Khó khăn bủa vây doanh nghiệp dệt may, da giày

Thứ Hai, 13/11/2023, 06:53

Thiếu đơn hàng, giá gia công giảm mạnh, hàng hóa xuất đi nhưng tiền chưa thể thu về… là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp dệt may, da dày tại các tỉnh miền Trung. Một số doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự, nợ lương, thậm chí ngừng hoạt động.

Ngày 24/10/2023, Công ty CP May Thiên Thành Five Star, địa chỉ tại KCN Đại Kim, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) có văn bản gửi các cơ quan chức năng và toàn thể công nhân viên toàn công ty về việc tạm dừng hoạt động do gặp nhiều khó khăn về hàng hóa và tài chính. Theo thông báo được phát đi, công ty sẽ tạm thời cắt bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 10/2023 của người lao động. Đối với lương của công nhân nhận tiền mặt tháng 9/2023, Ban lãnh đạo công ty đã chi trả cho người lao động vào ngày 1/11/2023, còn lương tháng 10/2023 sẽ được chi trả vào ngày 15/11/2023. Ban lãnh đạo công ty sẽ cố gắng tìm kiếm thị trường, đưa đơn hàng mới về để công ty có thể hoạt động trở lại.

det-may-2.jpg -0
Tình trạng công nhân đình công kéo dài để đòi tăng lương cơ bản tại nhà máy giày da của Công ty TNHH Viet Glory tại Nghệ An.

Trước đó, vào tháng 8/2023, do khó khăn trong quá trình hoạt động nên doanh nghiệp này đã chậm trả lương, nợ tiền đóng bảo hiểm của người lao động trong nhiều tháng dẫn đến hơn 300 công nhân đang làm việc tại đây đã đình công, không vào làm việc mà tụ tập ở khu vực cổng. Sự việc chỉ vãn hồi khi chính quyền và ngành lao động thương binh xã hội phối hợp với doanh nghiệp để đối thoại, hứa chi trả lương và phụ cấp cho người lao động trong thời gian sớm nhất.

Được biết, Nhà máy may Five Star có vốn đầu tư 150 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần May Five Star Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, thực hiện từ tháng 1/2016 trên diện tích 6,5 ha. Sau nhiều năm đầu tư dang dở bỏ hoang, chậm tiến độ, nhà máy đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2021 và đây cũng là doanh nghiệp duy nhất trong KCN Đại Kim (được thành lập từ năm 2007 trên diện tích 33ha) thuộc Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đi vào hoạt động tính đến thời điểm này.

Tuy nhiên, gần đây doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn hàng, tình hình tài chính, ngoài ra hàng hoá xuất đi nhưng tiền hàng vẫn chưa thu về được dẫn đến việc từ ngày 1/11/2023, Công ty CP May Thiên Thành Five Star xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tại tỉnh Nghệ An, một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Viet Glory tại xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu cũng rơi vào tình cảnh khó khăn chồng chất khiến hàng nghìn công nhân liên tục đình công, đòi quyền lợi từ năm này qua năm khác. 3 năm đưa vào hoạt động, doanh nghiệp này đã phải lần thứ 3 đối mặt với tình trạng đình công của hàng nghìn công nhân đang làm việc tại đây.

Mới đây nhất, vào ngày 2/10/2023, hàng nghìn công nhân Công ty TNHH Viet Glory tập trung tại nhà để xe và đồng loạt ra về, không làm việc ca chiều. Cuộc đình công của gần 7.000 công nhân kéo dài trong suốt 5 ngày để đưa ra 8 nhóm kiến nghị chuyển tới lãnh đạo công ty. Trong đó, hai nội dung chính được quan tâm nhất là tăng lương cơ bản và xem xét lại mức khoán sản phẩm. Mặc dù phần lớn người lao động đã trở lại làm việc sau đó nhưng yêu cầu về việc tăng lương vẫn chưa được đáp ứng vì lãnh đạo công ty cho rằng, tình hình hiện tại của công ty đơn hàng ít nên không thể điều chỉnh mức tăng lương cơ bản, chỉ mong cán bộ công nhân viên chia sẻ thông cảm.

