Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh – “chìa khóa” cho tăng trưởng

Thứ Ba, 08/03/2022, 07:59

Tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh không chỉ giúp Việt Nam gia tăng cơ hội thu hút đầu tư mà còn nâng cao sức cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Đây được coi như là động lực và là “chìa khoá” cho tăng trưởng trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Cắt giảm hơn 50% điều kiện kinh doanh

Mới đây, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, hơn 1.200 thành viên EuroCham đều đưa ra tín hiệu lạc quan, tin tưởng vào trạng thái “bình thường mới” của Việt Nam, thể hiện qua Chỉ số Môi trường kinh doanh của EuroCham (BCI), đã tăng từ 42 điểm lên 61 điểm vào tháng 1/2022. Khi COVID-19 dần được kiểm soát, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) sẽ sớm thực hiện, Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các quốc gia châu Âu.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh – “chìa khóa” cho tăng trưởng -0
Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được đánh giá là trợ lực hữu hiệu cho doanh nghiệp hồi phục và phát triển trong và sau dịch COVID-19.

Cùng với đó, bà Amy Luinstra, quyền Giám đốc Quốc gia cao cấp của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cũng đã ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện môi trường kinh doanh thời gian qua. Theo bà Amy Luinstra, năm 2021, dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, nhưng Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu đáng kể trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN. Nhờ đó, thu hút đầu tư nước ngoài đã phục hồi, xuất khẩu tăng trưởng 2 con số, kinh tế vĩ mô được giữ vững.

Trên thực tế, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam những năm gần đây đã có sự cải thiện tích cực, được cộng đồng DN trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, từ năm 2014, Chính phủ đã xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững là một trọng tâm cải cách, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.

Theo đó, hằng năm Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua Nghị quyết số 19/NQ-CP (từ năm 2014-2018) và Nghị quyết 02/NQ-CP (từ năm 2019-2022). Với sự quyết tâm đó, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đã đạt được những kết quả khá tích cực, điều này không chỉ thể hiện ở sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương về cải thiện môi trường kinh doanh thời gian qua mà còn thể hiện qua các chỉ số đạt được.

Cụ thể, từ năm 2017-2019, Chính phủ cũng đã ban hành đến 40 văn bản về cải thiện môi trường kinh doanh. Đến năm 2019, cắt giảm đến hơn 50% số điều kiện kinh doanh theo báo cáo của các bộ, ngành. Cùng với đó, nhiều chỉ số về môi trường kinh doanh cũng được cải thiện tích cực, số lượng ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện được thu gọn, từ 267 ngành nghề vào năm 2014 giảm xuống còn 243 ngành nghề vào năm 2016 và giảm tiếp xuống còn 227 ngành nghề vào năm 2020…

“Như vậy, về mặt hình thức thì chúng ta đã nhìn thấy số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được cắt giảm và điều kiện kinh doanh được cắt giảm tương ứng. Có thể nói, đây là điểm sáng trong cải cách môi trường kinh doanh thời gian qua”, bà Nguyễn Minh Thảo cho hay.

Cùng với đó, tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành cũng giảm mạnh từ 16,62% vào năm 2015 xuống còn 15,3% vào năm 2016; xuống 8% năm 2017; 4,8% vào năm 2018 và 6,62% vào năm 2019. Thời gian thông quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được rút ngắn, như tại tỉnh Quảng Ninh, hàng xuất khẩu năm 2016 có thời gian thông quan 21 giờ thì đến năm 2020 còn 2,5 giờ, giảm 88%; thời gian thông quan với hàng hoá nhập khẩu 39 giờ năm 2016 thì đến năm 2020 còn 10 giờ, giảm 74%.

Theo ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), yếu tố quan trọng nhất để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cũng như duy trì chuỗi cung ứng là môi trường pháp lý phải công bằng, minh bạch, coi trọng sự đổi mới. Điều này không chỉ kích thích mà còn duy trì, tăng trưởng dòng vốn đầu tư nước ngoài đã có trước đó.

Doanh nghiệp cần sự minh bạch trong các thủ tục

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng từ cuối năm 2019 đến nay, nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh đang có dấu hiệu chững lại. Ngành nghề kinh doanh có điều kiện tuy thu gọn về số lượng, nhưng chưa thực chất, số lượng dịch vụ công trực tuyến theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương được cải thiện mạnh mẽ, nhưng thực tế thì còn hình thức, nỗ lực cải cách ở một số địa phương chưa rõ nét, chưa bám sát thực tiễn với DN.

Cùng với đó, các ý kiến của đại diện các hiệp hội DN cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức thể hiện qua mức độ thị trường giảm, năng suất lao động bị ảnh hưởng, nguy cơ đứt gãy của chuỗi cung ứng có thể xảy ra và gia tăng các khoản vay. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động, khả năng cạnh tranh của khu vực DN, mà còn tiềm ẩn những rủi ro, ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Do vậy, vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cần được Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, coi đó là nhiệm vụ xuyên suốt để tiến đến mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững. 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho rằng, để cải thiện môi trường kinh doanh hiệu quả, thiết thực cho DN rất cần sự đồng bộ, đồng tâm của các bộ, ngành, địa phương trên cả nước. Theo đó, những năm qua, Tổng cục Hải quan đã tập trung thay đổi về tư duy, cách nghĩ, cách làm trong quản lý, từ đó thay đổi thái độ phục vụ, lời nói với DN, người dân. Hằng năm đều tổ chức các cuộc đối thoại với DN để lắng nghe tâm tư của DN và giải thích cho họ hiểu, bởi thứ DN cần chính là minh bạch trong các thủ tục.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là vấn đề quan trọng. Trong đó, cần tạo thuận lợi cho cho DN và nền kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhiệm vụ này càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn, trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhằm tận dụng cơ hội tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư hậu COVID-19.

Để nền kinh tế Việt Nam có thể phục hồi, bà Virginia Foote, Phó Chủ tịch AmCham tại Hà Nội cho rằng, Việt Nam đã làm rất tốt việc duy trì chuỗi cung ứng trong suốt 2 năm vô cùng khó khăn này. Trong tương lai tăng trưởng, khi tất cả các quốc gia đang cạnh tranh về chuỗi cung ứng, thì một môi trường pháp lý công bằng, minh bạch và có thể dự đoán được, coi trọng sự đổi mới là con đường tốt nhất không chỉ để thu hút đầu tư mới mà còn để duy trì và tăng trưởng đầu tư đã có ở Việt Nam.

Đồng thời, “AmCham kêu gọi Chính phủ ổn định chính sách thuế trong những năm tới để giúp DN phục hồi và tăng trưởng bền vững. Chúng tôi cho rằng, hiện tại không phải là thời điểm thích hợp để tăng hoặc mở rộng thuế đối với DN”, bà Virginia Foote cho hay.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để góp phần hiện thực hóa mục tiêu và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đã đặt ra, VCCI đề xuất Chính phủ tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định hỗ trợ DN; hỗ trợ hiệu quả DN tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Lưu Hiệp
.
.