đã có) sang thế giới bên kia và không thể thiếu được chiếc điếu cày nhét đầy sợi thuốc lá. Nếu người quá cố có ít tiền, họ có thể mang theo một tút thuốc lá Marlboro để “khoe” với chiến hữu ở thế giới bên kia.

Để chắc chắn rằng các hồn ma không quấy quả linh hồn của những người mới chết và cùng hút thuốc trong hòa bình thì các điếu thuốc lá được rải la liệt quanh nơi đặt các cỗ quan tài. Mái nhà phủ các quan tài không chỉ được xây dựng để bảo vệ các tử thi tránh bị xâm hại bởi mưa gió mà còn khiến cho thuốc lá đặt trong quan tài không bị ướt.

Cao nguyên Bolaven tuyệt đẹp cả về cảnh sắc và con người.

Mỗi tuần, các thành viên trong gia đình người quá cố sẽ đến “thăm” quan tài và kèm theo một món quà tặng là một ít thuốc lá tươi với dụng ý ngăn không cho linh hồn của người quá cố quay trở lại làng, cũng như họ sẽ đánh bóng một chiếc đinh ở mặt trong quan tài với dụng ý làm phép nào đó. Sau 6 tháng đầu tiên, khi xác đã còn xương trắng, người ta sẽ đậy nắp hòm và cũng kết thúc luôn các chuyến thăm mộ hằng tuần.

Cách đây vài năm kể từ khi nước Lào mở cửa tự do, Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân đạo khác đã tới đất nước này với nhiều nhà nghiên cứu. Họ quả quyết rằng thuốc lá là căn nguyên gây ra hiện tượng suy dinh dưỡng ở miền Nam Lào. Không những làm giảm sự thèm ăn của người dân mà việc trồng quá nhiều cây thuốc lá còn thu hẹp luôn diện tích trồng lúa và các loài cây lương thực khác.

Phan Bình (tổng hợp)
.
.