Thiếu nữ “mãi mãi tuổi lên 2”

Thứ Năm, 16/04/2015, 08:25
Girija Srinivas mắc phải “congenital agenesis” - một dạng bệnh hiếm gặp trên thế giới khiến các chi không phát triển. Hiện cô gái 19 tuổi bị mắc kẹt trong cơ thể của một em bé lên 2 tuổi, cao 76cm, nặng 12kg. Không thể ngồi dậy bởi vì cái đầu quá nặng so với cơ thể, cũng như không cầm được bất cứ thứ đồ vật gì trong tay ngoài tách cà phê, Girija Srinivas rất cần sự giúp đỡ thường trực của người mẹ.

Bác sĩ cảnh báo, cổ Girija có thể bị gãy nếu cố gắng xoay đầu và cô gái cũng có vấn đề về hô hấp. Nhưng Girija Srinivas vẫn sống lạc quan, muốn trở thành họa sĩ chuyên nghiệp và tự kiếm ra tiền để nuôi bản thân.

Girija Srinivas thổ lộ: "Em không thích bị bất cứ ai tỏ lòng thương hại. Em muốn chứng tỏ khả năng bản thân cho mọi người thấy. Mẹ giúp em ăn uống và sinh hoạt thường ngày. Nhưng, khi bắt tay vào vẽ tranh thì em không cần ai giúp đỡ. Mỗi tháng em bán được 5 - 6 bức tranh, thu nhập khoảng 8-10.000 rupee (hơn 100 bảng Anh). Em cần có tiền để giúp đỡ cha mẹ".

Girija Srinivas sống chung với bố mẹ và anh trai ở thành phố Bangalore, bang Kartanaka, miền Nam Ấn Độ.  Bà Nanda Baayi, mẹ của Girija, giãi bày: "Lúc đầu, chúng tôi phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Ngay đến bây giờ, việc chăm sóc Girija cũng hết sức vất vả. Khi chào đời, Girija không giống như những đứa bé khác. Nghe bác sĩ bảo căn bệnh của con không chữa được, tim chúng tôi như bị bóp nghẹt".

Girija phải ăn thức ăn dưới dạng lỏng. Tuy bị bệnh nhưng Girija luôn muốn tự lập bằng chính sức lao động của mình - vẽ tranh.

Girija tâm sự: "Em không muốn nổi tiếng vì căn bệnh hiếm của mình mà muốn một ngày nào đó được mọi người biết đến tên tuổi nhờ vào nghệ thuật của em. Em không mong sự thương cảm mà chỉ muốn có được sự công nhận của mọi người. Em ước được ra nước ngoài làm những điều lớn lao".

Girija không thể đến trường do căn bệnh hiếm, nhưng cô đã tự mình học hỏi. Ngoài những lúc vẽ tranh, Girija xem tivi và chơi với thú cưng. Girija rất buồn với không ít lời chế giễu nhưng cô cũng có nhiều bạn bè thương yêu và đồng cảm. Girija tỏ ra lạc quan: "Em không thấy buồn vì cơ thể quá nhỏ bé, không thể bước đi hay cử động như một người bình thường".

Girija rất ái mộ nam diễn viên nổi tiếng Ấn Độ Singanalluru Rajkumar đến mức đã vẽ bức chân dung to lớn của diễn viên này. Bà mẹ Nanda cho biết khi diễn viên Rajkumar bị bọn cướp bắt cóc và giam giữ hơn 100 ngày, Girija đã rất lo lắng cho Rajkumar, cô bé không chịu ăn uống gì cả. Bà mẹ kể: "Tệ hại nhất là khi diễn viên đó qua đời, con bé đã khóc hết nước mắt vì không còn được cơ hội gặp ông ta.

Một người bạn biết Girija là người hâm mộ Rajkumar một cách mãnh liệt nên đã bồng con bé đến dự buổi lễ tang của nghệ sĩ. Lòng hâm mộ với gia đình nghệ sĩ Rajkumar mạnh đến mức Girija Srinivas đã gặp con trai út Puneet Rajkumar đôi lần (cũng là diễn viên điện ảnh) chỉ để xin chữ ký". Bà Namda nói rằng Girija cười rất tươi khi xem trailer bộ phim mới của Puneet Rajkumar chiếu trên tivi.

Cha của Girija Srinivas là thợ may kiếm được chưa đến 5 bảng Anh/ngày cho nên gia đình rất khó khăn. Bệnh tình của Girija cũng cần được nghiên cứu sâu hơn để tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Các bác sĩ cho biết những ống truyền dưỡng khí hay liệu pháp thông khí tự nhiên với áp lực dương liên tục (CPAP) - thiết bị trợ hô hấp nhân tạo giúp bệnh nhân thở dễ dàng hơn - tạm thời giúp Girija giải quyết các vấn đề về hô hấp. Tuy nhiên, các liệu pháp này cũng tiêu tốn đến 15.000 rupee mỗi tháng (khoảng 162 bảng Anh) - một số tiền quá lớn đối với gia đình Girija.

Di An (tổng hợp)
.
.