Bị delay, hành khách được đảm bảo quyền lợi như thế nào?

Thứ Hai, 14/08/2023, 05:17

Cục Hàng không Việt Nam cho hay, trong tháng 7 cao điểm hè, tỉ lệ các chuyến bay bị chậm của toàn ngành hàng không tăng lên tới hơn 20%, nguyên nhân chính là máy bay về muộn và do các hãng hàng không.

Điều này khiến không ít khách hàng lo lắng về chất lượng dịch vụ của các hãng hàng không. Sắp tới kỳ nghỉ lễ 2/9, theo khảo sát, giá vé máy bay được các hãng mở bán dịp này không hề rẻ, liệu quyền lợi của khách hàng có được đảm bảo?

Tháng cao điểm hè, hơn 20% chuyến bay bị delay

Chiều 13/8, theo khảo sát của phóng viên, vé máy bay chặng nội địa trên các trang bán vé trực tuyến của các hãng hàng không còn khá nhiều. Tuy nhiên, giá vé trước trong và sau kỳ nghỉ lễ 2/9 lại không hề rẻ. Cụ thể, nếu chọn bay từ chiều 31/8 (thứ Năm), trở về ngày 4/9 (thứ Hai), chặng Hà Nội- TP Hồ Chí Minh của VietNam Airlines có giá từ 2,1 triệu - 7,6 triệu đồng/chiều.

hành khách sử dụng vneid tại điểm kiểm soát giấy tờ tùy thân  (1).jpg -0
Hành khách qua cửa kiểm soát an ninh trước khi lên máy bay.

Nếu muốn chọn vé rẻ hơn chừng vài trăm ngàn/chặng, khách có thể bay các chuyến đêm (thường khởi hành sau 22h). Với các chặng bay khứ hồi Hà Nội - Phú Quốc (đi ngày 31/8 hoặc 1/9, chiều về ngày 4/9 hoặc 5/9), giá vé của các hãng Vietjet, Bamboo Airways, Vietnam Airlines, Vietravel Airlines cũng có giá thấp nhất từ 2,5 triệu đồng/vé, giá cao nhất hạng phổ thông có giá hơn 5,2 triệu đồng, thậm chí có khung giờ giá vé hạng thương gia lên tới hơn 7 triệu đồng/chiều. Cũng chặng bay này, nếu chọn thời điểm trước hoặc sau dịp nghỉ lễ từ 5-10 ngày, giá cao nhất 3,2 triệu đồng, giảm gần 40% so với giá trong kỳ nghỉ lễ.

Ở những chặng bay khác từ TP Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang, Quy Nhơn, Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng hay chặng Hà Nội đi Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang, Quy Nhơn… giá vé khứ hồi của cả Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways cũng dao động từ 3,2 - 4,5 triệu đồng. Mức giá này cũng vẫn cao gấp đôi ngày bình thường.

Dịp Quốc khánh năm nay, giá vé máy bay cao nhất thuộc về đường bay ít chuyến và ít hãng khai thác, như đường bay Hà Nội - Tuy Hòa (Phú Yên). Với chặng bay này, giá vé khứ hồi của hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways xấp xỉ 6 triệu đồng; TP Hồ Chí Minh - Đồng Hới (Quảng Bình) xấp xỉ 5 triệu đồng. Trong khi đó, các hãng Pacific Airlines, Vietravel Airlines có giá rẻ hơn từ 300 - 500 nghìn đồng/vé.

Mặc dù giá vé đi lại bằng máy bay khá cao, song việc chậm, huỷ chuyến, nhất là vào dịp hè, nghỉ lễ khiến không ít người dân băn khoăn. Anh Thái Sơn (Thanh Trì - Hà Nội) chia sẻ: Anh từng rơi vào hoàn cảnh bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua vé máy bay đi nghỉ dịp lễ, thế nhưng liên tục nhận được thông tin máy bay lùi giờ bay, khiến cả nhà vạ vật ở sân bay rất vất vả.

