Vua Mansa Musa, người từng giàu nhất thế giới

Thứ Bảy, 16/02/2019, 10:25
Theo các sử gia, vua Mansa Musa của Mali mới là người giàu nhất mọi thời đại, chỉ riêng số vàng mà vua Musa tiêu xài trong một chuyến đi đến Ai Cập đã từng khiến thị trường vàng nước này tuột dốc mất 12 năm mới có thể phục hồi…

Lâu nay, khi nói về những người giàu nhất thế giới, người ta thường hay nhắc đến Rockefeller, vua dầu mỏ; Bill Gates, ông trùm công nghệ thông tin; Jeff Beros, hoàng đế của chuỗi cửa hàng bán lẻ Amazon; Warren Buffett, bậc thầy chứng khoán; Amancio Ortega, người thống trị ngành thời trang; Larry Ellison, cha đẻ của nhiều phần mềm máy tính…

Tất cả những người này đều có số tài sản trên 50 tỉ USD nhưng theo các sử gia, vua Mansa Musa của Mali mới là người giàu nhất mọi thời đại. Theo tài liệu ghi chép lại, chỉ riêng số vàng mà vua Musa tiêu xài trong một chuyến đi đến Ai Cập đã từng khiến thị trường vàng nước này tuột dốc mất 12 năm mới có thể phục hồi…

Chuyến hành hương để đời

Musa trở thành người cai trị đế chế Mali vào năm 1312, lúc vua Abu-Bakr II cùng đoàn tùy tùng bị đắm tàu rồi mất tích trong một chuyến vượt Đại Tây Dương. Trước đó, Abu-Bakr II luôn đặt câu hỏi với các cận thần là nếu giương buồm ra khơi rồi cứ đi mãi thì đâu là điểm tận cùng của biển cả?

Khi chẳng thấy ai giải đáp được, Abu-Bakr II ra lệnh chuẩn bị 200 chiến thuyền cùng 8.500 người, chứa đầy lương thực, nước ngọt đủ dùng trong 2 năm rồi tuyên bố sẽ không quay lại nếu không tìm ra điểm cực hạn của biển cả. Việc cai trị Mali trong thời gian Abu-Bakr II đi vắng sẽ do hoàng tử Mansa Musa đảm trách.

Tranh vẽ mô tả vua Musa và đoàn hành hương.

Cuối cùng, chỉ có một chiến thuyền trở về với 12 người sống sót. Khi gặp hoàng tử Mansa Musa, thuyền trưởng của chiến thuyền này nói: "Đầu năm thứ 2 trong cuộc hành trình, chúng tôi gặp một dòng chảy rất mạnh giữa đại dương. Thuyền tôi đi cuối cùng nên tôi nhìn thấy những chiếc khác bị cuốn vào dòng chảy ấy rồi biến mất trong một xoáy nước khổng lồ. Không ai thoát ra được". Sau này, trong quá trình tìm hiểu hành trình của vua Abu-Bark II, các nhà hải dương học cho biết đoàn thuyền của vua Abu-Bark II đã đi vào vùng biển Bắc Đại Tây Dương, nơi có những dòng hải lưu nguy hiểm nhất thế giới.

Mansa Musa lên ngôi vào đúng thời điểm mà các quốc gia châu Âu đang phải chịu sự thiếu hụt những nguồn tài nguyên quan trọng do các cuộc nội chiến, trong lúc nền kinh tế Mali lại phát triển mạnh nhờ vàng và muối với trữ lượng khổng lồ. Theo các sử gia, thiên nhiên đã ưu ái cho Mali những cánh đồng muối rộng mênh mông mà từ đó, loại gia vị ấy được chất lên lưng những con lạc đà, đến các trung tâm thương mại sầm uất ở Tchad, Niger, Sudan, Congo, Trung Phi…, và được người mua trả bằng vàng. Các mỏ vàng cũng vậy, chỉ cần cào lớp đất bề mặt lên sàng, đãi là có vàng! Đến đầu thế kỷ 19, các nhà khoáng sản học ước lượng số vàng đã khai thác dưới thời Musa không ít hơn 3.000 tấn!

Bằng sức mạnh và quyền lực của vàng, đế chế Mali phủ bóng lên phần lớn miền tây châu Phi, từ bờ biển Đại Tây Dương đến trung tâm thương mại Timbuktu và một phần sa mạc Sahara. Cũng tại Timbuktu, vua Musa đã cho xây dựng Đại học Sankore, bao gồm một thư viện với khoảng 1.000.000 bản thảo viết tay trên da thuộc và giấy dó, hiện vẫn còn lưu giữ được một phần, trong đó có những bản thảo mà giới săn lùng cổ vật sẵn sàng trả giá hàng trăm triệu USD để được quyền sở hữu.

Mãi đến năm 1324, thế giới bên ngoài mới biết về sự  giàu có của vua Musa - một tín đồ Hồi giáo sùng đạo trong một quốc gia mà đa số người dân đều theo đạo Hồi - khi ông tổ chức hành hương đến Mecca, thánh địa của người Hồi giáo ở Arab Saudi. 

