Doanh nghiệp đã tìm thấy "cửa sáng" năm 2024

Thứ Bảy, 03/02/2024, 08:02

Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2024, số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới tăng 24,8%, số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là điểm tích cực được ghi nhận trong tháng đầu tiên của năm 2024 và sự lạc quan đã quay trở lại, tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay.

Tín hiệu tích cực

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), số lượng DN thành lập mới trong tháng đầu tiên của năm 2024 đạt 13.536 DN, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2023. Số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường trong tháng đầu năm 2024 đạt 27.335 DN, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2023, gấp hơn 1,3 lần mức bình quân DN gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn 2018-2023 (20.891 DN).

Theo số liệu tổng hợp, đây là số DN gia nhập thị trường trong tháng đầu tiên của năm cao nhất từ trước đến nay, gấp 1,3 lần so với bình quân DN thành lập mới trong tháng 1 giai đoạn 2018-2023 (10.522 DN). Con số này tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2023. Điểm sáng thứ hai là quy mô vốn đăng ký bình quân của DN tiếp tục giữ đà phục hồi từ tháng 11 năm 2023, đạt 11,2 tỷ đồng/DN, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này cho thấy các chính sách của Chính phủ giúp DN khơi thông nguồn vốn từ nửa cuối năm 2023 tiếp tục phát huy hiệu quả, tăng niềm tin cho DN khi quyết định bỏ vốn vào sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp đã tìm thấy
Cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí.

Cùng với đó, với nỗ lực xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường XK, tìm kiếm những thị trường ngách, hàng hoá Việt Nam đã mở rộng được thị phần và đơn hàng khả quan hơn. Như ngành may mặc, đồ gỗ đã có đơn hàng trở lại. Bên cạnh đó, đà tăng của dòng vốn đầu tư nước ngoài năm 2023 tiếp tục được duy trì trong tháng đầu năm 2024 với mức tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước…

Theo Tổng cục Thống kê, số lượng DN thành lập mới năm 2024 dự báo tăng 2% so với 2023, đạt khoảng 162.500. Cùng với đó, triển vọng khoảng 68.000 DN quay lại hoạt động, tăng 16%. Như vậy, tổng cộng sẽ có thêm 230.500 DN gia nhập nền kinh tế năm 2024.

Nhìn nhận về xu hướng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Các chính sách hỗ trợ được ban hành năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn. Các động lực về đầu tư (đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, đầu tư công, DN nhà nước), tiêu dùng, du lịch và XK tiếp tục tăng. Tuy nhiên, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn. Lạm phát có dấu hiệu chậm lại nhưng một số nền kinh tế lớn được dự báo vẫn duy trì thắt chặt tiền tệ. Do các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam vẫn phục hồi chậm, thiếu bền vững, tăng trưởng thấp trong khi cầu tiêu dùng yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng, cùng đó diễn biến bất lợi của thế giới, khu vực dự báo sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh, công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư của Việt Nam.

Tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng cho thấy, ý kiến từ các DN cho rằng, để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, với tinh thần chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ thì các bộ, ngành và chính quyền các địa phương cần phải nỗ lực hơn, đặc biệt trong việc đồng hành cùng DN tháo gỡ 5 khó khăn chính. Đó là khó khăn về đơn hàng, dòng tiền, về vốn vay, thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, hiện chúng ta có gần 920.000 DN đang hoạt động, tuy nhiên chủ yếu có quy mô nhỏ bé, với gần 98% là các DN có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Thời gian qua, các DN chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau dịch bệnh COVID-19, lại tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do tác động của các bất ổn kinh tế, địa, chính trị thế giới. Do đó, với "sức khoẻ" Đã xuất cấp hơn 3,5 nghìn tấn gạo hỗ trợ Sóc Trăng dịp Tết còn yếu thì các DN khó có thể hấp thụ được nguồn vốn. Để trợ lực cho DN thì cần giải quyết vấn đề căn cơ, nguyên nhân gốc rễ thay vì xử lý vấn đề hiện tượng.

Vì vậy, để trợ lực cho DN, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN. Trong đó, cần tập trung giải quyết ngay những bất cập đã được DN phản ánh nhiều lần như quy định về kiểm tra chuyên ngành... Tiếp tục rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, kiên quyết không ban hành thêm các điều kiện không cần thiết, điều kiện kinh doanh dưới hình thức các tiêu chuẩn kỹ thuật làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời cần khẩn trương cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện cơ chế bảo vệ cho cán bộ công chức thi hành công vụ, dám đột phá, không vụ lợi tại Nghị định số 73/2023/NĐ-CP. Đây là điểm nghẽn quan trọng cần tiếp tục tháo gỡ trong thời gian tới.

Tiếp tục hỗ trợ DN giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Khẩn trương tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính như vấn đề hoàn thuế GTGT mà các DN phản ánh trong thời gian dài; rà soát, cắt giảm một số chi phí còn bất hợp lý so với thực tiễn hoạt động kinh doanh như: Chi phí kiểm dịch động vật, định mức chi phí tái chế, chi phí lưu kho bãi…; nghiên cứu chính sách giảm tỷ lệ đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống 1%. Hỗ trợ DN tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh XK và thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.

Lưu Hiệp
.
.