Doanh nghiệp có niềm tin thị trường phục hồi

Thứ Sáu, 05/04/2024, 08:53

Quý I, cả nước có 36.244 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, đây là số DN thành lập mới trong quý I cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Điều này cho thấy các DN có niềm tin vào thị trường.

Doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên

Tổng cục Thống kê cho biết, số DN thành lập mới tăng cao cho thấy các DN có niềm tin vào kết quả hoạt động kinh tế của đất nước, nên đã tiếp tục tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong tháng 3/2024, số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 17.136 DN, lớn hơn số DN tạm thời hoặc rút lui khỏi thị trường là 10.531 DN.

998_0r7a7796 (1).jpeg -0
42,2% doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên trong quý II/2024.

Một bộ phận DN đang tạm dừng để sắp xếp lại kế hoạch sản xuất kinh doanh nhằm thích ứng với tình hình mới. Điểm đáng chú ý là DN rút lui khỏi thị trường đa phần là DN quy mô nhỏ (vốn dưới 10 tỷ đồng), chiếm gần 90% số DN rút lui khỏi thị trường, thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm), chủ yếu là DN hoạt động trong khu vực dịch vụ (chiếm trên 74%).

Đối với số liệu, số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường là 59.848 DN, thấp hơn số DN tạm thời hoặc rút lui khỏi thị trường là 73.978 DN, Tổng cục Thống kê lý giải, đây không phải là hiện tượng bất thường mà có tính chất quy luật của thị trường. Thông thường trong 3 tháng đầu năm, số DN đăng ký thành lập mới thường chưa nhiều, một phần do các DN còn lên kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện và tình hình tài chính của DN. Ngoài ra, trong quý I có Tết Nguyên đán, các DN thường có tâm lý qua Tết Nguyên đán mới triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2024 cho thấy: Có 22,1% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý IV/2023; 42,8% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 35,1% số DN đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý II/2024, có 45,4% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý I/2024; 36,6% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 18% số DN dự báo khó khăn hơn.

Về đơn đặt hàng, có 20,9% số DN có đơn đặt hàng quý I/2024 cao hơn quý IV/2023; 42,6% số DN có số đơn đặt hàng ổn định và 36,5% số DN có đơn đặt hàng giảm. Xu hướng quý II/2024 so với quý I/2024, có 42,2% số DN dự kiến có đơn hàng tăng lên; 40,7% số DN dự kiến có đơn hàng ổn định và 17,1% số DN dự kiến đơn hàng giảm.

Theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường, hiện nhiều DN thành viên Vinatex đã nhận đơn hàng đến tháng 6. Bên cạnh đó, ngành sợi đón nhận nhiều thông tin tích cực khi có nhiều khách hàng đàm phán, giao dịch cho những tháng tiếp theo. Tương tự, tại Tổng Công ty May 10, từ sau Tết đến nay, việc làm của người lao động ổn định khi đủ đơn hàng trong quý I và đơn hàng chính vụ đến tháng 8. Tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, lượng đơn hàng của đơn vị đã được ký đến hết tháng 6. Với lượng đơn hàng như vậy, TNG dự kiến nâng tổng công suất thêm 15% với việc triển khai thêm 45 chuyền may và tuyển thêm 3.000 công nhân.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), các đơn hàng tăng trở lại gần đây cho thấy, ngành Dệt may đang tiếp tục phục hồi. Tuy nhiên, trước những nguy cơ tiềm ẩn của thị trường, DN phải chủ động các giải pháp nhằm duy trì tăng trưởng, ổn định công ăn việc làm cho người lao động. Quý I, kim ngạch xuất toàn ngành dệt may đạt trên 9,53 tỷ USD, tăng 9,62% so với cùng kỳ và đây là tín hiệu vui cho ngành Dệt may vì đã có những khởi sắc. Tuy nhiên, để đạt kế hoạch đã đề ra năm 2024 là XK khoảng 44 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2023, ngành Dệt may cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

 Bà Phí Hương Nga, Vụ Thống kê xây dựng và công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết, các tiêu chuẩn sản xuất quốc tế ngày càng cao hơn, đảm bảo chất lượng nhưng phải xanh, phát triển bền vững, cho thấy quá trình đào thải, chọn lọc của thị trường diễn ra khắc nghiệt hơn. Các DN nếu không chủ động thích ứng sẽ không thể tồn tại và phát triển, DN còn hoạt động là những DN có tiềm năng và thực lực thực sự.

Do đó, để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, các cơ quan chức năng cần tạo cơ hội để các DN được giao lưu, tìm hiểu nhằm mục đích tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên vật liệu cũng như khách hàng mới. Hỗ trợ tuyên truyền, nâng cao vai trò của các ngành nghề trong xã hội, từ đó nâng cao tay nghề và trình độ của người lao động, giảm tình trạng thiếu lao động có tay nghề  và lao động tay nghề cao. Có các biện pháp kích cầu tiêu dùng hiệu quả nhằm hỗ trợ tiêu thụ và sản xuất hàng hóa, có các chính sách nhằm ổn định giá cả và nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho các DN.

Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Bên cạnh đó, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Tiếp tục rà soát các điều kiện cho vay, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi, hợp lý hơn để tăng tiếp cận tín dụng cho DN; thúc đẩy giải ngân các gói tín dụng.

Trân Trân
.
.