Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên:

Chinh phục người tiêu dùng trong nước không đơn giản

Thứ Sáu, 19/08/2016, 20:43
Sự phát triển mạnh mẽ của Vinamilk làm nhiều người bất ngờ, trong đó có cả những ý kiến cho rằng thành công này là do có yếu tố “công ty Nhà nước”. Nhưng thực tế, vị thế mà Vinamilk có được ngày hôm nay là do đã thấu hiểu khách hàng, đi lên từ nội lực và sáng tạo.

Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên khẳng định, chinh phục người tiêu dùng trong nước là nhiệm vụ vô cùng khó khăn bởi Việt Nam không có kinh nghiệm về sản xuất sữa. “Chúng tôi đã khôi phục nhà máy sản xuất sữa bột Dielac vào năm 1987 nhưng thật sự trong suốt nhiều năm sau đó, chúng tôi vẫn chưa thuyết phục được người tiêu dùng nội địa tìm đến sản phẩm của mình. Thời điểm đó, sữa bột ngoại nhập luôn là lựa chọn ưu tiên cho các bà mẹ Việt” – bà Liên nhớ lại.

Để chinh phục người dùng trong nước, Vinamilk đẩy mạnh nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm riêng biệt cho các nhóm đối tượng khách hàng khác nhau. Các sản phẩm của công ty đều dựa trên các nghiên cứu quốc tế, nhưng vẫn phù hợp với thể trạng người Việt Nam. Do vậy, thành phần dinh dưỡng của sản phẩm tương đương ngoại nhập nhưng giá thành chỉ bằng 50%.

“Từ thị phần chưa tới 8%, đến nay, dòng sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em của Vinamilk đã đạt mức hơn 40%. Chúng tôi rút ra một điều, muốn thay đổi một thói quen cần phải có thời gian. Với người tiêu dùng nội địa thì phải thật kiên trì, nhẫn nại mới có kết quả tốt được” – Tổng giám đốc Vinamilk chia sẻ.

Bà Mai Kiều Liên kiểm tra dây chuyền sản xuất tại siêu nhà máy sữa Việt Nam

Được thành lập năm 1976, khi đó Vinamilk chỉ có hai nhà máy sản xuất sữa đặc với công nghệ lạc lậu cùng doanh số rất nhỏ bé. Năm 2003, Vinamilk tiến hành cổ phần hoá với mức vốn hóa chỉ khoảng 2.300 tỷ đồng. Đến năm 2016, giá trị vốn hóa thị trường của Vinamilk (theo số liệu ngày 15/8/2016) khoảng gần 205.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 9,2 tỷ USD), tăng 88 lần so với năm 2003 và là công ty niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay.

Khi cổ phần hoá, vốn Nhà nước tại Vinamilk là 80%, tương đương 1.840 tỷ đồng. Đến năm 2016, với 44,73% cổ phần đang nắm giữ, nguồn vốn Nhà nước đã tăng lên 91.500 tỷ đồng. Cùng với số tiền Nhà nước thu về khi bán bớt cổ phần và cổ tức đã nhận từ năm 2004 là 14.000 tỷ đồng thì Vinamilk đã làm tăng giá trị phần vốn Nhà nước tại công ty lên đến 57 lần so với năm 2003.

Trao qua cho trẻ em nghèo ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Mặc dù các cuộc viễn chinh ra nước ngoài của Vinamilk đều rất thành công song theo bà Mai Kiều Liên, đầu tư ra nước ngoài cần rất thận trọng bởi nó chứa nhiều rủi ro về khoảng cách địa lý, về văn hóa và phong cách quản lý.

“Vinamilk đầu tư theo chiến lược lâu dài chứ không phải theo từng công ty hay từng quốc gia đơn lẻ. Chúng tôi đầu tư vào nhà máy sản xuất sữa bột tại New Zealand vì đây là nguồn cung cấp sữa nguyên liệu cho toàn thế giới. Việc mua lại nhà máy Driftwood tại Mỹ lại để khẳng định cho thế giới thấy rằng một tập đoàn sữa của Việt Nam đã có mặt tại một cường quốc sản xuất sữa của thế giới với những yêu cầu khắt khe nhất về chất lượng và môi trường cạnh tranh khắc nghiệt. Văn phòng của Vinamilk ở Ba Lan là một đầu mối và trạm trung chuyển để công ty vươn ra toàn châu Âu. Khi người tiêu dùng chấp nhận sản phẩm của Vinamilk và nhu cầu đủ lớn chúng tôi mới xây dựng nhà máy” – bà Liên nói.

Vị thuyền trưởng của Vinamilk nhấn mạnh thêm, trong thời gian tới, Vinamilk vẫn tiếp tục kế hoạch mở rộng ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu và duy trì chiến lược mua bán sáp nhập để tăng tốc phát triển. 


Khánh Vy
.
.