Viện Bảo tàng Khoa học lớn nhất hành tinh

Thứ Ba, 10/08/2010, 09:25
Cách đây đúng 1/4 thế kỷ, vào ngày 6/5/1985, cố Tổng thống Pháp François Mitterrand đã cắt băng khánh thành tòa nhà "La Géode" khổng lồ bên bờ kênh de L'Ourcq, khai trương Viện Bảo tàng Khoa học hàng đầu thế giới tại thị trấn khoa học La Villette ở ngoại ô Paris.

La Géode trông như một quả cầu vĩ đại và bóng loáng có đường kính tới 36m, bao gồm 6.433 miếng pha lê hình tam giác xếp khít nhau với độ chính xác tới từng phần trăm milimét một.

"Đây là công trình hoàn thiện nhất thế giới", ông Moris Levi, chủ dự án La Géode trị giá 130 triệu frăng Pháp (20 triệu euro), đồng thời cũng là người đam mê các kỷ lục tự hào khoe. Bên trong còn tráng lệ hơn.

Đó là màn ảnh chiếu bóng hình bán nguyệt lớn nhất hành tinh với diện tích đúng... 1.000m2. Các dãy ghế được bài trí như tại các nhà hát, cùng tư thế nửa nằm nửa ngồi giúp khán giả như hòa lẫn với cốt truyện phim. Nhưng xin lưu ý là dựng một bộ phim cho dạng rạp kiểu này không phải là rẻ: từ 3 đến 4 triệu euro cho một cuốn phim dài cỡ 40 phút đồng hồ.

Theo tạp chí nguyệt san chuyên ngành đầy uy tín Nature Review, thì người ta đã chi số tiền tương đương nửa tỉ euro cho việc sưu tập các hiện vật được trưng bày trong các gian của La Géode. Còn bản thân tòa bảo tàng độc đáo này trị giá 750 triệu euro.

Giữa các hiện vật là con tàu ngầm khoa học huyền thoại Nautilus chuyên khảo sát đáy nước các đại dương, cũng như nhiều sản phẩm kỹ thuật siêu điện tử tân kỳ khác - từng làm rạng danh Trung tâm khoa học Tsukuba nổi tiếng của Nhật Bản. Nhiều cuộc triển lãm về các sáng chế khoa học đã từng được tổ chức tại La Villette, với quy mô bao trùm mọi ngành kỹ thuật mũi nhọn của hành tinh.

Bên ngoài (ảnh trái) và bên trong (ảnh phải) tòa nhà La Géode huyền thoại.

Thị trấn khoa học La Villette sẽ ra sao trong thiên niên kỷ thứ ba? Câu hỏi này đang được rất nhiều người Pháp lưu tâm. Thật khó mà nói trước được, nhưng một điều hiển nhiên là tại cái cơ sở nghiên cứu khoa học lừng danh nhất của Pháp ấy sẽ tọa lạc một viện bảo tàng khoa học lớn nhất, đắt giá nhất và gây nhiều tranh cãi - nhất là về mặt tài chính.

Nhưng có thể đó cũng là một chốn trưng bày lý tưởng nhất, tân kỳ nhất và thú vị nhất như giới khoa học Pháp từng mơ ước chăng? Nó sẽ được liệt vào dạng siêu cao cấp nhất không?

"Chúng tôi sẽ làm tất cả những điều có thể nhằm chạy đua với thời gian bằng nguồn tài lực đầy tiềm năng của dân tộc Pháp. Nhất định chúng tôi sẽ đạt được ý nguyện của mình trong tương lai gần!", ông M.Levi quả quyết

Quang Long (theo The Observer)
.
.