Được biết, công ty TNHH Viet Glory hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công giày dép xuất khẩu, hoạt động từ năm 2020. Hiện, mức lương mà doanh nghiệp này trả cho công nhân là 4.130.000 đồng/tháng. Trước đó, vào ngày 16/2/2021 (mùng 5 Tết Nhâm Dần), hơn 1.400 công nhân Công ty TNHH Viet Glory cũng đã ngừng việc tập thể để yêu cầu quyền lợi. Một năm sau, ngày 7/2/2022, ngày đầu tiên trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, gần 5.000 công nhân công ty này tiếp tục ngừng việc để yêu cầu đảm bảo quyền lợi.

Là địa bàn tập trung tương đối lớn các doanh nghiệp dệt may, giày dép xuất khẩu, từ đầu năm đến nay tại nhiều tỉnh miền Trung các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này cũng chịu sự tác động chung khi kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường trọng điểm chứng kiến đà sụt giảm tương đối mạnh. Nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm công nhân, giảm công suất, chấp nhận thua lỗ, thậm chí phải tạm đóng cửa.

Tự hào là đơn vị ổn định nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh, kể cả trong giai đoạn COVID-19, song đến thời điểm này Công ty CP May xuất khẩu MTV, địa chỉ tại Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang đối mặt với nguy cơ đóng cửa khi các đơn hàng truyền thống ở thị trường Nhật Bản đều cắt giảm về số lượng buộc phải tìm kiếm khách hàng mới ở thị trường châu Âu, châu Mỹ. Tuy nhiên, mã hàng mới khó làm nên năng suất không cao, tính ra doanh nghiệp không có lợi nhuận, thậm chí phải bù lỗ nhưng vẫn phải nỗ lực để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất. So với hồi đầu năm, hiện nay doanh nghiệp này chỉ còn duy trì 50% dây chuyền sản xuất và số lao động buộc phải cắt giảm từ 300 xuống còn 170 công nhân. 10 tháng năm 2023, doanh thu của công ty chỉ khoảng 25 tỷ đồng, đạt 71% kế hoạch năm 2023.

Tương tự, lần đầu tiên kể từ khi đưa vào hoạt động đến nay, Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh tại Cụm công nghiệp Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã phải chấp nhận khoản lỗ hơn 30 tỷ đồng khi còn tồn kho lượng hàng lớn với hơn 600 tấn sợi. Theo lãnh đạo công ty, thời gian gần đây giá bông nhập khẩu tăng, trong khi giá sợi bán ra giảm mạnh và chi phí sản xuất, vận chuyển đều tăng cao nên doanh nghiệp phải bù lỗ. Từ nhiều tháng nay, công ty đang nỗ lực để không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh nhằm duy trì việc làm cho hơn 300 lao động.

Theo thống kê của Sở Công thương, hiện tại, Hà Tĩnh có 6 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng dệt may với hơn 3.500 lao động, giảm hơn 1.000 lao động so với năm 2022. Qua khảo sát, đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may Hà Tĩnh hiện giảm khoảng 40% so với trước. Trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 1,3 triệu USD, chỉ bằng 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng tại Hà Tĩnh, đầu năm 2023 đến nay, có 157 doanh nghiệp giải thể và 471 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động.

Theo ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 60 doanh nghiệp dệt may, da giày đang hoạt động. Hằng năm, các doanh nghiệp này đã đóng góp trên dưới 20% kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động nông thôn. Năm 2023, dệt may và da giày tại Nghệ An gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra, nguồn hàng dẫn đến xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, kim ngạch giảm gần 16%. Dệt may và da giày là 2 trong số những mặt hàng xuất khẩu chủ lực nhưng gần đây đã liên tục giảm mạnh do thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, đơn hàng khan hiếm. Đơn cử, sản phẩm sợi 70% sản lượng xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc nhưng do ngành may mặc giảm sút nên khách hàng giảm nhập khẩu; sản phẩm may mặc của hầu hết các doanh nghiệp giảm từ 20% so với cùng kỳ.

Những năm gần đây, do khó khăn chung về kinh tế, tại nhiều nhà máy hoạt động trong lĩnh vực này đã thường xuyên xảy ra tình trạng người lao động đình công, nghỉ việc để đòi quyền lợi, trong đó chủ yếu là đòi tăng lương cơ bản. Tình trạng này tiếp diễn không chỉ tạo ra tiền lệ xấu, mang đến rất nhiều tổn thất cho cả doanh nghiệp, người lao động và môi trường đầu tư của địa phương mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ANTT trên địa bàn.

Thiên Thảo
.
.