Doanh nghiệp xoay xở để có thưởng Tết cho người lao động

Thứ Năm, 16/12/2021, 08:59

Mặc dù sản xuất, kinh doanh gặp khó nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn đang xây dựng phương án thưởng Tết cho người lao động.

Chỉ còn nửa tháng nữa là kết thúc năm 2021, một năm phải đối mặt với rất nhiều khó khăn của các doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Có không ít doanh nghiệp phải “đóng cửa” từ vài ba tháng cho đến nửa năm để phục vụ công tác phòng, chống dịch và cũng chỉ mới “mở cửa” sản xuất trở lại trong thời gian ngắn. Nhiều doanh nghiệp hiện mới chỉ hoạt động ở mức 50-70% công suất. Mặc dù sản xuất, kinh doanh gặp khó nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn đang xây dựng phương án thưởng Tết cho người lao động.

Vẫn có thưởng Tết, dù ít hay nhiều

 Đang tập trung vào việc tuyển dụng lao động, mở rộng chuyền sản xuất để đáp ứng nhu cầu của đơn hàng phải bàn giao vào quý I/2022, ông Mai Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH XNK Linh Hân cho hay, cả năm 2021, liên tục các làn sóng dịch COVID-19 xảy ra khiến cho sản xuất kinh doanh luôn ở mức cầm chừng.

Doanh nghiệp xoay xở để có thưởng Tết cho người lao động -0
Doanh nghiệp nên cố gắng duy trì thưởng Tết để giữ chân người lao động.

Đặc biệt, mặt hàng may mặc xuất khẩu sang hai thị trường chính là Hàn Quốc và Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng nhất nên doanh thu của công ty sụt giảm mạnh. “Một năm sóng gió nhưng cũng may mắn là công ty vừa ký được một số đơn hàng lớn, chúng tôi đang tập trung tuyển dụng, mở rộng chuyền sản xuất để kịp tiến độ. Tuyển gần một tháng qua mà đến nay vẫn đang thiếu khoảng 200 lao động nên đây đang là vấn đề lớn. Tuy nhiên, việc chăm lo đời sống cho người lao động cũng không thể xem nhẹ được, vì thế ban lãnh đạo công ty cũng đã giao cho bộ phận tài chính cân đối để xây dựng phương án thưởng Tết. Một nén tiền công không bằng một đồng tiền thưởng. Dù ít hay nhiều cũng phải có, chưa có phương án chính thức nhưng dự tính sẽ là 1 tháng lương từ 7-12 triệu đồng tùy từng lao động”, ông Hùng chia sẻ.

Cũng gặp khó khăn về tài chính do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ông Trần Thái Minh, Giám đốc Công ty CP May Minh Quang vẫn khẳng định sẽ phải lo bằng được thưởng Tết để động viên người lao động đã gắn bó với công ty vượt qua giai đoạn khó khăn vừa qua. “Hằng năm, công ty thưởng Tết khoảng 2 tháng lương nhưng năm nay lợi nhuận giảm đến 70% nên dự kiến sẽ chỉ thưởng Tết cho người lao động được khoảng 1 tháng lương. Đối với những lao động có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi cùng với Công đoàn công ty sẽ có chính sách hỗ trợ thêm.

Năm nay, do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 mà nhiều đơn hàng chậm tiến độ, giá nguyên vật liệu tăng cao, cùng với đó là hàng loạt chi phí khác như xét nghiệm, hỗ trợ lao động trong dịch… nên để có thưởng Tết cho người lao động ban lãnh đạo công ty đã phải cố gắng rất nhiều”, ông Trần Thái Minh cho hay. Ông Minh cho biết thêm, thưởng Tết không chỉ để động viên người lao động, mà còn nhằm giữ ổn định nguồn lao động sau Tết. Do đó, dù gặp khó khăn về tài chính nhưng doanh nghiệp phải cố gắng xây dựng phương án thưởng Tết cho người lao động.

Theo nhận định, năm nay chỉ một số các doanh nghiệp không hoặc ít chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 như lĩnh vực công nghệ thông tin, thương mại hàng hóa, ngân hàng là có khả năng giữ được mức thưởng như năm 2021, còn lại doanh thu của rất nhiều ngành khác sụt giảm nghiêm trọng cho nên mức thưởng Tết sẽ không được như kỳ vọng.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, tình hình tài chính khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao nhưng nhiều nhà máy thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam vẫn thu xếp để lao động có tháng lương 13. Những công nhân không tham gia sản xuất “ba tại chỗ” sẽ không được đánh giá thi đua, mức thưởng sẽ thấp. Các công ty ở phía Nam gặp khó khăn hơn các công ty ở phía Bắc do thời gian đóng cửa lâu hơn và thiếu lao động sau khi hoạt động trở lại.

Cố gắng thưởng Tết để giữ chân người lao động    

Sau một năm đầy khó khăn và thách thức nhưng không ít doanh nghiệp vẫn đang cố gắng thu xếp nguồn để có khoản thưởng Tết cho người lao động. Tuy vậy, hiện cũng có không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch, mới chỉ hoạt động trở lại được một thời gian ngắn, chưa có nguồn thu nên thưởng Tết vẫn đang còn là câu chuyện nan giải. “Khả năng lương thưởng năm nay sẽ giảm khá nhiều so 2021. Có thể 30-50% số doanh nghiệp sẽ giảm số thưởng cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp thì đang nỗ lực để vẫn duy trì lương tháng 13, coi là một phần thưởng. Tuy nhiên, mức thưởng cụ thể sẽ thấp hơn năm trước”, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện đơn vị này đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, dự kiến, nguồn tài chính Công đoàn sẽ trích khoảng 2.400 tỷ đồng để chăm lo Tết cho khoảng 8 triệu đoàn viên, người lao động. Đối với đoàn viên, người lao động tại đơn vị hành chính và sự nghiệp công lập, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Công đoàn cơ sở chủ động cân đối nguồn tài chính để chăm lo, thăm hỏi.

Tuy nhiên, theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc thưởng Tết còn căn cứ vào tình hình tài chính, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng để giữ chân người lao động thì vẫn nên cố gắng duy trì thưởng Tết. "Hiện, tình hình hoạt động của doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tốt. Trong khi đó, thời điểm dịch bệnh căng thẳng, người lao động đã cố gắng ở lại đồng hành cùng doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh và cũng gặp nhiều khó khăn về tài chính. Do đó nếu không chú trọng giữ chân người lao động thì ra Tết, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn trong tìm kiến và đào tạo nguồn nhân lực", bà Trần Thanh Hà, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá.

Ở góc độ khác, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, năm nay tình hình dịch COVID-19 khiến hoạt động của doanh nghiệp khó khăn. Tuy vậy, doanh nghiệp cũng nên cố gắng cân đối tài chính để có chế độ lương, thưởng Tết phù hợp để đảm bảo cuộc sống của người lao động. Về phía người lao động cũng cần có sự chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp để có việc làm vì sự phát triển chung của kinh tế - xã hội.

Phan Hoạt
.
.