Tượng đài các chú khuyển trên thế giới

Thứ Bảy, 28/01/2006, 11:28
Trong Đại chiến thế giới thứ hai, Liên Xô đã sử dụng tới hơn 60 nghìn con chó để phục vụ cho cuộc chiến đấu Vệ quốc. Chúng đã được buộc bộc phá vào mình, tìm cách tránh đạn, và chui vào gầm xe tăng địch làm cho xe tăng nổ tung.

Theo các nhà khoa học, trên thế giới có khoảng 200 giống chó, và ước tính số lượng chó có tới hơn 500 triệu con. Ở Việt Nam, chó đã được nuôi từ ba, bốn nghìn năm trước. Căn cứ vào các bằng chứng khảo cổ học, thì loài chó đã được thuần hóa cách đây từ hơn mười nghìn năm.

Chó là con vật gần gũi với con người, và có mặt ở khắp các lục địa, trừ nam cực. Có thể nói, chó là con vật có sức khỏe dẻo dai, tinh khôn và đặc biệt là có khứu giác rất tinh nhạy. Các nhà khoa học cho biết, loài chó săn Đức có tới 125 triệu tế bào khứu giác, trong khi đó con người chỉ có hơn 5 triệu. Vì thế, loài chó đã làm được rất nhiều việc. Ngoài việc giữ nhà, là một vệ sĩ trung thành, chó còn được dùng để giúp con người săn bắn rất đắc lực. Nhờ có khứu giác tinh nhạy, chó được dùng để phát hiện kẻ gian, tìm ma túy, phát hiện chất nổ để chống khủng bố, và tìm những người bị nạn do động đất vùi lấp, dưới các đống đổ nát. Chó còn được huấn luyện để thăm dò địa chất, phát hiện ra những mỏ quý trong lòng đất v.v…

Trong Đại chiến thế giới thứ hai, Liên Xô đã có tới 168 đội đặc nhiệm nuôi dạy chó, và đã huấn luyện được hơn 60 nghìn con chó, phục vụ cho cuộc chiến đấu Vệ quốc. Chúng đã được buộc bộc phá vào mình, tìm cách tránh đạn, và chui vào gầm xe tăng địch làm cho xe tăng nổ tung. Hơn 300 xe tăng địch đã bị đội quân chó tiêu diệt. Trong lịch sử hàng không vũ trụ, chú chó Laika của Liên Xô đã vinh dự là loài vật đầu tiên bay vào quỹ đạo của trái đất ngày 3/11/1957.

Trên thế giới, nhiều nước đã dựng những Tượng đài chó, để tỏ lòng biểu dương những đóng góp của loài chó cho khoa học và cuộc sống của con người:

- Ở Paris (Pháp)  tượng đài chú chó Bari đã từng cứu được 40 người trong bão tuyết.

- Ở Berlin (Đức) có một tượng đài chú chó dắt một người mù.

- Ở đảo Nom thuộc Alaska, Bắc Mỹ, có tượng đài chú chó Balto với vòng cổ và dây xích, để ghi nhận công lao của chó đã cho người huyết thanh, đẩy lùi bệnh bạch hầu nguy hiểm  tràn vào đe dọa vùng đất này.

- Ở Saint Petersbourg, nước Nga, trước cửa Viện Thực nghiệm y học có tượng đài một chú chó lớn, ghi nhớ các phát minh nổi tiếng của Páplốp đã thực hiện ở chó.

- Ở Ôsaka,  Nhật Bản có tượng đài chó cùng với xe kéo, nhắc mọi người nhớ đến công lao của chó trong các cuộc thám hiểm Nam cực.

- Ở Bargo San Lorenco Italia có tượng đài ghi nhớ chú chó Bernom 14 tuổi, vào một buổi tối đã tìm đến ga đón chủ, và bị chết trong chiến tranh.

- Ở Ezinburgh xứ Scotland nước Anh có tượng đài một chú chó trung thành, khi chủ chết đã đến nằm bên mộ suốt 5 năm, rồi chết theo chủ.

- Ở Việt Nam, tháng 9/2005, một nhóm chuyên gia của Cục Di sản Bộ Văn hóa Thông tin đã đi khảo sát một số Di tích thờ chó đá mới phát hiện tại xã Thượng Mỗ, Đan Phượng, Hà Tây. Tục thờ chó đá ở đây cũng như nhiều nơi khác ở nước ta đã có từ lâu. Với những ghi chép trong thư tịch Hán Nôm, và những chuyện cổ về chó đá trong “Truyện cổ nước Nam” (1932) của Văn Ngọc, hoặc hồi ký của Tô Hoài về tục sùng bái chó đá (Chuyện cũ Hà Nội) (1998)… chứng tỏ tục thờ chó của người Việt chắc chắn đã có từ lâu trong lịch sử dân tộc.

Với cống hiến và phẩm chất “Khuyển mã chi tình”, loài chó xứng đáng được con người yêu quý và ghi công!
Bùi Vũ Thái Bình
.
.