Gỡ vướng cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi

Thứ Bảy, 18/04/2020, 08:16
Thiết lập đường dây nóng xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến Thông tư số 01, xử lý những trường hợp thiếu trách nhiệm, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp (DN), người dân khi vay vốn theo gói tín dụng hỗ trợ cho DN vượt qua khó khăn trong đại dịch COVID-19… là một loạt những biện pháp mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo trước phản ánh nhiều DN khó vay vốn ưu đãi.


Chưa thực hiện được10% vốn

Tại Báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, theo đánh giá sơ bộ, dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ước tính lên tới 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống.

Thông tin do NHNN cập nhật cũng cho biết, từ khi thực hiện Thông tư 01 về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 (ban hành ngày 13-3), các tổ chức tín dụng (TCTD) bước đầu đã cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với dư nợ 17.927 tỷ đồng; thực hiện miễn giảm lãi suất cho 6.427 khách hàng với dư nợ 125.242 tỷ đồng, số lãi được miễn, giảm khoảng 300 tỷ đồng.

Ngoài ra, các TCTD cũng đã cho vay mới 354.286 khách hàng với doanh số cho vay đạt hơn 165 nghìn tỷ đồng. Như vậy, không tính đến lượng vốn vay mới thì số dư nợ hiện hữu đã được thực hiện giãn nợ, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn, giảm lãi suất đạt tổng cộng trên 143.000 tỷ đồng. So với con số 2 triệu tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng thì con số này còn quá nhỏ, chưa đến 10%.

Hiện nay, có thực tế là việc hỗ trợ các DN của ngân hàng đang có nhiều vướng mắc. Theo phản ánh của một số DN trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng thì họ đã nộp đơn tới ngân hàng để đề nghị được thực hiện giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi suất hoặc cho vay mới theo các gói ưu đãi nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Hiện ngân hàng vẫn đánh giá mức độ tín nhiệm của từng DN theo tiêu chuẩn thông thường, thay vì dịch bệnh và đòi tài sản thế chấp nếu DN muốn vay vốn để duy trì hoạt động- điều này dường như bất khả thi với nhiều DNNVV trong thời điểm này.

 Đấy là chưa kể hàng loạt khó khăn khác khi chứng minh sự thiệt hại của DN vì dịch bệnh. Ngay cả Bộ Công thương mới đây cũng cho biết, hầu như các DN thuộc ngành này rất khó tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng, bởi NHNN dành nhiều quyền tự quyết cho các ngân hàng thương mại. Trong khi bản thân các ngân hàng cũng hoạt động theo cơ chế của DN, phải chịu sức ép về chỉ tiêu lợi nhuận với cổ đông. Vì vậy, các ngân hàng hạn chế hỗ trợ DN đang chịu ảnh hưởng dịch bệnh do sợ ảnh hưởng lợi nhuận và kết quả kinh doanh… 

Phía ngân hàng thì lý giải, do họ phải đánh giá các hồ sơ một cách cẩn trọng sao cho việc hỗ trợ là đúng, trúng và tối ưu cho cả hai bên. Ngoài ra, việc thực hiện hỗ trợ này cũng phải chuẩn chỉnh theo đúng quy trình đã được hướng dẫn từ cơ quan quản lý.

Chia sẻ những khó khăn này của ngân hàng, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khi cung cấp gói hỗ trợ tín dụng, các ngân hàng cũng phải đánh giá và thẩm định khả năng thu hồi nợ. Ngân hàng không thể cho các DN vay vốn vô điều kiện, bởi đó là nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại bỏ ra. Bản thân ngân hàng cũng là một DN và họ phải đảm bảo khả năng thu hồi nợ.

Ngân hàng hạ lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp

Trước thực tế được phản ánh, Thống đốc NHNN yêu cầu Giám đốc NHNN Chi nhánh các tỉnh, thành phố thiết lập ngay số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý kịp thời, triệt để các kiến nghị, đề xuất và khó khăn, vướng mắc của người dân, DN, các Hiệp hội trên địa bàn liên quan đến Thông tư 01; thông báo công khai số điện thoại đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi các Hiệp hội DN trên địa bàn để DN, người dân biết.

Lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp giảm từ 1-4,5%/năm.

Người đứng đầu ngành Ngân hàng yêu cầu phải thành lập bộ phận thường trực tại NHNN Chi nhánh để tiếp nhận, xử lý kịp thời, triệt để các phản ánh, kiến nghị, đề xuất của DN, người dân qua đường dây nóng. Giám đốc NHNN Chi nhánh trực tiếp chỉ đạo xử lý cụ thể và chịu trách nhiệm trước Thống đốc NHNN nếu không giải quyết thỏa đáng, kịp thời các phản ánh, kiến nghị, đề xuất liên quan đến Thông tư 01 trên địa bàn.

Đối với các phản ánh, kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền, NHNN Chi nhánh chủ động liên hệ ngay với Văn phòng NHNN, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế và các đơn vị liên quan thuộc NHNN để phối hợp xử lý.

Cùng với đó, Thống đốc cũng yêu cầu Giám đốc NHNN Chi nhánh các tỉnh, thành phố thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo các TCTD, chi nhánh TCTD trên địa bàn triển khai quyết liệt Thông tư 01 và hướng dẫn của Hội sở chính; xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp thiếu trách nhiệm, gây khó khăn, phiền hà cho DN, người dân dẫn đến các thắc mắc, khiếu kiện.

Trước đó, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng chỉ đạo những ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm khoảng 40% lợi nhuận để hỗ trợ DN. Được biết, số liệu cập nhật đến thời điểm sáng 17/4 đã có thêm nhiều ngân hàng đưa ra các gói tín dụng khác nhau để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, không chỉ DNNVV mà cả nhóm các DN lớn, các tập đoàn và cả khách hàng cá nhân, tổng quy mô lên đến hơn 600.000 tỷ đồng – cao gấp hơn 2 lần so với dự tính ban đầu. Lãi suất cho vay cũng giảm sâu hơn so với dự kiến ban đầu, hiện dao động phổ biến từ 1% cho đến 4,5% (mức giảm sâu nhất thuộc về HDBank).

Hà An
.
.