Hàng quán, chợ búa ở Cairo tràn ngập người Mali; mọi việc mua bán đều tính bằng vàng.

Trong các bức vẽ được các họa sĩ Ai Cập thực hiện vào giữa thế kỷ 14, nhiều bức mô tả lại cuộc hành hương có một không hai này, còn trong bản ghi chép niên biểu do nhà viết sử Mustapha Kemal dưới thời quốc vương Ai Cập al-Malik al-Nasir, có đoạn: "Khi những con ngựa kéo những chiếc xe chở vua Musa và các cận thần đến Cairo,  kinh đô Ai Cập thì 2 ngày sau, những người cuối cùng trong đoàn tùy tùng mới đến".

Từ Mali đi thánh địa Mecca đường dài gần 9.000km, đoàn hành hương Musa khởi hành vào đầu tháng 1-1323 rồi đến giữa tháng 11-1325 mới trở về Mali với số lượng 48.000 người, gồm các giáo sĩ Hồi giáo, quan chức triều đình, binh lính, đội ngũ chăn dắt lạc đà chở lương thực, đầu bếp, lều trại, liên lạc, cùng 12.000 nô lệ làm công việc hầu hạ. Bên cạnh đó, còn có một đoàn xe chở theo 50 tấn vàng để chi tiêu dọc đường đồng thời làm vật tế lễ. 

Theo tranh vẽ của các họa sĩ Ai Cập, 48.000 người trong đoàn hành hương mặc quần áo bằng lụa Ba Tư (Iran ngày nay), mỗi người đeo 1,8kg vàng dưới hình thức đồ trang sức do vua Musa ban tặng còn các con ngựa đều được buộc yếm bằng vàng. Chưa hết, theo lệnh Musa, 80 con lạc đà mỗi con chở theo 136kg vàng cám, dùng để tặng cho những người nghèo ở các vùng đất mà đoàn hành hương đi qua. Cảnh tượng ấy đã tạo ra sự ngưỡng mộ của mọi tầng lớp xã hội. Vẫn theo nhà viết sử Mustapha Kemal, tháng 7-1324, khi vào đất Ai Cập, đoàn hành hương của vua Musa hạ trại gần sông Nile. 6.000 nô lệ xếp thành hàng dài trên đoạn đường 9km chỉ để múc nước sông vào những chiếc thùng dát vàng rồi chuyền tay nhau về cho Musa và các quan chức triều đình tắm!

Quyền lực của vàng

Khi đến Cairo, kinh đô Ai Cập, về nguyên tắc ngoại giao, vua Musa sẽ bái kiến al-Malik al-Nasir, quốc vương Ai Cập. Theo văn bản chép tay còn lưu giữ được của nhà sử học Shihab al-Umari, quốc vương Nasir chỉ cử một tiểu vương cấp thấp trong hoàng gia là al- Mujah Abu đón tiếp Musa. Tại cuộc đón tiếp, Abu cho vua Musa biết là theo nghi lễ triều đình Ai Cập thì khi gặp Nasir, Musa phải quỳ xuống hôn đất rồi hôn bàn chân quốc vương. Thấy bị xúc phạm, Musa tuyên bố với Abu là ông chỉ đi ngang Ai Cập để đến thánh địa Mecca nên chẳng việc gì ông phải bái kiến Nasir.

Cung điện vua Musa hiện vẫn còn nguyên vẹn ở Timbuktu.

Sau nhiều giờ thuyết phục, vua Musa mới đồng ý gặp gỡ, chào hỏi quốc vương Nasir nhưng ông vẫn cương quyết không chịu hôn chân. Cuối cùng Nasir đành phải chấp nhận. Trong cuộc gặp, quốc vương Nasir mời Musa cùng đoàn tùy tùng ở lại Cairo vài ngày. Những ghi chép của nhà sử học Shihab al-Umari cho thấy nhân cơ hội ấy, Musa muốn Nasir không thể coi thường mình.

Những ngày sau đó, Musa bảo phó vương Taga lấy vàng phân phát cho hơn một nửa số người trong đoàn hành hương và cho phép họ muốn mua gì tùy thích. Nhà sử học Shihab al-Umari viết: "Chỉ qua một đêm, tất cả các cửa hàng, các chợ ở Cairo tràn ngập người Mali và việc mua bán đều trả bằng vàng. Thoạt đầu thương nhân Ai Cập rất vui mừng nhưng rồi càng ngày, số vàng do người Mali tung ra càng nhiều mà hàng hóa thì thiếu, dẫn đến vàng xuống giá. Phải mất 12 năm, thị trường vàng Ai Cập mới phục hồi". Theo ước tính của các sử gia, đoàn hành hương đã chi tiêu ở Cairo hết 12,3 tấn vàng và đây cũng là lần duy nhất trong lịch sử, đế chế Mali nắm quyền kiểm soát giá vàng ở Địa Trung Hải.

Rời khỏi Cairo, Ai Cập, đoàn hành hương đến lãnh thổ của tiểu vương Gao, thuộc Vương quốc Songhay (Nigeria ngày nay). Với 2 tấn vàng, vua Musa mua đứt Gao, mở rộng đế chế Mali đến rìa phía nam sa mạc Sahara, dọc theo sông Nigeria. Cũng tại lãnh thổ của tiểu vương Gao, vua Musa cho xây dựng một số đền thờ Hồi giáo, trong đó có đền thờ Djinguereber hiện nay vẫn tồn tại. 