Điều nhiều người dân lo lắng, không phải không có lý khi mà mới đây theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 7-2023, các hãng hàng không Việt Nam thực hiện 28.260 chuyến bay. Trong đó có 22.078 chuyến đúng giờ, chiếm tỉ lệ đúng giờ (OTP) là 78,12%, giảm 2 điểm phần trăm so với tháng trước. 6.182 chuyến bị chậm giờ chiếm tỉ lệ: 21,88%, tăng 2 điểm phần trăm so với tháng 6. Có 125 chuyến bay bị hủy, chiếm tỉ lệ: 0,4%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước.

Cũng theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chuyến bay cất cánh trễ giờ trong tháng 7 là do máy bay về muộn (3,7%) và do các hãng hàng không (4,5%). Cũng trong tháng 7, có 125 chuyến bay bị hủy, chiếm 0,4% tổng số chuyến bay, tăng so với tháng trước, nguyên nhân chủ yếu là lý do khai thác.

Bộ Giao thông Vận tải có quy định mới bồi thường chậm, huỷ chuyến

Bộ Giao thông Vận tải mới ban hành Thông tư số 19/2023 có quy định rõ hơn về việc bồi thường chậm huỷ chuyến. Thông tư sẽ có hiệu lực áp dụng từ ngày 1/9/2023.

Một cán bộ Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Thông tư 19/2023 quy định nghĩa vụ của hãng hàng không đối với hành khách đã được xác nhận chỗ và có vé trên chuyến bay trong trường hợp chuyến bay bị hủy hoặc khởi hành sớm - muộn hơn do lỗi của hãng.

Cụ thể, trường hợp chuyến bay khởi hành trễ trên 15 phút so với lịch bay được cập nhật đến 22h hôm trước, hãng hàng không cần thông báo ngay và xin lỗi hành khách. Đồng thời, bảo đảm việc ăn, nghỉ, đi lại cũng như chịu các chi phí khác liên quan trực tiếp, phù hợp với thời gian chờ đợi tại sân bay.

Với chuyến bay chậm từ 2 giờ trở lên, hãng phải chuyển đổi miễn phí hành trình phù hợp hoặc chuyển sang chuyến bay khác để hành khách tới được điểm cuối của hành trình. Đối với chuyến bay chậm 4 giờ trở lên, hãng phải bồi thường ứng trước không hoàn lại bằng tiền hoặc hình thức phù hợp khác cho hành khách đã được xác nhận chỗ và có vé trên chuyến bay.

Với chuyến bay chậm từ 5 giờ trở lên, trường hợp hành khách không có nhu cầu đi nữa thì có quyền yêu cầu hãng hoàn trả tiền vé. Với chuyến bay bị hủy mà không thông báo trước, hãng bồi thường ứng trước không hoàn lại, chuyển đổi miễn phí hành trình phù hợp cho hành khách hoặc chuyển sang chuyến bay khác. Trường hợp hành khách từ chối áp dụng điều trên, hãng hàng không hoàn trả toàn bộ tiền vé hoặc hoàn trả tiền phần vé chưa sử dụng.

Đối với chuyến bay khởi hành sớm hơn 15 phút do lỗi của hãng hàng không, hành khách đã được xác nhận chỗ nhưng không được vận chuyển và không nhận được thông báo về việc thay đổi thời gian hay không đồng ý với việc thay đổi này, hãng có trách nhiệm như trường hợp chuyến bay bị hủy.

Cục Hàng không Việt Nam lưu ý hành khách cần nắm rõ quyền lợi của mình để đưa ra yêu cầu với đại diện hãng hàng không. Khi gặp tình huống hoãn, hủy chuyến bay, nếu có yêu cầu bảo đảm quyền lợi nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng, hành khách có thể phản ánh đến đường dây nóng của cảng vụ hàng không theo số điện thoại công khai tại các sân bay. Trường hợp hãng hàng không vi phạm quy định về nghĩa vụ của mình với hành khách, tùy mức độ vi phạm, cảng vụ hàng không hoặc thanh tra Cục Hàng không Việt Nam sẽ xem xét, xử phạt hành chính.

Đặng Nhật
.
.