Phát hiện một kiệt tác chưa từng công bố của danh họa Picasso

Thứ Ba, 21/07/2015, 12:30
Sau một thời gian tiến hành thẩm định, giới chuyên gia mỹ thuật tạo hình hàng đầu của Anh đã nhất trí đi đến kết luận, rằng bức tranh được tìm thấy ở Scotland vào cuối tháng 6 vừa qua chính là một trong những kiệt tác của Pablo Picasso (1881-1973) danh họa nổi tiếng người Tây Ban Nha, chưa từng được công bố từ trước đến nay.

Việc tìm thấy bức tranh xảy ra hết sức tình cờ. Trong dịp nghỉ cuối tuần vào ngày Chủ nhật 21/6, ông Dominic Currie, 58 tuổi, cư ngụ tại thị trấn Methil, quận Fife, Scotland đã cùng cậu con trai dọn dẹp lại căn gác xép, vốn là nơi chứa những thứ đồ cũ trong gia đình. Đa phần trong đó là các đồ dùng của bà Annette, mẹ ông Dominic đã mất từ lâu. Do quá tiếc thương mẹ, nên người con trai độc nhất Dominic đã quyết định lưu giữ lại dồ dùng của bà trên căn gác mái mà không nỡ bỏ đi...

Rồi cha con nhà Currie lần mở chiếc vali giả da, chứa những vật dụng cá nhân của bà Annette trong những ngày cuối đời. Điều khiến ông D. Currie ngạc nhiên nhất là một tấm vải thô, được cuộn lại cẩn thận bằng một tờ báo tiếng Nga khổ rộng có từ 60 năm trước, ấn hành vào ngày 1/5/1955 đúng dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Quốc tế Lao động. Ông D. Currie quyết định mở ra xem đó là miếng vải gì, quý đến đâu mà chủ nhân cất giữ như "của gia bảo" vậy?

Ông D. Currie với bức kiệt tác được tìm thấy trong chiếc rương đựng kỷ vật.

Cha con nhà Currie hết sức ngỡ ngàng, bởi David, con trai ông Dominic, năm nay 22 tuổi, đang theo học khóa đào tạo từ xa của Học viện Mỹ thuật Edinburgh, đã nhanh chóng xác định đó là một bức tranh sơn dầu trên vải, thuộc phong cách trừu tượng rất thịnh hành từ thế kỷ trước. Càng kinh ngạc hơn, khi ngay bên dưới góc phải bức tranh là chữ ký của P. Picasso.

"Đây là một kho báu thực sự, thưa bố!", David reo lên. Rồi ông D. Currie gọi điện thông báo đến Cơ quan Thẩm định Nghệ thuật Hoàng gia London, yêu cầu họ cử các chuyên viên đến thẩm định bức họa có thật là của Picasso không; hay có thể là một tác phẩm sao chép giả mạo nào đó lúc sinh thời bà Annette "sưu tầm" được...

Chữ ký của tác giả ở góc phải bên dưới bức tranh.

Khi các chuyên gia thẩm định hỏi về nguồn gốc bức tranh, đồng thời đề nghị ông D. Currie cho biết mối liên quan giữa tờ báo Pravda  bản tiếng Nga với bà mẹ quá cố. Cuối cùng ông D. Currie đành thú nhận một điều bí mật. "Trong tiểu sử chính thức thì tôi là con của một bà mẹ đơn thân. Nhưng thực ra không phải vậy! - ông D. Currie thổ lộ - Tôi chính là kết quả của cuộc tình giữa mẹ tôi với bố tôi là ông Nicolai Vladimirovich, một người lính Nga thuộc lực lượng Hồng quân Xôviết đồn trú trên đất Ba Lan. Mẹ từng kể gặp cha lần đầu vào năm 1955, khi bà đến thăm trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan và nảy sinh "mối tình sét đánh".

Họ liên tục viết thư cho nhau suốt 2 năm 1956 - 1957, sau đó mẹ tôi thường xuyên đi du lịch sang Ba Lan để gặp gỡ người yêu. Năm 1958 thì cha được điều chuyển về Nga và bặt tin từ đó... Còn bức tranh là quà tặng của cha ngay trong lần gặp đầu tiên, như một kỷ vật đánh dấu tình yêu của họ".

Bức ảnh về người cha N. Vladimirovich mà ông D. Currie còn lưu giữ được.

Các chuyên gia mỹ thuật quyết định đem bức họa cũ về London thẩm định bằng các phương tiện kỹ thuật tân tiến nhất. Kết quả cho thấy đó là một bức tranh vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên vải theo trường phái lập thể trừu tượng, được sáng tác vào giai đoạn giữa thập niên 50 thế kỷ trước. Riêng chữ ký của Pablo Picasso ở góc phải bên dưới, cũng phù hợp với thói quen cố hữu của ông. "Đây là một trong những kiệt tác nghệ thuật chưa từng được công bố của Picasso; cũng như không tồn tại sự tranh chấp bản quyền sở hữu tác phẩm", các chuyên viên thẩm định nghệ thuật cho biết.

Ngay lập tức bức tranh này được các nhà sưu tập quốc tế định giá không dưới 100 triệu bảng Anh, khiến chủ nhân kiệt tác nghệ thuật là ông D. Currie sẽ trở thành một trong những người giàu có nhất ở miền Đông Scotland. Sở dĩ bức họa mà ông D. Currie hưởng quyền thừa kế có mức giá "khủng khiếp" nêu trên, căn cứ vào một bức tranh tương tự có tựa đề tiếng Pháp "Les Femmes d'Alger - Version O" (Phụ nữ Algiers - Phiên bản O), được P. Picasso vẽ trong thời gian sinh sống ở Pháp giống như khi sáng tác bức kiệt tác nói trên, đã được bán với giá  179,365 triệu USD (khoảng 115 triệu bảng) tại chi nhánh Nhà bán đấu giá Christie's ở New York (Mỹ) vào đầu tháng 5 vừa qua, trở thành tác phẩm hội họa đắt giá nhất trong lịch sử tồn tại các cuộc bán đấu giá trên thương trường quốc tế.

Trần Hồng (theo The Observer)
.
.