Bên cạnh đó, Musa còn cho xây các trường giảng dạy đạo Hồi, mở rộng đường sá, đào kênh dẫn nước, biến vùng đất ấy từ một nơi nghèo nàn, hoang vu thành một trung tâm thương mại sầm uất cho cả Vương quốc Songhay. Nhà sử học Shihab al-Umari viết: "Vẫn với vàng, lãnh thổ Senegal, Gambia, Guinea, Chad và Mauritania trở thành chư hầu của đế chế Mali, kéo dài gần 12.000km. Ở những quốc gia này, cứ mỗi thứ 6 lại có một đền thờ Hồi giáo mọc lên bằng vàng của Musa.

Chưa hết, khi đến thánh địa Mecca, vua Musa đã dâng tặng 20 tấn vàng để góp phần trùng tu, nâng cấp những đền thờ trong thánh địa. Tại Majisid al-Haram, trung tâm thánh địa, tất cả các hoa văn ở những cây cột trong hang đá, nơi nhà tiên tri Muhammad lần đầu tiên được Thượng Đế truyền cho kinh Qu'ran, đều được nạm vàng".

Ở Niani, vua Musa cho xây dựng một hội trường bằng đá có lối đi thông với cung điện hoàng gia. Mái vòm hội trường và tất cả mọi cánh cửa đều được dát vàng. Sergio Domian, một học giả về nghệ thuật và kiến trúc Italy nhận xét: "Vua Musa chính là người đặt nền tảng cho văn minh đô thị. Dưới sự trị vì của ông, Mali có ít nhất 400 thành phố còn đồng bằng Songhay (Nigeria) là nơi sinh sống của gần 4 triệu người…".

Đế chế lụi tàn

Sau chuyến hành hương đến Mecca, sự giàu có và tầm ảnh hưởng của vua Musa lan ra khỏi biên giới châu Phi. Trong tấm bản đồ Atlas Catalan - là bản đồ thế giới quan trọng nhất châu Âu thời Trung cổ do Abraham Cresques, nhà địa lý học người Tây Ban Nha vẽ năm 1375 - có hình vua Musa ngồi trên ngai vàng, đội vương miện vàng, tay phải cầm vương trượng bằng vàng còn trên tay trái là một quả cầu vàng. Tài nguyên thiên nhiên thừa thãi đã giúp người dân Mali có một cuộc sống sung túc.

Thuyền trưởng George Osborn, người Anh, trong một lần đến Mali đã ghi vào nhật ký hải hành: "Dân Mali sẵn sàng trả 2 once vàng để mua 1 tấm gương soi trong lúc ở Anh, nó chỉ có giá 5 penny (100 penny bằng 1 bảng Anh). Một cuộn chỉ ngũ sắc bán được 1 once vàng còn 1 con dao găm là 10 once. Đây là xứ sở giàu nhất thế giới mà tôi đã từng thấy". 

Thương nhân Williams Blummer, cũng là người Anh nói: "Của ngon vật lạ từ khắp nơi đổ về hai thành phố lớn nhất Mali là Timbuktu, Djenne, từ gia vị, đồ sành sứ Trung Quốc đến lúa mì, rượu whisky của Anh,  thịt muối, rượu vang, trái ô liu, nho, táo Pháp. Tất cả mọi việc mua bán đều dùng vàng làm bản vị. Ngay cả thanh kiếm của vua Musa mà ông vẫn thường đeo trong những dịp lễ nghi quan trọng cũng được đặt làm từ Pháp với chuôi bằng vàng nạm hồng ngọc…".

Vua Musa chết năm 1337, người kế vị là Mansa Maghan, con trai ông. Cuối thế kỷ 14, bị hấp dẫn bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên quá lớn, đế chế Songhay xua quân chiếm Mali. Theo các sử gia, vua Musa do chỉ chú trọng đến đạo Hồi bằng việc phát triển các đền thờ, các trường đại học Hồi giáo cùng các trung tâm thương mại nên ông ít quan tâm đến lĩnh vực quân sự vì ông tin rằng vàng sẽ quyết định tất cả.

Khi cuộc xâm lược của đế chế Songhay nổ ra, chỉ vài tuần quân Songhay đã chiếm được một nửa lãnh thổ Mali trong lúc vị vua trẻ tuổi Mansa Maghan chỉ biết khoanh tay ngồi nhìn tướng tá, binh lính bỏ chạy để bảo vệ tính mạng cùng số tài sản bằng vàng mà họ đã tích cóp dù rằng trước đó, nhiều thành lũy, pháo đài đã được xây dựng.

Cuối thế kỷ 15, Mali trở thành thuộc địa của Bồ Đào Nha. Nhiều thập kỷ sau, nguồn tài nguyên thiên nhiên quý báu của quốc gia này đã bị khai thác đến cạn kiệt.

Vũ Cao (Theo History - Musa of Mali)
.
.