Nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến

Thứ Năm, 05/12/2019, 07:47
Thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đang có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình những năm qua là từ 25%-30%/năm. Riêng năm 2018, tốc độ tăng trưởng TMĐT Việt Nam đạt mức 30% với tổng doanh thu bán lẻ TMĐT (B2C) đạt trên 8 tỷ USD.


Đặc biệt, từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam – Online Friday” là ngày mua sắm lớn nhất, là chương trình thường niên trong năm. Năm 2019, ngày mua sắm trực tuyến diễn ra ngày 6-12 tới, dự kiến có khoảng hơn 2.500 tỷ đồng được giao dịch trong ngày và với “Gian hàng Quốc gia Việt Nam”, hàng hóa Việt sẽ được bán trên các sàn TMĐT trong nước và sàn TMĐT ở nước ngoài...

Theo Bộ Công Thương, năm 2014 tổng giá trị giao dịch trong ngày Online Friday ước tính 154 tỷ đồng tăng 2,48 lần so với ngày trung bình trong năm. Đến năm 2017, ngày Online Friday tổng giá trị hàng hóa giao dịch ước hơn 1.500 tỷ đồng với 1.500 website tham gia, 3.000 nhà bán hàng, shop bán hàng, 97.000 sản phẩm được cập nhật trên hệ thống; năm 2018, ngày Online Friday có 1.800.000 đơn hàng thành công, tổng giá trị hàng hóa giao dịch khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.

Năm nay, có hơn 1.000 thương hiệu với 50.000 mặt hàng tham gia giảm giá, dự kiến có hơn 2.500 tỷ đồng được giao dịch trong ngày Online Friday... Sự kiện ngày Online Friday đã kết nối các doanh nghiệp (DN) bán hàng và người tiêu dùng (NTD), kích hoạt TMĐT phát triển và làm thay đổi hành vi mua sắm của NTD trong thời đại số.

Thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển mạnh.

Ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất Việt Nam 2019 quy tụ các sàn TMĐT như: Shopee, Tiki, Sendo, Voso, Sanhangre..., các DN sản xuất như Oppo, Habeco... các nhà phân phối hàng chính hãng để triển khai các chương trình với mức giảm giá sâu độc quyền đến 70%, gồm các ngành hàng nhu yếu phẩm phục vụ Tết, đồ gia dụng, công nghệ, mỹ phẩm, thời trang, vé máy bay, sách và văn phòng phẩm...

Một điểm nhấn quan trọng của Chương trình Online Friday 2019 là công bố “Gian hàng Quốc gia Việt trên sàn TMĐT tại Việt Nam” được chính thức khai trương và vận hành. Ông Bùi Huy Hoàng, Tổ thư ký chương trình “Gian hàng Quốc gia Việt” cho biết, trong bối cảnh thị trường TMĐT còn nhiều biến động, tình trạng hàng giả, hàng nhái còn nhiều và các DN Việt tham gia sàn TMĐT chưa nhiều, Bộ Công Thương đã có ý tưởng cùng với Công ty cổ phần Công nghệ Sen đỏ (Sendo) và Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) hợp tác chặt chẽ tạo ra một “sân chơi”, nhằm hỗ trợ phát triển DN Việt.

Theo đó, các DN Việt có sản phẩm chất lượng đều có thể tham gia phân phối trên sàn TMĐT Sendo (của Công ty cổ phần Công nghệ Sen đỏ) và sàn TMĐT Voso (của Tổng công ty Bưu chính Viettel). Hàng hóa được bán trên các sàn TMĐT này phải là hàng chính hãng, xuất xứ rõ ràng, được “bảo chứng” bởi Bộ công thương nên NTD sẽ rất yên tâm mua sắm.

Ngoài ra, Bộ Công thương hiện cũng đang đàm phán với các đối tác nước ngoài, lựa chọn những sản phẩm Việt Nam chất lượng tốt để phân phối ra thị trường quốc tế, trước mắt là thị trường Trung Quốc. Hiện, có khoảng hơn 10 thương hiệu lớn đồng hành với Bộ Công Thương để ra mắt “gian hàng quốc gia Việt Nam” ở nước ngoài như: TH True Milk, gạo Lộc Trời, Vinacacao...

