Doanh nghiệp cần "5T" khi mở cửa trở lại

Thứ Ba, 12/10/2021, 09:46

Chiều 11/10, tại Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội (Hanoisme) tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: "Doanh nghiệp Việt bản lĩnh, sáng tạo và trách nhiệm trước đại dịch".

Dịch bệnh kéo dài khiến doanh nghiệp (DN) kiệt quệ. Giải pháp dần mở cửa trở lại đã được Chính phủ và các địa phương tính đến và thực hiện từng phần. Tuy nhiên, theo TS Vũ Tiến Lộc, mở cửa không phải chỉ là thực hiện biện pháp hành chính một cách cơ học, mà mở cửa chính là gói hỗ trợ cho DN để DN "thở" được. "Các biện pháp mở cửa thị trường của chúng ta trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác đã kiểm soát được dịch COVID-19 thực sự là tín hiệu vui để tái khởi động, phục hồi nền kinh tế và là dấu mốc đánh dấu sự trở lại của các DN.

Tất nhiên, sự trở lại này vẫn còn vô vàn khó khăn đi kèm", ông Lộc nhận định và chỉ rõ cộng đồng DN Việt Nam đã và đang phải đối mặt với 4 khó khăn lớn: Giãn cách xã hội dẫn đến gián đoạn thị trường; siết chặt đi lại của người lao động, sản xuất không diễn ra bình thường được; chuỗi cung ứng bị đứt gẫy, DN có hợp đồng không thể vận chuyển vật tư, nguyên vật liệu được và cố gắng duy trì sản xuất dẫn đến chi phí của DN đội lên rất lớn, đặc biệt chi phí ''3 tại chỗ''. Điều này dẫn đến hàng hóa sản xuất bị ùn ứ và nếu có sản xuất cũng không bán được hàng.

Doanh nghiệp cần
Để mở cửa, DN cần sự tiếp sức từ Chính phủ.

"Nhiều DN hiện nay đang trong tình trạng kiệt quệ. Số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2021, có 85.000 DN thành lập mới nhưng có tới 90.000 DN rời bỏ thị trường. Đây là lần đầu tiên số DN rời khỏi thị trường lớn hơn DN thành lập mới. Điều đáng nói là ngay cả các DN duy trì hoạt động tại chỗ cũng chỉ hoạt động được 10 - 15% công suất, ít DN nào hoạt động được công suất cao hơn vì không thể chịu nổi chi phí quá lớn", ông Lộc chia sẻ.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, để "mở cửa" cho DN trong thời điểm hiện nay, Chính phủ cần thực hiện giải pháp "5T" để hỗ trợ DN. Thứ nhất là "Trợ thở", thực chất là mở cửa một cách kiên định, mở cửa một cách nhanh chóng. Thứ hai là "Tiếp máu", đây là biện pháp liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội…Thứ ba là "Thúc đẩy" DN nâng cao năng lực cạnh tranh. DN không chỉ cần mở cửa, mà cần tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng lực của DN bằng các khóa đào tạo, tập huấn.Thứ tư là cải cách "Thể chế", cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường cạnh tranh. Thứ năm là "Tổ chức" các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối lại thị trường.

Cùng chung quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh cũng cho rằng, bây giờ chúng ta đang bắt đầu mở cửa trở lại, DN phải có kế hoạch để phục hồi nhanh, tìm thị trường và nguồn lao động.

Trong khi đó, đại diện cho cộng đồng DN nhỏ và vừa Hà Nội, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư kí Hanoisme cho rằng, để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển kinh tế mà vẫn đảm bảo an toàn chống dịch, Chính phủ và UBND TP Hà Nội cần đẩy mạnh chiến lược tiêm vaccine, phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm chủng 70% tổng dân số trong thời gian sớm nhất; đồng thời áp dụng các biện pháp nhất quán, đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương để duy trì cả cung và cầu trên thị trường, duy trì sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, ổn định thị trường tiêu dùng trong nước.

Bên cạnh đó, hỗ trợ DN, hợp tác xã, người dân thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh để phục vụ trực tiếp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống xã hội. Song song với đó, giảm thuế thu nhập DN bảo đảm đúng mục tiêu, trúng đối tượng là những DN, hợp tác xã đang giảm hoặc không có lợi nhuận do tác động tiêu cực của dịch bệnh...

Cho rằng phải hỗ trợ DN vượt khó khăn trong đại dịch bằng chính sách vốn, thuế, kích cầu..., ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất cần sửa 3 cơ chế: Từ cơ chế quản lý sang cơ chế làm việc, từ quản lý trách nhiệm sang khắc phục trách nhiệm, cái gì Nhà nước không cấm thì mở ra cho DN làm mà không phải cơ chế xin-cho. Ngoài ra, việc ứng dụng CNTT để hoạt động một cách rõ ràng, minh bạch trong quản lý là một cách hỗ trợ cho DN.

"Một điều đáng quan tâm là hiện nay, rất nhiều lao động ở phía Nam trở về quê dẫn đến sự thiếu hụt lao động cục bộ của các DN sản xuất phía Nam. Đăc biệt là khó khăn về lao động trong khu vực dịch vụ đang bị đứt gãy. Về các DN phía Bắc, nhiều DN đang cũng đang thiếu hụt lao động. Tuy nhiên, theo tôi đây cũng là cơ hội để một lượng lớn người lao động "ly nông bất ly hương", là cơ hội để chuyển dịch cơ cấu lao động",TS Vũ Tiến Lộc.

 

Hà An
.
.