Văn hóa mặt nạ Hormozagan

Thứ Sáu, 10/11/2017, 12:13
Truyền thống mang "boregheh" (mặt nạ) của phụ nữ vùng Hormozagan (Iran) - bất kể là người Hồi giáo phái Sunni hay Shia - có từ nhiều thế kỷ trước.

Người dân sống ở tỉnh Hormozagan nằm trên vùng bờ biển phía nam Iran được gọi là Bandari (Người vùng cảng). Hormozagan từng một thời là điểm dừng chân quan trọng trên Con đường Gia vị và trung tâm buôn bán từ khoảng năm 2000 trước CN và từ đó dẫn đến sự giao thoa văn hóa và sắc tộc phong phú - bao gồm châu Phi, Arập, Ấn Độ và Ba Tư. Ở Hormozagan, phụ nữ mặc trang phục màu sắc sặc sỡ, còn nam giới mặc trang phục Arập.

Nhưng, có lẽ ấn tượng nhất là truyền thống mang "boregheh" (mặt nạ) của phụ nữ vùng này - bất kể là người Hồi giáo phái Sunni hay Shia - có từ nhiều thế kỷ trước.

Một số người cho rằng truyền thống bắt nguồn thời người Bồ Đào Nha cai trị khu vực, lúc đó phụ nữ mang mặt nạ để tránh bị các chủ nô lệ nhận diện khi tìm kiếm những cô gái xinh đẹp. Không chỉ là truyền thống văn hóa và tôn giáo, mặt nạ còn giúp phụ nữ bảo vệ đôi mắt và da trước ánh nắng rất dữ dội tại vùng Vịnh Persian.

Người dân địa phương có thể nhận diện tên làng, địa vị trong cộng đồng và cả xuất thân của phụ nữ dựa vào hình dáng và màu sắc mặt nạ.

Trên đảo Qeshm, phụ nữ mang mặt nạ có hình ria mép để những kẻ thù muốn xâm lăng tưởng đó là chiến binh nam giới. Tuy nhiên, hiện nay đa số phụ nữ vùng Hormozagan không còn mang mặt nạ truyền thống nữa mà thay vào đó là sử dụng khăn choàng trông hiện đại hơn. Với chiếc mặt nạ chứa đựng sự bí ẩn, Bandari nổi tiếng là cộng đồng sống gần như biệt lập với xã hội bên ngoài.

An An (theo Courrier)
.
.