Hoạt động TMĐT xuyên biên giới dự kiến sẽ vận hành vào cuối tháng 12-2019. Đây là định hướng của Bộ Công Thương trong việc hỗ trợ cho DN Việt trong nước và phát triển xuất khẩu thông qua TMĐT.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chia sẻ, giai đoạn đầu “Gian hàng Quốc gia Việt” thực hiện tại hai sàn Sendo và Voso. Thời gian tới là sẽ mở rộng sang các sàn TMĐT khác trong nước. “Mục đích của chúng tôi là tạo ra một gian hàng Việt để chúng ta tập trung vào đó tất cả các mặt hàng thật sự chất lượng, có tính cạnh tranh cao để khi NTD vào mua thì họ thấy mặt hàng thật sự họ muốn tìm. Đây là mấu chốt để phát triển thị trường nội địa và xuất khẩu”, ông Hải khẳng định.

Ông Trần Hải Linh, Tổng Giám đốc sàn TMĐT Sendo nhận định, TMĐT Việt Nam phát triển nhanh trong những năm qua. Theo cáo cáo của các quỹ đầu tư lớn trên thế giới, TMĐT Việt Nam trong 5 năm tiếp theo sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong toàn khu vực Đông Nam Á và trở thành nền kinh tế số đứng thứ 2 toàn khu vực.

Đánh giá về tính nhạy bén của DN Việt, ông Linh cho rằng, năm 2012-2013 khi TMĐT Việt Nam “bùng nổ” số lượng hàng hóa của DN Việt không nhiều, phần lớn là hàng hóa du nhập từ các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc. Nhưng điều đáng mừng là khoảng 2-3 năm nay, các DN Việt bán hàng trên sàn TMĐT có sự chuyển dịch rõ ràng, từ hàng sản xuất Trung Quốc dịch chuyển về sản xuất tại Việt Nam. Theo đó, DN tự quản lý chất lượng, xây dựng thương hiệu, thiết kế...

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, sẽ hỗ trợ gắn kết hoạt động TMĐT vào đề án phát triển thị trường trong nước do Chính phủ vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và đề án “thúc đẩy DN Việt Nam tham gia hệ thống phân phối hàng hóa ra nước ngoài”.

Đặc biệt, giữa tháng 12-2019 này, Vụ Thị trường trong nước sẽ “kết nối” chương trình “mỗi xã 1 sản phẩm”, đang hoạt động trên môi trường offline, hy vọng sắp tới là online. Với “mỗi xã 1 sản phẩm”, địa phương và Chính phủ kỳ vọng bán được hàng cho nông dân và hỗ trợ cho các HTX phát triển.

Song hành với tốc độ phát triển của TMĐT cũng phát sinh nhiều vấn đề liên quan. Do tính chất đặc thù của TMĐT là người mua và người bán không gặp mặt mà chỉ liên lạc trên môi trường mạng, cho phép người mua tìm kiếm dễ dàng, nên hàng gian, hàng giả, cũng xuất hiện ngày càng nhiều với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Để ngăn chặn tình trạng này, hướng đến phát triển mạnh mẽ hoạt động TMĐT, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức những lớp tập huấn để bảo vệ NTD trong TMĐT, hoặc nói không với hàng giả trong TMĐT, mục tiêu là để tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị thực thi trong công tác chống hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... trên môi trường internet. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các DN sở hữu các website TMĐT trong việc bảo vệ NTD.

Các đơn vị bán hàng phải cam kết bán hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng gian, hàng giả. Ông Trần Hải Linh cho biết, với các sàn TMĐT, có hàng trăm người bán trên sàn nên rất khó kiểm soát hàng hóa. Vì vậy, cần phải đầu tư công nghệ để gạn lọc những sản phẩm không đúng tiêu chí. Sendo đã đầu tư công nghệ này và đạt được kết quả tốt.

Thúy Hà
.
.