Hàng không Việt mở đường bay thẳng đến Mỹ: Hãng nói “lỗ vài năm”, hãng tin "bay là có lãi"

Thứ Tư, 01/12/2021, 08:17

Cùng một đường bay, hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết sẽ lỗ khoảng vài năm, trong khi đó, lãnh đạo Bamboo Airways thì tự tin "bay là có lãi”.

Mở đường bay thẳng đến Mỹ vốn dĩ không chỉ là mục tiêu của một hãng mà là rất nhiều hãng hàng không ở các quốc gia khác nhau. Tại Việt Nam, cho đến thời điểm này đã có hai hãng hàng không được cấp phép bay thẳng tới Mỹ. Những chuyến bay kỹ thuật đã lần lượt được thực hiện, thế nhưng, việc bay thường lệ thương mại chở khách hai chiều thì chưa. Cùng một đường bay, hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết sẽ lỗ khoảng vài năm, trong khi đó, lãnh đạo Bamboo Airways thì tự tin "bay là có lãi”.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch hãng hàng không Bamboo Airways cho biết, ở Việt Nam vẫn chưa có hãng bay nào có thể bay thường lệ thương mại chở khách hai chiều đến Mỹ, tức là bán vé bay thương mại thường lệ hai chiều ở cả Việt Nam và Mỹ, trong bối cảnh cơ quan quản lý hiện vẫn chưa chính thức cho phép bay thương mại thường lệ quốc tế bình thường trở lại. Ông cũng thông tin thêm, các thủ tục để bay thương mại đến Mỹ của Bamboo Airways đã được hãng xúc tiến hoàn tất.

Chủ tịch Bamboo Airways thông tin: “Dự kiến giá vé khứ hồi hai chiều sẽ từ khoảng 1.300-1.500 USD, tuỳ từng thời điểm”, đồng thời tự tin bày tỏ: “Chúng tôi tính bay là có lãi. Có cơ sở để tin như vậy vì lượng khách rất tiềm năng”. 

Xung quanh câu chuyện hàng không Việt mở đường bay thẳng đến Mỹ: Hãng nói “lỗ vài năm”,  hãng tin bay là có lãi -0
Vé máy bay thẳng Việt Nam-Mỹ của hàng không Bamboo dự kiến từ 1300USD-1500USD.

 Hiện nay, Mỹ là một trong những nước có số lượng Việt kiều và du học sinh Việt Nam lớn nhất thế giới. Thị trường hàng không Việt - Mỹ ước đạt 1,4 triệu lượt khách vào năm 2019, tăng trưởng trung bình 8% một năm giai đoạn 2017-2019. Đây là thị trường có dung lượng đến Việt Nam lớn thứ 10 và thị trường lớn nhất chưa có đường bay thẳng đến Việt Nam trước đó. Giao thương giữa Mỹ và Việt Nam liên tục tăng trưởng trong những năm vừa qua, tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa 2 nước đạt 90 tỷ USD trong năm 2020 và mục tiêu đạt 100 tỷ USD trong năm 2021...Tuy nhiên, để khai thác thương mại hiệu quả đường bay này cũng không dễ, khi thực tế từng có 2 hãng hàng không Mỹ bay thẳng tới Việt Nam, nhưng do thua lỗ nên đã phải dừng khai thác. Hãng khai thác đầu tiên đường bay này là United Airlines với đường bay tới sân bay Tân Sơn Nhất từ năm 2007, nhưng sau 5 năm phải tạm dừng khai thác tới nay. Sau đó, hãng Delta Airlines cũng bay tới Tân Sơn Nhất, nhưng rồi cũng phải dừng sau thời gian ngắn khai thác.

Mới đây, chuyến bay VN98 đã mở ra giai đoạn khai thác mới của Vietnam Airlines trên đường bay Mỹ. Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, về mặt thị trường, Vietnam Airlines  đánh giá nhu cầu sẽ nhanh chóng phục hồi sau khi dịch bệnh được kiểm soát và các chính sách nhập cảnh được nới lỏng, tạo thuận tiện cho hành khách. Xét về nguồn lực đội máy bay, do tình hình đại dịch COVID-19, thị trường hàng không quốc tế sụt giảm mạnh và dự báo đến năm 2023 mới có thể phục hồi về mức năm 2019. Từ nay đến năm 2023, nguồn lực máy bay thân rộng của Vietnam Airlines  nói riêng và của toàn ngành hàng không thế giới nói chung sẽ dư thừa.

Trong bối cảnh khả năng xử lý máy bay thừa theo phương thức bán và thuê lại gặp nhiều khó khăn, việc mở thêm đường bay Mỹ có hiệu quả so chi phí biến đổi, giúp Vietnam Airlines  tăng thêm doanh thu, giảm thiểu thiệt hại tài chính do dư thừa nguồn lực, đồng thời đáp ứng được nhiệm vụ chính trị thiết lập cầu nối giao thương và tạo tiền đề cho sự phát triển khi thị trường phục hồi sau COVID-19. 

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Hà cũng thừa nhận, kế hoạch bay Mỹ của Vietnam Airlines  có rất nhiều thách thức. Đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ có thời gian bay dài, chiều đi dài hơn 13 tiếng, chiều về dài hơn 16 tiếng. Do đó Vietnam Airlines  không thể khai thác hết tải của tàu bay dẫn đến doanh thu chuyến bay giảm. Ngoài ra, Vietnam Airlines  gặp phải cạnh tranh rất lớn trên đường bay này do giá vé rẻ được khai thác bởi các hãng hàng không bay 1 điểm dừng (CI, BR của Đài Loan; KE, OZ của Hàn Quốc; NH, JL của Nhật Bản…). Dự kiến giá vé của chặng bay một chiều giữa Việt Nam và Mỹ do Vietnam Airlines  khai thác sẽ từ 800 USD bao gồm thuế, phí.

Trả lời câu hỏi trước đây lãnh đạo Vietnam Airlines đã tính toán nếu bay thẳng thường lệ đến Mỹ mỗi năm sẽ lỗ khoảng 30-50 triệu USD, vào thời điểm này, con số này sẽ như thế nào, lãnh đạo của Vietnam Airlines thẳng thắn: Con số tính toán lỗ trên dựa vào phương án khai thác 7 chuyến/tuần, với điều kiện khai thác không hạn chế và cạnh tranh lớn bởi các hãng bay với 1-2 điểm dừng và hạch toán chi phí đầy đủ bao gồm cả chi phí biến đổi (xăng dầu, điều hành bay, phục vụ hành khách …); chi phí cố định (không bay cũng phải trả như thuê mua máy bay, bảo dưỡng tàu bay, động cơ, nhân công, văn phòng…).

Trong bối cảnh hiện tại, Vietnam Airlines dự kiến bắt đầu khai thác với tần suất 2 chuyến/tuần, chỉ tăng chuyến khi thị trường phục hồi và đảm bảo hiệu quả. Với đường bay Việt-Mỹ, trong 5 năm đầu hãng vẫn xác định lỗ, nhưng cân đối toàn mạng bay của hãng sẽ vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả.

Phạm Huyền
.
.