Giải pháp phát triển năng lượng xanh

Thứ Sáu, 21/07/2023, 08:38

Ngày 20/7, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng dự án Hỗ trợ kỹ thuật năng lượng phân tán đô thị Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo “Hoạt động tiết kiệm năng lượng và năng lượng xanh”.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc – Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, hiện nay trước tình trạng ngày càng nóng hơn, cùng với hậu quả cuả các hệ sinh thái khiến cho nguồn năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả trở nên ưu tiên hàng đầu, vì sự bền vững. Việc giảm mức tiêu thụ năng lượng và chuyển nhu cầu sử dụng điện sang các nguồn có thể tái tạo sẽ làm giảm đáng kể lượng khí thải sinh ra, trong đó sử dụng các nguồn năng lượng xanh rất quan trọng, giúp doanh nghiệp (DN) giảm được chi phí vận hành. Tiết kiệm năng lượng không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cuả quốc gia, phục vụ cuả quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững, mà còn là phương thức hiệu quả trong việc giảm thiểu chi phí và bảo vệ môi trường, nguồn năng lượng xanh hiện nay được chú ý phát triển.

nang_luong_xanh_2-1689903572830.png
Ảnh minh họa.

“TP Hồ Chí Minh hiện nay có tiềm năng phát triển về năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Với năng lượng gió chịu ảnh hưởng nhiều cuả thời tiết, khí hậu. Còn năng lượng mặt trời thì có thể đáp ứng nhu cầu ở mọi nơi một cách cơ động, với ưu điểm là có sẵn trong thiên nhiên không gây ô nhiễm, không bị cạn kiệt, năng lượng này là giải pháp tiết kiệm năng lượng và thay thế các nguồn năng lượng không thể tái tạo”, bà Ngọc nói.

Những năm gần đây nhu cầu sử dụng điện tăng, đặc biệt một số lĩnh vực có nhu cầu tăng mạnh như: Lĩnh vực công nghiệp tăng 11% (lĩnh vực này chiếm 54% tổng mức tiêu thụ điện), lĩnh vực thương mại tăng 12%... Bên cạnh đó, Việt Nam cam kết sẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cam kết giảm phát thải khí metan vào năm 2030, và trong lĩnh vực xuất khẩu có rất nhiều mặt hàng đối tác yêu cầu DN Việt phải sử dụng năng lượng tái tạo, phải đáp ứng yêu cầu về môi trường, về phát thải… Vì vậy, cần có các nguồn năng lượng thay thế là thiết yếu.

Bà Vũ Thị Thu Hằng - Cán bộ dự án Hỗ trợ kỹ thuật năng lượng phân tán đô thị Việt Nam (USAID) khẳng định: “Tiết kiệm năng lượng xanh cũng như chuyển đổi năng lượng sạch là một trong những mục tiêu rất quan trọng trong quan hệ hợp tác chiến lược của Hoa Kỳ và Việt Nam, nhằm hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng để đạt được mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.

Theo đánh giá của bà Vũ Thị Thu Hằng, TP Hồ Chí Minh có rất nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo, cũng như cơ hội thực hiện tiết kiệm năng lượng hay năng lượng xanh, đóng góp rất quan trọng vào quá trình chuyển dịch năng lượng cuả Việt Nam. USAID thông qua dự án Hỗ trợ kỹ thuật năng lượng phân tán đô thị Việt Nam hợp tác chặt chẽ với Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, thực hiện giải pháp về chính sách, về cơ chế tài chính cũng như giải pháp về công nghệ để thúc đẩy sản xuất xanh và tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng xanh.

Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đang xây dựng lộ trình TP Hồ Chí Minh hướng tới phát thải ròng bằng 0 đến 2050. Theo đó, giải pháp để giảm phát thải nhà kính: Đối với lĩnh vực năng lượng, có các dự án điện gió, điện mặt trời áp mái, phát triển nhiệt điện và các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng; Đối với lĩnh vực chất thải và quản lý môi trường thì có giải pháp thu hồi khí từ bãi chôn lấp, chuyển đổi khí sinh học để kết hợp phát điện, tái sử dụng nước thải, tái chế… ; lĩnh vực giao thông thì có giải pháp về giao thông công cộng, phát triển hệ thống xe đạp, xe điện…

“Tất cả những giải pháp này sẽ được chúng tôi đưa vào kịch bản hướng tới phát thải bằng 0. Kịch bản này có gần 30 giải pháp. Sau khi kịch bản hoàn thiện, sẽ tiến tới tham vấn các đơn vị liên quan về tính hợp lý, tính chính xác và tính khả thi cuả các giải pháp để sát với thực tế”, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết.

T.Hà
.
.