Văn hoá... đội mũ ở Mỹ

Thứ Ba, 30/01/2007, 11:00
Chuyên gia thiết kế nón (mũ) Cynthia White (Mỹ) đã từng nói: “Đối với những người yêu mũ, thì nón lúc nào cũng là mặt hàng thời trang thịnh hành”. Tuy nhiên, ở nước Mỹ ngày nay, nó thực sự là ngành công nghiệp béo bở thu lãi mỗi năm hàng trăm triệu USD...

Có những nhà sản xuất chuyên tạo ra đủ loại nón độc đáo cho đủ loại hoạt động như: cưới hỏi, trượt tuyết, dạ tiệc hóa trang, nghỉ mát, đua ngựa, diễu hành... Có những nhà chỉ chuyên tạo ra những kiểu nón của một thời xa xưa như trong các bữa tiệc thời Phục hưng ở châu Âu, như trong phim “Titanic”.

Một số người mẫu đội nón beret có dải ruban dài chấm đất và các người mẫu giữa đời thường như ca sĩ Elton John đã góp phần làm cho nón có một vị trí danh dự trong những năm gần đây.

Để chứng minh điều này, Casey Bush, Giám đốc kiêm sáng lập viên Văn phòng Thông tin về nón ở New York, đã  đưa ra một con số đáng giật mình: kể từ giữa thập niên 80 thế kỷ trước cho đến nay, doanh số nón trên nước Mỹ tăng đều đặn hàng năm từ 10-15%, trong đó nón dành cho phụ nữ chiếm áp đảo, đem lại doanh thu 830 triệu USD vào năm 1987 cho các nhà sản xuất.

Tuy nhiên, nón dành cho đàn ông cũng đang ngày càng tăng lên, vì có nhiều người quan tâm đến việc bảo vệ làn da của họ dưới ánh nắng mặt trời.

Cho đến nay, phụ nữ là fan lớn nhất của nón. Họ săn lùng đủ loại nón với các kích cỡ, màu sắc và mức độ tiêu pha phung phí.

Một phần trong đó có lẽ cũng là do chiến thuật tiếp thị và quảng cáo của các nhà sản xuất với tiêu chí “những chiếc nón hạnh phúc sẽ làm cho bạn hạnh phúc”.

Một bộ trang phục có thể làm họ băn khoăn, bất an về vẻ ngoài của mình. Nhưng với nón thì khác, nón có thể làm cho họ trông mạnh mẽ hơn, bí ẩn hơn, thanh tao hơn hay thậm chí là “gồ ghề” hơn.

Internet là cửa hàng bán nón chạy nhất. Nhiều người suốt ngày lùng sục trên mạng, tìm những chiếc mũ ưng ý nhất và đặt hàng dù chưa một lần đội thử.

Nhìn chung, người Mỹ hình như bị “ám ảnh” bởi nón. Hầu như ai cũng đội nón và phần lớn tính cách của họ được thể hiện qua phong cách của chiếc nón. Họ có những nghi thức trao nón tỉ mỉ dành cho con cái và mỗi tuần một lần, trẻ em có thể đến những ngôi trường đặc biệt để được học về lịch sử và ý nghĩa của các loại nón.

Đôi khi, các nhà sản xuất chế ra những kiểu nón lạ lùng, mà nếu một người đội thì chắc chắn sẽ bị xem là dị thường. Nhưng khi đã có nhiều người hưởng ứng thì phong cách mới đó sẽ được tôn trọng.

Có một số ít người xem việc đội nón là vô nghĩa, và họ không cần bận tâm đến lĩnh vực này. Nhưng nhìn chung thì họ có một quan niệm hầu như đại chúng, rằng một phần tinh thần và tư tưởng của họ ngự trị trong chiếc nón, hòa hợp vào chất liệu làm nên chiếc nón.

Điều ấy dẫn đến những tập quán kỳ lạ: nhân chứng trong các vụ kiện phải đội chiếc nón của chính họ khi đưa ra các lời khai, quân nhân mà không đội nón sẽ bị xem là những kẻ hèn nhát; cảnh sát đua nhau đội những phiên bản của chiếc nón chuẩn mực, sao cho thu hút được sự chú ý nhiều nhất của người khác.

Làm nón là một nghề được tôn vinh đặc biệt; thành phố nào cũng có nhiều cửa hiệu bán nón. Doanh số tăng vùn vụt, không những vì nhiều người sẵn sàng chi tiền để mua nón, mà còn vì đó là một nghề cao quý đến nỗi không phải đóng thuế.

Tổng thống Mỹ lắng nghe rất kỹ càng những ý kiến của “Ủy  ban nón”. Bản thân ông cũng có một chiếc nón cao bồi đính kim cương giả lấp lánh, nhưng xem ra chiếc nón này không được đánh giá cao bằng những chiếc nón lưỡi trai đơn giản mà dân thường hay dùng

Thuý Hân (Theo Wikipedia)
.
.