Vách đá tự sát nổi tiếng ở Nhật Bản

Thứ Ba, 13/03/2018, 11:55
Yukio Shige phục vụ trong ngành cảnh sát 42 năm và vách đá Tojinbo (cách thành phố Tokyo hơn 300km về phía tây) chính là nơi ông cụ canh gác trước khi về hưu với nhiệm vụ vớt xác chết trôi dạt vào bờ do sóng đánh.

Ở Nhật Bản, phần lớn những trường hợp tự sát xảy ra ngay trong nhà, song cũng có một số vụ được phát hiện tại những nơi khác nhau như cầu, vách đá, hẻm núi hay tòa nhà chọc trời. Các chuyên gia cho biết có khoảng 50 địa điểm như thế trong đó bao gồm “khu rừng tự sát” Aokigahara hay còn được gọi là “Biển Cây” ở sườn phía bắc núi Phú Sĩ. Một điểm tự sát khác nữa là vách đá Tojinbo cách thành phố Tokyo hơn 300km về phía tây.

Hầu như không có ai tự sát vào những ngày mưa. Họ chỉ nhảy xuống vách đá khi mặt trời lên cao. Họ chỉ tự sát khi xảy ra khủng hoảng tài chính và vào mùa xuân khi mà các trường học bắt đầu mở cửa và áp lực cuộc sống trở lại đè nặng trên vai.

Trong 15 năm qua,  cụ ông Yukio Shige đã cứu sống 609 người có ý định nhảy khỏi vách đá Tojinbo cách mặt nước biển Nhật Bản 24 mét. Ông Shige là sĩ quan cảnh sát về hưu và nay đã 73 tuổi.

Tỷ lệ tự sát ở Nhật Bản thuộc hàng cao nhất trong số những quốc gia phát triển. Năm 2016, có đến 17,3 vụ tự sát trong mỗi 100.000 người, tức chỉ đứng sau Hàn Quốc, và tuyệt đại đa số là nam giới. Phương pháp tự sát phổ biến nhất là treo cổ.

Ở Nhật Bản, trong số những người trong độ tuổi từ 15 đến 39, tự sát là nguyên nhân dẫn đến cái chết hơn là do ung thư hay tai nạn. Tuy nhiên, hiện tượng tự sát đang giảm đáng kể nhờ vào nỗ lực cải thiện kinh tế và phòng ngừa từ chính phủ Nhật Bản.

Năm 2016, khoảng 22.000 người tự sát và đây là con số thấp nhất trong vòng 22 năm trở lại đây – so với khoảng 33.000 vụ vào cuối thập niên 1990 do khủng hoảng kinh tế.

Trong xã hội hiện đại Nhật Bản ngày nay, nguyên nhân dẫn đến ý muốn tự sát thường là chứng trầm uất, các vấn đề gia đình, thất nghiệp hay áp lực trong học tập và công việc. Yutaka Motohashi, giáo sư và nhà nghiên cứu hành vi tự sát Đại học Y khoa Kyoto, cho biết chính phủ Nhật Bản “đang cố gắng đối phó với vấn nạn tự sát bằng những biện pháp pháp lý, xã hội và văn hóa.

Cụ ông Yukio Shige đang tuần tra quanh khu vực vách đá Tojinbo.

Giới chức Nhật Bản cũng đang triển khai một số biện pháp ngăn chặn tự sát như là mở các đường dây nóng tư vấn, giám sát những trang web quảng bá những cách tự sát cũng như sửa đổi luật lao động để giảm bớt số giờ làm việc trong tuần.

Yukio Shige phục vụ trong ngành cảnh sát 42 năm và Tojinbo chính là nơi ông cụ canh gác trước khi về hưu với nhiệm vụ vớt xác chết trôi dạt vào bờ do sóng đánh.

Năm 2003, Shige phát hiện một cặp vợ chồng già ngồi trên băng ghế nên ông chủ động đến bên họ bắt chuyện. Họ làm chủ một quán rượu ở Tokyo và do nợ nần chồng chất nên có ý định tự sát khi màn đêm buông xuống. Ông Shige gọi đồng nghiệp đưa cặp vợ chồng đến một cơ quan phúc lợi địa phương. Nhưng, 5 hôm sau họ treo cổ tự sát tại quận Niigata nằm gần Tojinbo.

Kể từ đó, Shige quyết định thành lập tổ chức phi lợi nhuận thực hiện tuần tra thường xuyên vách đá Tojinbo. Hiện nay, tổ chức có khoảng 20 người tình nguyện quan sát khu vực này suốt cả ngày lẫn đêm.

Shige giải thích: “Chúng tôi chỉ để cho một người tuần tra bởi vì nếu đi theo nhóm sẽ khiến người có ý định tự sát nghi ngại mà tránh né. Cuộc đối thoại giữa cá nhân với nhau sẽ tạo cảm giác an toàn hơn”. Mới đây, Shige trang bị thêm một chiếc máy bay không người lái để theo dõi vách đá từ trên cao hiệu quả hơn với tốc độ nhanh hơn. Bất chấp nỗ lực, tổ chức của Shige vẫn không thể ngăn chặn hết những vụ tự sát.

Những con sóng lớn thường đánh dạt các xác chết vào bờ.

Ví dụ vào năm 2017, 10 người tự sát ở vách đá Tojinbo mà Shige không kịp phát hiện để ngăn cản. Yukio Shige cho rằng những người tìm đến vách đá Tojinbo tự sát thuộc nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất trong xã hội Nhật Bản – đó là những người vô gia cư, người lớn tuổi và những học sinh bị áp lực học hành đè nặng. Họ thường đi tàu tốc hành đến quận Fukui rồi bắt xe buýt đến vách đá Tojinbo. Họ chỉ mang theo rất ít tiền mặt “bởi vì khi lên thiên đường thì không ai cần đến tiền bạc”. Họ thường ngồi cô đơn suốt nhiều giờ liền để chờ cho đến khi mặt trời lặn và du khách thưa thớt dần.

Shige nhớ lại một trường hợp vào ngày 31-8-2017. Shige chú ý đến một cô gái khoảng 17 tuổi đang ngồi thất thần trên mép vách đá Tojinbo. Ông cụ đưa cô gái về trụ sở tổ chức của mình để trò chuyện. Cô gái cho biết mình bị cha mẹ gây áp lực trong việc học tập nên muốn tìm đến cái chết để giải thoát. Sau đó, Shige đã gọi điện đến cha mẹ cô gái để nói ra sự thật. Cô gái là người thứ 23 trong số 28 người được Shige cứu sống trong năm 2017.

Tại những điểm nóng về tự sát ở nước ngoài (như là cầu cạn Hoàng tử Edward nổi tiếng ở Toronto, Canada), chính quyền thường cho lập rào chắn, lưới hay hàng rào để ngăn chặn tự sát. Shige mong muốn chính quyền Nhật Bản có biện pháp như thế song giới chức nước này lo ngại ý tưởng sẽ ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch. Do đó, chính quyền chỉ chấp nhận cho lắp hệ thống đèn chiếu sáng ngoài trời ở khu vực vách đá Tojinbo để dễ dàng phát hiện những trường hợp tự sát hơn.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.