Giải pháp nào nâng cao vai trò “đầu tàu” của doanh nghiệp Nhà nước?

Chủ Nhật, 02/10/2022, 08:00

Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giữ vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, vì thế công cuộc tái cơ cấu DNNN luôn được chú trọng. Song, nhiều vướng mắc vẫn đang kìm hãm đà phát triển của khối doanh nghiệp này.

Số liệu thống kê cho thấy khu vực DNNN đóng góp hơn 29% GDP cả nước, thu hút khoảng 0,7 triệu lao động, thể hiện được vai trò chủ đạo trên một số ngành, lĩnh vực và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của khối DNNN vẫn chưa đạt như kỳ vọng, chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ.

Giải pháp nào nâng cao vai trò “đầu tàu” của doanh nghiệp Nhà nước? -0
Doanh nhiệp Nhà nước đóng góp hơn 29% GDP của cả nước.

“Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do cơ chế quản trị DNNN chậm được đổi mới, kém hiệu quả”, ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính nhận định. Cũng theo ông Quỳnh, mặc dù khuôn khổ pháp lý về quản trị công ty của DNNN đã có những tiến bộ đáng kể trong những năm qua, nhưng vẫn tập trung nhiều hơn vào quản lý vốn nhà nước và chỉ cho đến gần đây mới chú trọng đến việc đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của khu vực nhà nước. Khuôn khổ pháp lý hiện hành coi DNNN là công cụ điều tiết nền kinh tế mà chưa thực sự thừa nhận quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của DNNN. DNNN phải chịu nhiều sự giám sát, phải báo cáo, xin ý kiến quá nhiều, dẫn đến mất nhiều thời gian, không theo kịp diễn biến thị trường. Mọi kế hoạch đều phải xin ý kiến, dù có lãi nhiều hay ít thì mức lương cũng chỉ có vậy.

Chia sẻ về quan điểm này, ông Nguyễn Hồng Long - Phó trưởng Ban chuyên trách, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN của Chính phủ cho rằng, cần có sự đánh giá khách quan, công bằng về DNNN. DNNN có thể có lúc không hiệu quả bằng tư nhân, nhưng thực tế DNNN đang được khoác lên mình nhiều chức năng, nhiều mục tiêu, làm những việc mà DN khác không làm. Cùng lúc đó, DNNN có rất nhiều tầng lớp kiểm soát, phải xin ý kiến, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của DN.

“DNNN mơ được như cơ chế của DN tư nhân, DN tư nhân thì mơ được tiếp cận nguồn lực như DNNN. Đó là “trong chán ngoài thèm”, ông Nguyễn Hồng Long so sánh. Trong khi đó, nhìn từ góc độ pháp lý, TS Tống Phương Dung, Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) dẫn cụ thể về một số vướng mắc trong cơ sở pháp lý về quản trị công ty trong DNNN như: Chưa tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu; chủ sở hữu nhà nước can thiệp vào hoạt động của DN…

Trước những bất cập này, ông Phạm Đức Trung, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cho rằng, để quản trị tốt DNNN cần 7 yếu tố cơ bản. Trong đó, mỗi DNNN phải có mục tiêu và nhiệm vụ rõ ràng, tách bạch giữa mục tiêu chính trị xã hội với mục tiêu kinh doanh. Chủ sở hữu nhà nước cần thực hiện trách nhiệm của mình trên nguyên tắc năng động, minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu quả. Khuôn khổ thể chế và pháp luật cần bảo đảm cho DNNN cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường khi tiến hành các hoạt động kinh doanh thông thường. Các cổ đông ngoài nhà nước tại DNNN đa sở hữu phải được đối xử công bằng… Còn ông Hà Huy Tuấn, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đề xuất phải có hệ thống cụ thể riêng cho DNNN, bởi nếu áp những quy định cho DN thông thường với DNNN sẽ rất dễ bị “vênh”. Trong đó, đặc biệt là những vấn đề như hệ thống quản trị, chính sách thuế… phải có cách tiếp cận riêng, với những hệ thống quy định, chế tài riêng cho DNNN.

Về phía Bộ Tài chính, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến cho rằng, các vấn đề về quản trị DNNN đã có đủ căn cứ pháp lý, nhưng văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện chưa rõ ràng. Ông Tiến thừa nhận trách nhiệm đó là của cơ quan quản lý nhà nước, bao gồm các bộ ngành, trong đó có trách nhiệm của Bộ Tài chính, mà trực tiếp là Cục Tài chính doanh nghiệp. Tới đây, khi sửa Luật 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng đầu tư vốn nhà nước, có nhiều vấn đề DN đề xuất cần được đưa vào thể chế trong Luật. Cơ quan nhà nước xác định chỉ ban hành thể chế và giám sát thực hiện.

Được biết, mới đây, Bộ Tài chính đã có quyết định ban hành Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2022 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội. Tại kế hoạch này, lãnh đạo Bộ Tài chính giao Cục Tài chính doanh nghiệp nghiên cứu, trình Chính phủ sửa đổi các quy định về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người quản lý, người lao động trong DNNN theo nguyên tắc thị trường gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN.

Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, trình Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật hiện hành, cơ chế thúc đẩy DNNN mạnh dạn đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh, theo kịp tốc độ phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; thay đổi mô hình kinh doanh của nền kinh tế toàn cầu, xu thế phát triển trên thế giới; trong đó xem xét cơ chế lựa chọn tổ chức, cá nhân thực hiện quản lý, vận hành DNNN hoặc một phần tài sản, dự án của DNNN trong một khoảng thời gian nhất định...

B.K
.
.